Quan điểm bảo vệ quyền lợi của người lao động trong vụ kiện Ban Thời sự-Đài truyền hình VN đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Ngày cập nhật: 08/06/2016
Về các căn cứ cho yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn trong vụ kiện tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập- Tự do-Hạnh phúc
---------------*-----------------
              
BÀI TRÌNH BÀY Ý KIẾN
Về các căn cứ cho yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn trong vụ kiện tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động


PHẦN I: ĐỐI VỚI BỊ ĐƠN BAN THỜI SỰ- ĐÀI TRUYỀN HÌNH VIỆT NAM 

Kính thưa Hội đồng xét xử !
Tôi là luật sư Phan Thị Hương Thủy –là Người đại diện theo ủy quyền của Nguyên đơn trong vụ án tranh chấp lao động về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với Bị đơn Ban Thời sự thuộc Đài truyền hình VN theo thông báo thụ lý vụ án số 18/2015/TB-TLVA ngày 2/10/2015 xin trình bày các căn cứ cho yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn cụ thể như sau:

Nguyên đơn xác định Ban thời sự đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với chị bằng việc ban hành Thông báo số 29/TB-TS ngày 10/8/2015 do Trưởng ban Thời sự Hoàng Sơn ký. Thời điểm biết được Thông báo này là ngày 11/8/2015 do gia đình thông báo (vì thông báo này không gửi trực tiếp cho nguyên đơn mà gửi cho mẹ nguyên đơn). Ngày 28/8/2015 nguyên đơn nộp đơn khởi kiện Ban thời sự ra Tòa án nhân dân quận Ba Đình được xác định là trong thời hiệu khởi kiện.

Về tư cách của bị đơn: Căn cứ bản phân cấp về quản lý công chức, viên chức và người lao động của Đài truyền hình VN ban hành kèm theo Quyết định số 964/QĐ-THVN ngày 21/6/2013 của Tổng giám đốc Đài truyền hình VN thì Ban thời sự là bộ phận độc lập (thuộc nhóm 1) của Đài truyền hình được Tổng giám đốc phân cấp giao kết hợp đồng lao động với người lao động (quy định tại khoản 2 điều 5) nên Tòa án nhân dân quận Ba Đình xác định Ban thời sự tham gia tố tụng với tư cách Bị đơn là đúng.

Tóm tắt quá trình làm việc: 
-Ngày 21/7/2015 Ban thời sự- Đài THVN thông báo trên trang điện tử VTV Online tuyển dụng chức danh biên tập viên dẫn.
-Ngày 14/8/2014 nguyên đơn nộp đơn và hồ sơ đăng ký thi tuyển vào Ban thời sự với chức danh biên tập viên dẫn. 
-Ngày 29/10/2014 Trưởng ban thời sự ký quyết định công bố danh sách 12 ứng viên trúng tuyển trong đó có nguyên đơn. 
-Ngày 1/11/2014 nguyên đơn được Trưởng ban Thời sự ký Thỏa thuận đào tạo nghề biên tập viên dẫn thời hạn 6 tháng (từ 1/11/2014 đến 30/4/2015). 
-Ngày 1/5/2015 nguyên đơn được Trưởng ban Thời sự ký Hợp đồng thử việc số 06/HĐTV-TS thời hạn 60 ngày (từ 1/5/2015 đến 30/6/2015). 
-Nguyên đơn làm việc đến ngày 17/8/2015 thì nghỉ việc vì Ban thời sự ban hành Thông báo số 29 ngày 10/8/2015 do Trưởng ban Hoàng Sơn ký từ chối không ký hợp đồng lao động tiếp theo vì lý do “ không đủ tiêu chuẩn để trở thành biên tập viên dẫn theo yêu cầu của Ban Thời sự”. 
-Ngày 28/8/2015 nguyên đơn nộp đơn khởi kiện Ban thời sự do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tại Tòa án nhân dân quận Ba Đình.

Các căn cứ cho yêu cầu khởi kiện đối với Ban Thời sự:

Thứ nhất: Căn cứ xác định giữa Ban Thời sự và nguyên đơn có quan hệ lao động theo hợp đồng lao động.
Ngày 1/11/2014 Ban thời sự ký Thỏa thuận đào tạo nghề biên tập viên dẫn với nguyên đơn thời hạn 6 tháng (đến 30/4/2015). Sau khi kết thúc thời gian đào tạo nghề ngày 2/6/2015 Trưởng ban thời sự ký Quyết định số 84/QĐ-TS V/v. ký hợp đồng thử việc với nguyên đơn thời hạn 2 tháng từ ngày 1/5/2015 đến 30/6/2015. 
Căn cứ  Quyết định số 1541/QĐ-THVN ngày 30/9/2013 của Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt nam về việc ban hành Quy định tạm thời về sử dụng hợp đồng lao động theo công việc và cộng tác viên tại Đài truyền hình VN quy định:
Một là: Người lao động hợp đồng (quy định tại khoản 1 điều 3) - là người được tuyển và sử dụng để làm những công việc thường xuyên trả lương theo chế độ lương sản phẩm hoặc lương  khoán theo công việc được ký hợp đồng lao động theo công việc (không nằm trong định biên của Đài truyền hình VN). Tại điều 4.4 quy định nguyên tắc sử dụng hợp đồng lao động theo công việc là việc tuyển dụng phải tuân thủ đúng quy trình tại điều 5 bao gồm các bước: Thi tuyển hoặc xét tuyển, đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề (6 tháng), thử việc (60 ngày đối với công việc yêu cầu trình độ từ cao đẳng trở lên), ký hợp đồng lao động 12 tháng lần 1, ký hợp đồng lao động 12 tháng lần 

