Ngày cập nhật: 07/06/2016
Quan điểm bảo vệ bà Nguyễn Thị An khởi kiện Chủ tịch UBND xã Việt Hùng về việc ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do- Hạnh phúc
---------------*-----------------
QUAN ĐIỂM BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CHO BÀ NGUYỄN THỊ AN TRONG VỤ ÁN HÀNH CHÍNH KIỆN QUYẾT ĐỊNH CƯỠNG CHẾ PHÁ DỠ CÔNG TRÌNH VI PHẠM TRẬT TỰ XÂY DỰNG ĐÔ THỊ CỦA CHỦ TỊCH UBND XÃ VIỆT HÙNG
Kính thưa Hội đồng xét xử!
Tôi là luật sư Phan Thị Hương Thủy –thuộc Công ty luật TNHH Hoàng Long (Đoàn luật sư TP. Hà nội) xin trình bày quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Nguyễn Thị An-người khởi kiện quyết định hành chính của Chủ tịch UBND xã Việt Hùng cụ thể như sau:
I- Về hình thức
Đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị An đối với Chủ tịch UBNX xã Việt Hùng yêu cầu hủy Quyết định số 01 ngày 6/1/2016 về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng thuộc đối tượng khởi kiện vụ án hành chính quy định tại khoản điều 28 Luật tố tụng hành chính và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Đông Anh theo khoản 1 điều 29 Luật tố tụng hành chính.
Căn cứ ngày nhận quyết định hành chính (15/1/2016) và ngày khởi kiện (18/1/2016) nên xác định đơn khởi kiện được nộp cho tòa án trong thời hạn luật định quy định tại điểm a khoản 2 điều 104 Luật tố tụng hành chính.
Việc xác định người khởi kiện là Chủ tịch UBND xã Việt Hùng-là người có thẩm quyền ban hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính là đúng quy định tại điểm d khoản 1 điều 38 Luật xử lý vi phạm hành chính .
Đối với yêu cầu khởi kiện bổ sung đối với UBND xã Việt Hùng về bồi thường thiệt hại gây ra bởi quyết định hành chính của Chủ tịch xã là phù hợp với điều 6 Luật tố tụng hành chính. Việc Tòa án xác định UBND xã Việt Hùng là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án hành chính này là phù hợp với khoản 1 điều 14 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định: “ Cơ quan hành chính trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại là cơ quan có trách nhiệm bồi thường”.
II- Về nội dung:
Người khởi kiện có 2 yêu cầu trong vụ án hành chính này: Yêu cầu hủy quyết định cưỡng chế phá dỡ và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Xét yêu cầu của người khởi kiện:
2.1. Đối với yêu cầu hủy Quyết định số 01 /QĐ-UBND ngày 6/1/2016 của Chủ tịch UBND xã Việt Hùng.
Đối chiếu vào quy định của pháp luật và hồ sơ vụ án thì có căn cứ để chấp nhận yêu cầu của bà An.
Căn cứ cho yêu cầu này: vì quyết định này không hợp pháp thể hiện ở trình tự, thủ tục ban hành quyết định trái quy định pháp luật và hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.
Tại phần thủ tục trước khi đi vào xét xử, tôi đã thay mặt người khởi kiện cung cấp thêm chứng cứ mới đó là: Văn bản số 2818/VPCP-V.I ngày 26/4/2016 của Văn phòng Chính phủ gửi UBND thành phố Hà nội yêu cầu kiểm tra đơn thư khiếu nại của 20 công dân trong đó có vợ chồng bà Nguyễn Thị An ông Bùi Văn Cử khiếu nại UBND xã Việt Hùng tiến hành cưỡng chế dỡ nhà, thu hồi đất đang sử dụng của vợ chồng họ không có quyết định thu hồi đất của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không tiến hành đền bù và Văn bản số 26/CV-UBND ngày 28/4/2016 của Chủ tịch UBND xã Việt Hùng gửi ông Bùi Văn Cử, bà Nguyễn Thị An về kết quả giải quyết đơn kiến nghị theo chỉ đạo của UBND huyện Đông Anh số 300/UBND-TTr ngày 19/4/2016 giao nhiệm vụ xem xét đơn của vợ chồng bà An.
Đây là tài liệu quan trọng để luật sư đối chiếu vào các quy định pháp luật đi đến kết luân tính trái pháp luật của quyết định hành chính bị khởi kiện.
+Tóm tắt nội dung quyết định hành chính bị khởi kiện:
Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 6/1/2016 của UBND xã Việt Hùng về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng do ông Nguyễn Hữu Sáng-Chủ tịch UBND xã Việt Hùng ký có nội dung như sau:
“Điều 1: Cưỡng chế phá dỡ đối với: Công trình vi phạm trật tự xây dựng tại xứ đồng Ma Vũ-Thôn Trung-xã Việt Hùng-Đông Anh-Hà nội. Do bà Nguyễn Thị An làm chủ đầu tư xây dựng công trình.
Địa chỉ thường trú: Thôn Trung, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà nội
Lý do: Bà Nguyễn Thị An đã xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng vào khoảng năm 2006, tại xứ đồng Ma Vũ, thôn Trung, xã Việt Hùng. Hành vi trên đã được lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu phá dỡ công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng vi phạm số 09/BB-VPHC lập ngày 24/12/2015, thời gian tự tháo dỡ đã hết nhưng bà Nguyễn Thị An không chấp hành.
Hành vi trên vi phạm vào điểm a khoản 7 điều 13 Nghị định số 121/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
+ Căn cứ nội dung nêu trên xác định các vấn đề (là các căn cứ để đối chiếu vào luật xác định tính hợp pháp của quyết định hành chính).
+Hành vi vi phạm hành chính là:
-Xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng vào khoảng năm 2006, tại xứ đồng Ma Vũ, thôn Trung, xã Việt Hùng.
- Đã được lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu phá dỡ công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng vi phạm số 09/BB-VPHC lập ngày 24/12/2015.
- Thời gian tự tháo dỡ đã hết nhưng bà Nguyễn Thị An không chấp hành.
+Điều luật để làm căn cứ ban hành quyết định là:
-Luật xử lý vi phạm hành chính ngày 20/6/2012
- Luật xây dựng ngày 18/6/2014
-Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 7/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và thi hành một số điều của Luật xây dựng về xử phạt vi phạm trật tự xây dựng đô thị .
-Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.
-Cụ thể áp dụng điểm a khoản 7 điều 13 Nghị định số 121/NĐ-CP ngày 10/10/2013.
- Do hành vi xây dựng từ năm 2006 là trước thời điểm có hiệu lực của Luật xử lý vi phạm hành chính nên theo Nghị quyết số 24 của quốc hội hướng dẫn thi hành tại điều 3 quy định đối với các hành vi vi phạm trước ngày 1/7/2013 thì áp dụng Luật nếu có lợi hơn cho tổ chức cá nhân vi phạm. Như vậy có thể áp dụng cả Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Luật xử lý vi phạm hành chính để xem xét tính hợp pháp của quyết định hành chính bị khởi kiện.
+ Sau đây là các căn cứ để chứng minh tính trái pháp luật của quyết định hành chính bị khởi kiện.
Cụ thể là các tiêu chí để xác định tính không hợp pháp về trình tự, thủ tục, thời hạn ban hành quyết định hành chính và nội dung trái quy định của pháp luật.
-Không hợp pháp về thời hiệu : Vấn đề này đại diện người bị kiện đã thừa nhận tại phiên tòa.
Đối chiếu vào khoản 2 Điều 4 quy định “về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, quản lý phát triển nhà và công sở là 02 năm”.
Khoản 3 điều này quy định về thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
“a) Khi người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phát hiện có vi phạm hành chính mà vi phạm hành chính này đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm. Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày dự án được bàn giao, đưa vào sử dụng;
Việc UBND huyện Đông Anh thu hồi đất để làm đường liên xã và gia đình bà An bị mất căn nhà và vì thế đã được lãnh đạo thôn cho phép xây dựng nhà lùi vào bên trong thì tất cả chính quyền từ thôn đến xã đều biết từ năm 2006. Do đó đến thời điểm năm 2015 (9 năm sau) mới ra quyết định cưỡng chế phá dỡ là hết thời hiệu xử phạt. Chính tại Quyết định cưỡng chế cũng thể hiện thời điểm xây dựng của bà An là “khoảng năm 2006”.