Hai là: Cộng tác viên (quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều 3): Điểm khác cơ bản giữa cộng tác viên và người lao động theo hợp đồng là CTV không làm công việc có tính chất thường xuyên (tức chỉ làm công việc có tính chất thời vụ, ngắn hạn), không có lương (mà chỉ có thù lao theo công việc), không được ký hợp đồng lao động (mà chỉ ký hợp đồng dân sự về thuê khoán việc). 
Căn cứ vào các tiêu chí trên thì nguyên đơn được xác định là người lao động được tuyển dụng để lảm việc theo hợp đồng với công việc biên tập viên dẫn và đã trải qua các bước: xét tuyển (là 1 trong 12 người trúng tuyển), đào tạo nghề (6 tháng), thử việc (thuộc trường hợp thử việc 60 ngày vì có 2 bằng đại học: 1 bằng ngoại ngữ 1 bằng sân khấu điện ảnh).

Tại khoản 3 điều 6 Quyết định 1541 quy định: “ Sau khi kết thúc quá trình thử việc nếu đạt yêu cầu thì phải giao kết hợp đồng lao động theo công việc xác định thời hạn 12 tháng. Nếu không đạt yêu cầu thì không ký hợp đồng theo công việc”. Quy định này phù hợp với khoản 2 điều 29 Bộ luật lao động quy định “thời gian thử việc đối với người lao động có bằng đại học không được quá 60 ngày”. Khoản 1 Điều 29 Bộ luật lao động sửa đổi năm 2012 quy định về Kết thúc thời gian thử việc như sau “ Khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động”. 

Ngày 23/10/2015 Bị đơn đã có ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn thể hiện tại Văn bản số 134/TS ngày 23/10/2015 do ông Hoàng Sơn, chức vụ Trưởng Ban thời sự Đài truyền hình Việt Nam ký nại ra rất nhiều lý do để cố gắng chứng minh việc từ chối ký hợp đồng lao động tiếp theo với nguyên đơn là đúng pháp luật. Cụ thể:

(i)Theo Bị đơn trình bày: quy trình tuyển dụng lao động làm việc theo hợp đồng theo Quyết định số 1541 là phải qua 4 bước: bước 1 thi tuyển hoặc xét tuyển (trường hợp nguyên dơn  là xét tuyển); bước 2: đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề (06 tháng); bước 3: thử việc (02 tháng). Nếu 3 bước trên đạt yêu cầu thì bước 4 được ký hợp đồng lao động theo quy định của Đài truyền hình VN (lần 1 là hợp đồng có thời hạn 12 tháng). Tại phiên tòa Ban thời sự vẫn cho rằng nguyên đơn bị từ chối ký hợp đồng lao động tiếp theo tại bước 4 là vì bước 2 và bước 3 không đạt yêu cầu nhưng không đưa ra được tài liệu chứng cứ để chứng minh.
Căn cứ phản bác đối với ý kiến này là: Nguyên đơn đã đạt 3 bước (xét tuyển, đào tạo nghề, thử việc) theo đúng quy định của VTV theo Quyết định số 1541/QĐ-THVN ngày 30/9/2013 của Tổng giám đốc Đài THVN. Chứng minh cụ thể như sau:
+ Chứng minh đạt yêu cầu bước 2 (là thời gian đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề 6 tháng sau khi trúng tuyển): 
Ngày 1/11/2012 Trưởng ban Thời sự ký bản Thỏa thuận đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề với tư cách là bên đơn vị đào tạo với nguyên đơn –với tư cách bên người học nghề  (có thời hạn 6 tháng từ 1/11/2014 đến 30/4/2015). 
Tại điều 2.2 quy định quyền lợi của người học nghề như sau: 
“-Không phải đóng học phí để học tập và thực hành nghề. 
-Sau  khi kết thúc thời gian học nếu được đánh giá đạt yêu cầu được xem xét thử việc và ký hợp đồng lao động theo công việc theo đúng quy định của Đài truyền hình VN.
-Nếu trực tiếp hoặc tham gia làm ra sản phẩm hợp quy cách, đạt yêu cầu chất lượng thì được hưởng một mức thù lao theo thỏa thuận giữa người lao động với đơn vị”.
Theo tài liệu do 2 bên cung cấp cho tòa thể hiện: Trong quá trình đào tạo thực hành nghề nguyên đơn đã tham gia sản xuất và được Ban thời sự trả tiền cho các sản phẩm của chị. Căn cứ tài liệu do Bị đơn cung cấp là “Thống kê sản phẩm từ tháng 11/2014 đến tháng 7/2015” thì có 66 sản phẩm được trả tiền. Điều này thể hiện các sản phẩm của nguyên đơn “hợp quy cách, đạt yêu cầu chất lượng”. Và điểu đáng lưu ý là không có 1 phóng sự nào bị khán giả thắc mắc khiếu nại vì bất cứ lỗi nào.
(Ghi chú: Trong quá trình đào tạo người lao động không thực hành nghề liên tục tại 1 phòng. Lúc đầu được bố trí vào Phòng Chào buổi sáng (không làm ngày nào). Từ 6/11/2014 đến 26/1/2015 bị điều chuyển sang Phòng Các vấn đề thời sự (2 tháng 20 ngày). Từ ngày 27/1/2015 bị điều chuyển sang Phòng Xã hội (3 tháng 3 ngày). Điều này phù hợp với điều 3.2 quy định quyền của đơn vị đào tạo như sau:“Có quyền điều chuyển người học giữa các bộ phận của Ban 
Tuy nhiên tại phòng nào nguyên đơn cũng đều nắm bắt được công việc và có khả năng trực tiếp đi sản xuất các phóng sự theo phân công hoặc theo đề xuất (được lãnh đạo phòng duyệt). Tất cả các phóng sự của nguyên đơn đều được phát sóng trên VTV1 và không có 1 phóng sự nào bị khiếu nại, thắc mắc do vi phạm pháp luật). Điều này thể hiện năng lực làm việc và hiệu quả của công việc có tính chất đặc thù biên tập viên dẫn mà nguyên đơn đã hoàn thành ngay trong cả thời gian đào tạo nghề.  
Căn cứ mà đại diện Bị đơn dựa vào để xác định nguyên đơn không đạt yêu cầu bước 2 là 3 tài liệu: Biên bản họp ngày 20/4/2015 của Phòng xã hội có tiêu đề: “V/v. Đánh giá nhân viên hợp đồng thử việc”, Thông báo số 17/TB-TS ngày 2/6/2015  do Trưởng phòng hành chính tổng hợp Lê Khánh ký về nhận xét quá trình đào tạo nghề của nguyên đơn và Biên bản họp ngày 29/5/2015 của Hội đồng xét tuyển lao động đào tạo nghề, Thử việc và Hợp đồng lao động theo công việc năm 2015 của Ban thời sự (được thành lập theo Quyết định số 03a ngày 15/1/2015 của Trưởng ban thời sự. Trong đó Biên bản họp phòng ngày 20/4/2015 là quan trọng nhất vì là căn cứ để ra Thông báo số 17 và Biên bản họp ngày 29/5/2015 để xác định nguyên đơn không đạt yêu cầu của bước 2. 
Các tài liệu mà Bị đơn nêu ra là không thuyết phục và trái với chính văn bản nội bộ của Đài truyền hình Việt nam cụ thể:
Tại khoản 2 điều 6 Quyết định 1541 ngày 30/9/2013 của Tổng giám đốc Đài truyền hình VN quy định: “ Kết thúc thời gian đào tạo, Thủ trưởng đơn vị nhận xét, đánh giá người lao động để thử việc hoặc chấm dứt thời gian đào tạo nghề”. 
Như vậy chỉ có Trưởng ban Thời sự mới có thẩm quyền để nhận xét đánh giá người lao động khi chấm dứt đào tạo nghề chứ không phải Trưởng phòng hành chính tổng hợp hay, Biên bản họp phòng cũng như Hội đồng xét tuyển như nêu trên. Căn cứ Quyết định số 84/TS ngày 2/6/2015 của Trưởng ban thời sự v/v ký hợp đồng thử việc với các biên tập viên dẫn đã trải qua thời gian đào tạo nghề trong đó có nguyên đơn và Hợp đồng thử việc ngày 1/5/2015 có thời hạn 60 ngày (đến 30/6/2015) ký giữa Ban thời sự với nguyên đơn. Tài liệu này cũng là chứng cứ chứng minh: nếu nguyên đơn không đạt bước 2 thì đã không được ký hợp đồng thử việc.
Điểm a điều này quy định “thử việc 60 ngày đối với người lao động làm công việc yêu cầu chức danh, vị trí yêu cầu trình độ từ cao đẳng trở lên” (như đối với trường hợp của nguyên đơn có 2 bằng đại học).

+ Chứng minh đạt yêu cầu bước 3 (thử việc 60 ngày) : Phần này đã chứng minh ở phần trên nay tôi chỉ củng cố thêm lập luận của mình như sau:

Căn cứ khoản 2 điều 6 Quyết định 1541 sau thời gian đào tạo nghề người lao động được ký hợp đồng thử việc với thời hạn 60 ngày (đối với trường hợp có bằng đại học). Căn cứ Hợp đồng thử việc ký ngày 1/5/2015 giữa Trưởng ban Thời sự với nguyên đơn có nội dung:
- “Thời hạn thử việc 60 ngày (đến 30/4/2015). 
- Công việc làm thử gồm: Dẫn chương trình; Biên tập các tin, chuyên mục của Ban thời sự; các công việc đột xuất khác theo phân công của phụ trách phòng và Lãnh đạo Ban.
- Lương theo hình thức sản phẩm”.
- Ngoài ra người lao động còn được đảm bảo phân công công việc để đạt mức lương ít nhất bằng 107% mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định. (Nhưng trong hợp đồng thử việc cũng không quy định lương tối thiểu là bao nhiêu).

Trong quá trình đào tạo thực hành nghề nguyên đơn vẫn tiếp tục tham gia sản xuất và được Ban thời sự trả tiền cho các sản phẩm của chị. Các sản phẩm này bao gồm: là phóng sự, tin để phát trong các chương trình và bản tin thời sự trên Đài truyền hình.
Quy trình để sản xuất 1 phóng sự và tin: bao gồm cả công việc biên tập và dẫn chương trình. Bằng chứng là các bức ảnh nguyên đơn đang cầm mic có biểu tượng VTV và ghi chức danh là phóng viên được chụp từ các phóng sự đã phát ở VTV là các phóng sự do chính chị sản xuất biên tập, viết lời bình, đọc lời bình, quay tại hiện trường và đã được phát tại các chương trình và bản tin thời sự của VTV. Phù hợp với bảng liệt kê các sản phẩm được Ban thời sự trả tiền (tài liệu do Bị đơn cung cấp cho tòa). Trong số những người trúng tuyển cùng công tác tại Phòng xã hội thì nguyên đơn là người sản xuất nhiều phóng sự nhất.

Trong 2 tháng thử việc (từ 1/5/2015 đến 30/6/2015) chị đã thực hiện biên tập và dẫn 16 phóng sự (trong đó 9 phóng sự là đề xuất và 7 phóng sự được phân công), trong đó có 1 ghi nhanh và 1 tin, tổng cộng là 18 sản phẩm và đã được trả lương gồm:
1. Thị trường ngày nắng nóng (để xuất)
2. Những biển báo kỳ quặc ở Hà nội (đề xuất)
3. Hà nội: 2 học sinh lớp 8 đánh nhau tử vong
4. Thực hư hóa chất độc hại trong sữa tắm trẻ em, khăn giấy ướt (đề xuất)
5. Giới trẻ Hà thành với trò chơi lướt ván (đề xuất)
6. Các dịch vụ kiểu thời tiết (đề xuất)
7. Hiến sữa nhân đạo (đề xuất)
8. Cháy nhà ở quận Hoàng Mai, 5 người thiệt mạng (ghi nhanh)
9. Con đường nguy hiểm ở Hà nội (đề xuất)
10. Chiến sĩ cảnh sát đỡ đẻ cho sản phụ giữa đêm
11. Thái độ của cán bộ nhân viên ngành y tế
12. Thực hư vụ cây xanh bịt gốc bằng bao dứa, ny lon
13. Mô hình tự quản
14. Nguồn nước nhiễm Asen ở Hà nam (đề xuất)
15. Hai lần đoạt giải vàng Toán học quốc tế
16. Du lịch bằng trực thăng (đề xuất)

(ii)Căn cứ tài liệu do Bị đơn cung cấp là “Thống kê sản phẩm từ tháng 11/2014 đến tháng 7/2015” thì có 66 sản phẩm được trả tiền. Cụ thể: Tháng 11/2014: Trả 1.185.000 đồng. Tháng 12/2014 (có 6 lần phát sóng): 1.928.000 đồng. Tháng 1/2015 (11 lần): 4.125.000 đồng. Tháng 2/2015 (15 lần): 3585.000 đồng. Tháng 3/2015 (19 lần): 1.325.000 đồng. Tháng 5/2015 (5 lần): 1.080.000 đồng. 
Theo Bị đơn thì tiền lương hàng tháng của nguyên đơn là thấp nhất so với những người cùng được tuyển dụng và cho đấy cũng là thể hiện chưa đạt yêu cầu về công việc. Ý kiến phản bác của tôi là: so sánh các bảng tính sản phẩm của những người trúng tuyển cùng nguyên đơn thì chỉ có nguyên đơn là có số lượng phóng sự tự sản xuất nhiều nhất. Còn vì sao tiền lương của từng người không giống nhau thì người lao động không thể biết được cách tính toán tiền lương cụ thể của Ban thời sự (bởi chính trong hợp đồng thử việc cũng không nêu cụ thể mức tiền lương và cách tính toán định mức tiền lương như thế nào). Để xác định công việc làm thử (biên tập viên dẫn) có đạt yêu cầu hay không phải căn cứ vào số lượng phóng sự được phát sóng trên Đài truyền hình quốc gia. Đó mới là thước đo chính xác để đánh giá công việc làm thử đạt yêu cầu. Bởi nếu không đạt yêu cầu thì sẽ không được phát sóng. Việc các phóng sự do nguyên đơn sản xuất và tự dẫn tại hiện trường được phát sóng tức là đã “hợp quy cách, đạt yêu cầu chất lượng”. Và cũng không có 1 phóng sự nào bị khán giả thắc mắc khiếu nại vì bất cứ lỗi nào.  Đây là bằng chứng hùng hồn về việc nguyên đơn đã đạt yêu cầu về thử việc.
Do đã đạt yêu cầu 3 bước nên việc Ban Thời sự từ chối ký hợp đồng lao động tiếp theo với nguyên đơn là không thể chấp nhận được.