-Trình tự, thủ tục ban hành quyết định không hợp pháp.
Quyết định số 01 căn cứ vào Nghị định 180/NĐ-CP ngày 7/12/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xây dựng về xử lý vi phạm trật tự đô thị, tại điều 4 của Nghị định này quy định về các biện pháp xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị như sau:
“Hành vi vi phạm trật tự xây dựng đô thị phải bị xử lý theo một hoặc các hình thức sau đây:
1. Ngừng thi công xây dựng công trình.
2. Đình chỉ thi công xây dựng công trình, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp điện, nước: thông báo cho cơ quan có thẩm quyền không cung cấp các dịch vụ điện nước, các hoạt động kinh doanh và các dịch vụ khác đối với công trình xây dựng vi phạm.
3. Cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm.
4. Buộc bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra”.
Giả sử có việc bà An đang thi công xây dựng nhà tại diện tích đất của gia đình mà xã dự định thu hồi để đấu thầu bán giá cao, thì việc xử lý hành chính trong lĩnh vực xây dựng phải được thanh tra viên của xã lập biên bản vi phạm hành chính khi chủ công trình đang thực hiện thi công với yêu cầu phải ngừng thi công. Nếu chủ công trình không ngừng thi công thì Chủ tịch xã căn cứ vào Biên bản này để ra Quyết định đình chỉ thi công. Nếu chủ công trình vẫn tiếp tục thi công không chấp hành quyết định đình chỉ thi công thì lúc đó Chủ tịch xã mới ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với hình thức cảnh cáo hoặc phạt tiền đồng thời ban hành Quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Nhưng Chủ tịch xã Việt Hùng không ban hành Quyết định số 01 ngày 6/1/2016 theo đúng quy định của pháp luật cụ thể như sau:
-Quyết định số 01 ngày 6/1/2016 của UBND xã Việt Hùng căn cứ vào Biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu phá dỡ công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng vi phạm số 09/BB-VPHC do Thanh tra xây dựng xã Việt Hùng lập ngày 24/12/2015.
Căn cứ đơn kiện bà An trình bày:” Không có sự việc Thanh tra xây dựng xã đến nhà chúng tôi (tại vị trí khu Đồng Ma Vũ) để lập biên bản vi phạm hành chính bởi vì thời điểm đó chúng tôi không hề xây dựng thi công gì trên đất. Căn nhà nơi hai vợ chồng già ở và có bàn thờ liệt sỹ Bùi Văn Cường đã được xây từ năm 2006 khi huyện lấy đất trên có căn nhà cấp 4 mà vợ chồng chúng tôi ở từ khi được HTX nông nghiệp Dục Nội giao đất làm kinh tế gia đình (lấy vào 8 thước chiều sâu và 20 thước chiều dài) để làm đường liên xã nên lúc đó được sự đồng ý của ông Nguyễn Cao Môn –là Bí thư thôn Trung và ông Vũ Quốc Tuấn-là Trưởng thôn Trung cho phép chuyển nhà từ rìa đường vào phần đất phía trong (là căn nhà hiện nay vợ chồng chúng tôi đang ở và cũng là nơi thờ cúng liệt sỹ duy nhất). Biên bản vi phạm hành chính này (đề ngày 24/12/2015) chúng tôi không biết xã lập từ lúc nào, ở đâu vì chúng tôi không ký và cũng không có”.
- Về tiêu đề của Biên bản cũng không hợp pháp: Việc thanh tra xã lập Biên bản này cũng là trái luật vì theo điều 22 Nghị định 180 quy định trách nhiệm của thanh tra viên phải phát hiện và lập “biên bản ngừng thi công xây dựng” kịp thời để làm căn cứ xử lý hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng. Do gia đình bà An không có hành vi thi công xây dựng nên thanh tra xây dựng không thể lập biên bản ngừng thi công xây dựng. Việc thanh tra xây dựng lập biên bản có tiêu đề : “Biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu phá dỡ công trình xây dựng, bộ phận xây dựng” là trái luật.