(iii)Tại Văn bản số 134/TS ngày 23/10/2015 còn nại ra lý do sở dĩ Trưởng ban Thời sự ban hành Thông báo số 29 ngày 10/8/2015 từ chối ký hợp đồng lao động tiếp theo với nguyên đơn là căn cứ vào các tài liệu sau (cũng là căn cứ để cho rằng nguyên đơn không đạt bước 3) gồm: 

-Biên bản họp ngày 7/8/2015 của Hội đồng xét tuyển lao động đào tạo nghề, Thử việc và Hợp đồng lao động theo công việc năm 2015 của Ban thời sự  (thành lập theo Quyết định số 03a ngày 15/1/2015 của Trưởng ban thời sự).
- Thông báo số 29/TB-TS ngày 10/9/2015 về chấm dứt thời thử việc và không ký hợp đồng lao động tiếp theo
- Biên bản họp của Phòng Xã hội ngày 4/8/2015.
Căn cứ phản bác của tôi là: các tài liệu này là không có giá trị pháp lý vì không đúng quy định của Quyết định 1541 ngày 30/9/2013 của Tổng giám đốc Đài truyền hình VN cụ thể như sau:
-Đối với Biên bản họp ngày 7/8/2015 của Hội đồng xét tuyển lao động đào tạo nghề, Thử việc: Biên bản này không có giá trị vì theo khoản 3 điều 6 Quyết định 1541 thì việc đánh giá kết quả thử việc phải bằng Hội đồng do Trưởng ban thành lập sau khi kết thúc thời gian thử việc (thời điểm 30/6/2015).Do đó Hội đồng thành lập theo Quyết định 03a ngày 15/1/2015 là không có giá trị vì ngày 30/6/2015 mới hết thời gian thử việc.
- Đối với Thông báo số 29 ngày 10/8/2015 vì dựa vào Biên bản họp ngày 7/8/2015 của Hội đồng thành lập không đúng quy định nên không có giá trị, mặt khác thời điểm thông báo là 10/8/2015 sau 43 ngày kể từ khi hết thời hạn thử việc . Tính trái pháp luật của Thông báo còn thể hiện ở việc không kết luận công việc làm thử của nguyên đơn (nêu tại điều 1 Hợp đồng thử việc) là không đạt yêu cầu mà chỉ nêu lý do: “không đủ tiêu chuẩn để trở thành biên tập viên dẫn theo yêu cầu của Ban Thời sự” không phù hợp với khoản 2 điều 6 Quyết định 1541. Thời điểm Ban thời sự ra Thông báo số 29 về việc chấm dứt hợp đồng thử việc vào ngày 10/8/2015 là không đúng vì thời hạn của Hợp đồng thử việc đã kết thúc vào ngày 30/6/2015, cụm từ ‘chấm dứt hợp đồng thử việc” chỉ có thể sử dụng khi thông báo này được phát hành trong thời hạn thử việc (tức là trước ngày 30/6/2015).
- Đối với Biên bản họp phòng Xã hội ngày 4/8/2015 cũng không có giá trị vì theo quy định tại khoản 3 điều 6 Quyết định 1541 thì chỉ có Hội đồng đánh giá kết quả thử việc thành lập sau khi kết thúc thời gian thử việc mới có quyền nhận xét. Mặt khác trong biên bản cũng không hề có ý kiến nào có cụm từ “ không đạt yêu cầu thử việc” như luật quy định.

(iv)Trong quá trình giải quyết vụ án Bị đơn đã xuất trình Quyết định số 107/QĐ-TS ngày 30/6/2015 của Trưởng ban Thời sự về việc gia hạn thời gian thử việc thêm 30 ngày (tức là 90 ngày chứ không phải 60 ngày). Lý do gia hạn thời hạn thử việc vì Ban thời sự cho rằng chức danh “ biên tập biên dẫn” bao gồm 2 công việc: biên tập viên và dẫn chương trình nên thời gian thử việc phải gấp đôi nhằm tạo điều kiện cho người lao động có điều kiện để thể hiện hết mình!. 
Trước hết đối chiếu vào quy định của pháp luật để khẳng định việc Trưởng ban Thời sự ban hành Quyết định số 107 về gia hạn thời gian thử việc là trái luật.