- Trong Quyết định số 01 ngày 6/1/2016 của UBND xã Việt Hùng ghi điều luật áp dụng làm căn cứ ban hành là điểm a khoản 17 điều 13 Nghị định 121 nhưng không thực hiện đúng điều luật này.
Cụ thể: Điều 13 Nghị định số 121 là điều luật về Vi phạm quy định về tổ chức thi công xây dựng. Tại khoản 7 điều này quy định “ Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng”.
Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ gửi kèm theo đơn khởi kiện đã chứng minh: căn nhà cấp 4 của vợ chồng bà An ông Cử đã tồn tại hợp pháp từ năm 2006. Vợ chồng bà An đã ăn ở ổn định, không có tranh chấp tại đây từ đó đến nay (9 năm), ngoài ra các công trình phụ trên đất thì đã có từ 1988, tất cả hàng xóm liền kề đều chứng thực xác nhận. Như vậy thửa đất mà gia đình bà An đang sử dụng đã có mục đích là đất ở từ năm 2006 cùng với mục đích sử dụng đất kinh tế nên việc xã cho là xây nhà trên đất không được phép xây dựng là không đúng.
Căn cứ công văn số 26 của UBND xã Việt Hùng thể hiện vấn đề: UBND xã Việt Hùng cũng biết rất rõ nguồn gốc và quá trình sử dụng nhà đất của gia đình bà An nhưng vẫn lấy lý do “dồn điển đổi thửa” để chuyển diện tích đất của hộ gia đình bà An thành đất công do tập thể quản lý là hành vi trái pháp luật. Tại đơn khởi kiện của bà An đã chỉ rõ sự thực của vấn đề đó là: “Do đó việc UBND xã Việt Hùng cố tình ban hành quyết định cưỡng chế phá dỡ nhà của chúng tôi là nhằm mục đích để vợ chồng chúng tôi không còn nhà ở phải buộc lánh đi nơi khác tạo điều kiện cho xã thu hồi đất của chúng tôi mà không cần phải theo đúng trình tự thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai. Chúng tôi vô cùng bức xúc vì thấy rằng xã thu hồi đất của chúng tôi để bán đấu thầu giá cao không bồi thường đất, không tạo điều kiện về chỗ ở cho người đang sử dụng đất hợp pháp nhất là mất nhà rồi thì lấy đâu chỗ để làm nơi thờ cúng liệt sỹ”. Căn cứ vào Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 20/4/2016 do Tòa án tiến hành cũng đã xác nhận: tại khu vực xứ Đồng cống Ma Vũ, xóm 3, khu Trung, thôn Dục Nội-nay là bãi đất trống, không có tài sản gì trên đất.
- Quyết định số 01 căn cứ vào Nghị định 121 nhưng lại không tuân theo trình tự thủ tục của điều 5 Nghị định về Hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả
“1. Các hình thức xử phạt chính:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền.
2. Hình thức xử phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 24 tháng.
3. Các biện pháp khắc phục hậu quả:
Đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường;
c) Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn;
d) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính;
đ) Buộc phá dỡ công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng vi phạm theo quy định tại Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ”
Do Chủ tịch xã Việt Hùng không ban hành quyết định xử phạt áp dụng hình phạt chính nên không có căn cứ để để áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (cụ thể là buộc phá dỡ công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng vi phạm quy định tại điểm đ khoản 3 điều này) nên quyết định này là trái pháp luật.
- Về lý do cưỡng chế cũng là trái luật. Trong quyết định số 01 nêu lý do cưỡng chế là vì bà An “ xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng”.
Tại quyết định số 01 nêu thời điểm xây dựng là “khoảng năm 2006”- theo đơn khởi kiện bà An trình bày do năm 2006 khi xã làm đường liên xã bị phạm vào căn nhà thì gia đình bà An đã lùi vào trong để xây căn nhà cấp 4 như hiện nay. Căn cứ vào Vi bằng lập ngày 18/2/2016 thể hiện hiện trạng đất và công trình xây dựng trên đất : trước nhà phần giáp đường liên xã vẫn còn 1 cái móng, căn nhà cấp 4 xây năm 2006 và bếp phía ngoài xây năm 1988, xung quanh là các luống rau xanh và cây cối lâm lộc trên đất.
Việc bà An xây căn nhà cấp 4 lùi vào bên trong do lấy đường cũng không thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng bởi theo điểm d khoản 1 điều 62 Luật xây dựng năm 2003 quy định: “Trước khi khởi công xây dựng công trình chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng trừ trường hợp xây dựng các công trình sau đây: Nhà ở riêng lẻ tại vùng sâu vùng xa không thuộc đô thị, không thuộc điểm dân cư tập trung,điểm dân cư nông thôn chưa có quy hoạch xây dựng được duyệt”. Tại khoản 2 điều này quy định: “ Đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn, các quy định về giấy phép xây dựng phải phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp huyện quy định cụ thể các điểm dân cư tập trung thuộc địa bàn phải cấp giấy phép xây dựng”.
Căn cứ điều 5 Nghị định 180 năm 2007 hướng dẫn thi hành Luật xây dựng năm 2003 quy định 4 loại công trình xây dựng bị coi là vi phạm trật tự xây dựng bao gồm: Công trình xây dựng theo quy định của pháp luật phải có Giấy phép xây dựng mà không có Giấy phép xây dựng (khoản 1); Công trình xây dựng sai nội dung Giấy phép xây dựng (khoản 2); Công trình xây dựng sai thiết kế (khoản 3) và Công trình xây dựng có tác động đến chất lượng công trình lân cận, ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng dân cư (khoản 4).
Như vậy việc quyết định số 01 xác định công trình xây dựng của hộ gia đình bà An tại xóm 3, khu Trung, thôn Dục Nội, xã Việt Hùng là “công trình xây dựng trên đất không được phép xây dựng” không bị coi là vi phạm trật tự xây dựng (vì không thuộc 4 trường hợp nêu tại điều 5 như trên) nên không thuộc đối tượng bị áp dụng biên pháp xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị theo quy định tại điều 4 Nghị định 180.
Căn cứ điều 66 Luật xây dựng năm 2003 quy định về thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của UBND cấp xã là “đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở những điểm dân cư nông thôn đã quy hoạch xây dựng được duyệt, những điểm dân cư theo quy định của UBND cấp huyện phải cấp giấy phép xây dựng thuộc địa giới hành chính do mình quản lý”. Do thời điểm năm 2006 tại khu vực đất của gia đình bà An chưa quy hoạch là điểm dân cư nên không thuộc trường hợp phải xin phép xây dựng.
Tại phiên tòa đại diện của người khởi kiện thừa nhận: biết là hết thời hiệu xử phạt nên mới không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà chỉ ra quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của điểm c khoản 1 điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính – quy định về những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính: “Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 6 hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt quy định tại khoản 3 Điều 63 hoặc khoản 1 Điều 66 của Luật này”.
Luật sư đã bác bỏ lập luận này là: vì hành vi xây dựng của bà An là vào năm 2006 nên được phép áp dụng Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính –được coi là quy định có lợi hơn Luật xử phạt vi phạm hành chính bởi theo Pháp lệnh thì phải có quyết định xử phạt hành chính thì mới có căn cứ áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
(Cụ thể: Điều 12 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2008 quy định về Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
“1. Đối với mỗi vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền.
3. Ngoài các hình thức xử phạt được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:
a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra hoặc buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép”)
Đây được coi là quy định “có lợi hơn” cho người vi phạm so với Luật xử lý vi phạm hành chính (hoặc có thể coi quy định trong Luật xử lý vi phạm hành chính về có thể áp dụng độc lập biện pháp khắc phục hậu quả mà không cần có quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp hết thời hiệu-là quy định không có lợi hơn cho người vi phạm) nên theo điều 3 Nghị quyết số 24 của Quốc hội hướng dẫn thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính để áp dụng Pháp lệnh xử phạt hành chính để xác định quyết định cưỡng chế số 01 của Chủ tịch UBND xã Việt Hùng là không hợp pháp về trình tự thủ tục.