Việc tự ý gia hạn thêm 30 ngày bằng Quyết định số 107 ngày 30/6/2015 của Ban thời sự đã vi phạm quy định về thử việc quy định tại điều 6 Nghị định số 95 như sau:
“Điều 6. Vi phạm quy định về thử việc

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động yêu cầu thử việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần;
b) Thử việc quá thời gian quy định”;
Tuy nhiên bị đơn đã không lý giải được việc sau khi kết thúc 30 ngày (31/7/2015) vẫn không thông báo về kết quả làm thử và vẫn để người lao động tiếp tục làm việc đến ngày 10/8/2015 mới ban hành Thông báo chấm dứt thời gian thử việc (mặc dù đã chấm dứt từ 30/6/2015) và từ chối không ký hợp đồng lao động tiếp theo với lý do hết sức tùy tiện, trái luật định là “xét không đủ tiêu chuẩn để trở thành biên tập viên dẫn theo yêu cầu của Ban thời sự”.
Tiếp theo tôi chứng minh lý do nại ra việc gia hạn thêm 30 ngày thử việc cho công việc “biên tập viên” cũng không có căn cứ vì nguyên đơn đã đạt yêu cầu cả công việc dẫn chương trình và công việc biên tập. Chứng minh bằng chính các tài liệu do các đương sự cung cấp cho tòa cụ thể như sau:
+ Đối với công việc Dẫn chương trình.
Trong quá trình 9 tháng làm việc tại Ban thời sự nguyên đơn đã dẫn các chương trình của Ban thời sự như: Chương trình “Chào buổi sáng” phát vào 6 giờ hàng ngày, chương trình “Cuộc sống thường ngày” phát vào 18 giờ hàng ngày và tất cả các bản tin của Ban thời sự như: Bản tin 9 giờ, bản tin 12 giờ, bản tin 14 giờ, bản tin 16 giờ, bản tin thời sự 19 giờ, bản tin 23 giờ. 
Sản phẩm mà nguyên đơn dẫn trong các chương trình và bản tin nói trên chính là các phóng sự do chị sản xuất và được Ban thời sự trả lương cho các phóng sự được phát sóng, trong đó chủ yếu là đề tài do chị tự đề xuất và 1 số đề tài  do được phân công. Trong đó có các phóng sự dẫn live u (truyền hình trực tiếp) như: Đưa công nhân về quê ăn Tết, Không khí ngày Valentin, An toàn thực phẩm ngày Tết, Cháy ở Hoàng Mai 5 người chết-là các phóng sự đã rất kịp thời đi thực tế để có sản phẩm phát sóng ngay trong ngày phù hợp với tính chất công việc của Ban thời sự.

Trong các phóng sự mà nguyên đơn dẫn chương trình có phóng sự Hiến sữa nhân đạo được Lãnh đạo Ban khen là “dẫn lưu loát” tại hiện trường.
Việc nguyên đơn dẫn chương trình thể hiện sự tự tin, lưu loát là do đã có thâm niên về công việc này tại Ban Thời sự 2 năm bởi vì trước khi thi tuyển vào Ban thời sự nguyên đơn đã làm công việc MC dẫn chương trình thời tiết của Ban thời sự từ 1/11/2012 đến 31/12/2013. Thời gian này chị cũng đã làm công việc biên tập các bản tin thời tiết và tự mình dẫn  trực tiếp các bản tin thời tiết của Đài truyền hình. Thể hiện bằng các bảng lương mà Ban thời sự trả cho chị hàng tháng. 
+ Đối với công việc Biên tập
Nguyên đơn đã biên tập các phóng sự để dẫn trong các bản tin của Ban thời sự gồm (bản tin 9 giờ, bản tin 12 giờ, bản tin 14 giờ, bản tin 16 giờ, bản tin thời sự 19 giờ, bản tin 23 giờ) và các chuyên mục của Ban thời sự gồm: Chuyên mục “Lao động công đoàn”, Chuyên mục “Vì Việt Nam xanh”, Chuyên mục “Khuyến công”. 
Cụ thể:
A-Bản tin  (thời lượng từ 1,5 phút đến 2 phút)
+ Bản tin Chào buổi sáng: Tập thể dục trong hầm đường bộ
+ Bản tin chương trình Bông lúa: Gà mía ở Đường Lâm, Chống rét cho trâu bò.
+ Bản tin thời sự 19 giờ: Trời rét người già nhập viện do đột quỵ, Cháy ở Hoàng Mai 5 người chết, Đưa công nhân về quê ăn Tết.
+ Bản tin 23 giờ (chủ yếu): Olimpic Toán học
+ Bản tin 12 giờ trưa: Không khí ngày Valentin, Du lịch trực thăng, Chống rét cho trâu bò.
- Bản tin 9 giờ có các phóng sự:
B-Chuyên mục (thời lượng từ 15 phút, 45 phút, 60 phút)
+  Chuyên mục “Lao động công đoàn”: An toàn lao động cháy nổ trong lao động.
+ Chuyên mục “ Vì Việt nam xanh”: Chế tạo xe 4 bánh bằng năng lượng mặt trời.
+ Chuyên mục ‘Khuyến công”:
Trong thời gian thử việc (60 ngày) nguyên đơn đã thực hiện 4 công việc đột xuất được phân công, trong đó 3 của phụ trách phòng và 1 của Lãnh đạo ban.
+ Công việc đột xuất của phụ trách phòng phân công gồm: Cháy rừng ở Sóc Sơn, Cháy khu công nghiệp Quế Võ-Bắc Ninh, Vỡ đường ống nước Sông Đà, Cháy ở quận Hoàng Mai 5 người chết.
+ Công việc đột xuất của Lãnh đạo Ban phân công gồm: An toàn thực phẩm cuối năm.
Ngoài ra Ban thời sự còn vi phạm quy định của luật về việc thông báo kết quả thử việc sau khi kết thúc thời gian thử việc. 
Chứng minh như sau:
Tại Điều 5 Hợp đồng thử việc ngày 1/5/2015 ký giữa Ban thời sự với nguyên đơn quy định :”những vấn đề về lao động không ghi trong hợp đồng lao động này thì áp dụng quy định của thỏa ước tập thể, trường hợp chưa có thỏa ước tập thể thì áp dụng quy định của  pháp luật về lao động”.

Tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 05/2015/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/1/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật lao động quy định: “Khi kết thúc thời gian thử việc đối với người lao động làm công việc có thời gian thử việc quy định tại Khoản 3 Điều 27 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động kết quả công việc người lao động đã làm thử; trường hợp công việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết ngay hợp đồng lao động với người lao động”. Tại điều 6 của Quyết định số 1541 không quy định về thời hạn ra thông báo về kết quả làm thử nên phải tuân theo quy định này.
Nhưng Ban thời sự đã không thực hiện quy định này cụ thể: Sau khi kết thúc thời gian thử việc là ngày 30/6/2015 Ban thời sự không gửi thông báo cho nguyên đơn là “công việc không đạt yêu cầu” . Thậm chí khi kết thúc 30 ngày gia hạn thử việc vào ngày 31/7/2015 cũng không có thông báo gì cho nguyên đơn, ngày 10/8/2015 vẫn cấp giấy đi đường để nguyên đơn đi công tác Nam định làm phóng sự (tức là vẫn tiếp tục giao việc và trả lương), nên áp dụng nguyên tắc suy đoán có lợi cho người lao động phải được hiểu là công việc làm thử đạt yêu cầu.

Do trong hợp đồng thử việc không quy định cụ thể nếu hết thời hạn thử việc mà Ban thời sự không thông báo về kết quả công việc làm thử thì thế nào nên căn cứ khoản 2 điều 29 BLLĐ và khoản 2 điều 5 Nghị định 05 để suy ra Ban thời sự phải giao kết ngay hợp đồng lao động vào ngày 1/7/2015 với công việc biên tập viên dẫn như thỏa thuận vì công việc làm thử đã đạt yêu cầu. Do đó có căn cứ để xác định từ 1/7/2015 nguyên đơn làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn 12 tháng như quy định tại khoản 2 điều 6 Quyết định số 1541. Còn việc Ban thời sự không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động là vi phạm khoản 1 điều 16 Bộ luật lao động quy định: “ Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản” . Căn cứ Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm và đưa người lao động đi làm việc nước ngoài thì Ban thời sự đã vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề quy định tại khoản 2 điều 10 và các quy định về giao kết hợp đồng lao động quy định tại điều 5 ((không riêng gì nguyên đơn tất cả 11 người trúng tuyển cùng đợt cũng đều không được ký hợp đồng lao động bằng văn bản sau khi kết thúc thời gian thử việc). Trích luật cụ thể như sau:
 +“Điều 10. Vi phạm quy định về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề
2. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không đào tạo nghề cho người lao động trước khi chuyển người lao động sang làm nghề, công việc khác; không ký kết hợp đồng đào tạo nghề đối với người học nghề, tập nghề; không trả lương cho người học nghề trong thời gian họ học nghề, tập nghề mà trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách; không tiến hành ký kết hợp đồng lao động đối với người học nghề, người tập nghề khi hết thời hạn học nghề, tập nghề, theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động”.

+“Điều 5. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động:
“1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Điều 22 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động” 
Thứ hai: Căn cứ để xác định Ban thời sự đã có hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là:
Theo quan điểm của Ban thời sự thì chưa ký hợp đồng lao động nên không có hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Lập luận này không phù hợp với các tình tiết khách quan như đã chứng minh ở trên.
Theo quy định tại điều 6.3 Quyết định 1541 thời gian từ 1/7/2015 phải xác định nguyên đơn làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn 12 tháng với công việc biên tập viên dẫn. Chứng minh như sau:
 Kết thúc hợp đồng thử việc vào ngày 30/6/2015 nhưng Ban thời sự không thông báo gì mà vẫn để người lao động tiếp tục làm việc, tiếp tục trả lương cho chị Liên trong thời gian 1 tháng 10 ngày mới ban hành thông báo chấm dứt thời gian thử việc và từ chối ký hợp đồng lao động tiếp theo (Thông báo số 29 vào ngày 10/8/2015) nên thời gian từ 1/7/2015 đến 10/8/2015 được coi là người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn 12 tháng theo quy định tại điều 6.3 Quyết định số 1541 của Tổng giám đốc Đài truyền hình VN. 

Việc Ban thời sự không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người lao động là vi phạm khoản 3 điều 6 Quyết định số 1541, khoản 1 điều 18 và khoản 1 điều 29.
Theo quy định tại điều 10.1 Quyết định số 1541 quy định hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định của điều 36 Bộ luật lao động. Mặt khác lý do nêu trong thông báo không thuộc các trường hợp người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại điều 38 Bộ luật lao động. Mặc dù ban hành Thông báo từ chối ký hợp đồng lao động tiếp theo với nguyên đơn nhưng ngày 10/8/2015 Ban thời sự vẫn cấp giấy đi đường cho nguyên đơn đi công tác ở Nam Định. Tuy biết Ban thời sự thông báo phải nghỉ việc ngay và phải bàn giao lại giấy tờ thẻ ra vào cơ quan vào ngày 12/8/2015 nhưng nguyên đơn vẫn cố gắng hoàn thành phóng sự để phát sóng rồi mới nghỉ việc vào ngày 17/8/2015. Điều này thể hiện thái độ làm việc nghiêm túc của nguyên đơn (bởi nguyên đơn hoàn toàn có quyền bàn giao công việc làm dở cho cơ quan để nghỉ việc). 

Thứ ba: Căn cứ xác định việc Ban thời sự đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là trái pháp luật. 
Cụ thể là việc Trưởng ban Thời sự ban hành Thông báo số 29 ngày 10/8/2015 trong khi nguyên đơn mới làm việc được 1 tháng 10 ngày là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật vì:
-Điều 41 Bộ luật lao động người sử dụng lao động chỉ được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo các trường hợp được liệt kê tại điều 38 và điều 39 Bộ luật lao động, nếu không thuộc các trường hợp nêu trong 2 điều luật đó thì là trái pháp luật. Trích luật như sau:

“Điều 38. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 06 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;
c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;
d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:
a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này và đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Điều 39. Trường hợp người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
1. Người lao động ốm đau hoặc bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang điều trị, điều dưỡng theo quyết định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 38 của Bộ luật này.
2. Người lao động đang nghỉ hằng năm, nghỉ việc riêng và những trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.
3. Lao động nữ quy định tại khoản 3 Điều 155 của Bộ luật này.
4. Người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội”.
Do lý do nêu trong Thông báo số 29 ngày 10/8/2015 của Trưởng ban Thời sự “không đủ tiêu chuẩn để trở thành biên tập viên dẫn theo yêu cầu của Ban Thời sự” không thuộc các trường hợp như nêu trên nên là trái pháp luật.
Căn cứ khoản 3 điều 155 Bộ luật lao động quy định người sử dụng không có quyền chấm dứt hợp đồng lao động về lý do thai sản. Nên hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với nguyên đơn khi đang mang thai gần đến ngày sinh của Ban Thời sự là vi phạm quy định về lao động nữ thuộc đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 điều 18 Nghị định 95 cụ thể như sau:
“Điều 18. Vi phạm quy định về lao động nữ
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
e) Sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động”.

 Yêu cầu cụ thể của nguyên đơn:

Do Ban thời sự đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật nên phải thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động theo quy định tại điều 42 Bộ luật lao động. Điều này quy định như sau:
“ Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.
3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
4. Trường hợp không còn vị trí, công việc đã giao kết trong hợp đồng lao động mà người lao động vẫn muốn làm việc thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này, hai bên thương lượng để sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động.
5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước”.
Theo Đơn đề nghị ngày 5/5/2016 trong đó nêu các yêu cầu cụ thể như sau:
1.Buộc Ban thời sự phải ký hợp đồng lao động xác định thời hạn 12 tháng kể từ ngày 1/7/2015 cho chị. 
2.Bồi thường theo quy định tại điều 42 Bộ luật lao động, làm sổ bảo hiểm xã hội và thẻ bảo hiểm y tế cho nguyên đơn và các chế độ khác theo quy định của Đài truyền hình VN tại điều 8 khoản 1 điểm b, điều 8 khoản 3 Quyết định 1541.

Hà nội, ngày 13 tháng 5 năm 2016.
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn
Phan Thị Hương Thủy

lawvietnam