Giả sử thuộc trường hợp áp dụng Luật xử lý vi phạm hành chính thì Quyết định số 01 cũng trái với quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể:
Cụ thể quyết định bị khởi kiện có tiêu đề: “Quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 6/1/2016 của UBND xã Việt Hùng về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng”.
Trong khi tại điều 33 Nghị định số 166 quy định phải là cụm từ “ Quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả” và có nội dung theo quy định tại điều này và điểm b khoản 1 điều 28 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định biện pháp cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị phải có cụm từ: “ buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép” (lưu ý cụm từ “tháo dỡ” và “phá dỡ”).
Ngoài ra việc tổ chức thực hiện quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả phải theo đúng quy định tại khoản 5 điều 34 Nghị định 166. Điều này quy định như sau:
“ Trường hợp cá nhân tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế về việc tháo dỡ di chuyển công trình xây dựng trái phép hoặc bàn giao đất mà trong công trình và trên đất đó có tài sản không thuộc diện phải cưỡng chế thì người tổ chức cưỡng ché có quyền buộc cá nhân tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế và những người khác có mặt trong công trình ra khỏi công trình hoặc khu vực đất, đồng thời yêu cầu họ tự cchuyeern tài sản ra theo. Nếu họ không tự nguyện thực hiện thì người tổ chức cưỡng chế yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa họ cùng tài sản ra khỏi công trình hoặc khu vực đất đó”.
Vào ngày 19/2/2016 lực lượng cưỡng chế đã phá tan ngôi nhà cấp 4 cùng công trình trên đất, đưa toàn bộ đồ đạc, quần áo, bàn thờ, bằng tổ quốc ghi công về xã trong khi theo quy định của luật thì các tài sản này phải di chuyển ra khỏi ngôi nhà để tại trên đất của bà An vì đất không thuộc đối tượng bị cưỡng chế, ngoài ra lực lượng cưỡng chế cũng phá tan hoa mầu cây cối trồng trên đất mặc dù không thuộc đối tượng cưỡng chế, sau đó cho xe ủi san bằng diện tích đất để phân lô bán đấu thầu.
Tóm lại: Căn cứ vào phân tích nêu trên đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà An hủy quyết định số 01 ngày 6/1/2016 của Chủ tịch UBDN xã Việt Hùng vì không hợp pháp.
2.3. Đối với yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại:
Ngày 2/3/2016 bà An có đơn sửa đổi bổ sung yêu cầu bồi thường thiệt hại với số tiền 119.200.000 đồng.
Căn cứ vào vi bằng lập ngày 18/2/2016 –là căn cứ xác định vợ chồng bà An có tài sản trên đất trước khi bị cưỡng chế (theo bảng liệt kê tài sản gắn liền với đất bị cưỡng chế kèm theo đơn sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện ngày 2/3/2016 .
Tòa án cũng đã tiến hành thành lập Hội đồng định giá theo yêu cầu của bà An và ông Cử theo Biên bản định giá ngày 20/4/2016.
Căn cứ vào biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 2/5/2016 do Tòa án nhân dân huyện Đông Anh tiến hành thể hiện: “Hiện trạng thửa đất đã được san lấp thành mặt bằng để phân lô, trên toàn bộ khu đất hiện không có các công trình xây dựng và cây lâm lộc trên đất. Thực tế quan sát chỉ là một mặt bằng đất đã san phẳng, không có công trình và cây lâm lộc trên đất”.
Căn cứ tài liệu chứng cứ của bà An về thu nhập thực tế bị mất (là tiền bán rau thơm các loại) đã nộp cho Tòa theo đơn ngày.
Căn cứ điều 6 Luật tố tụng hành chính tôi đề nghị như sau: nếu giải quyết được trong cùng vụ án thì chấp nhân theo kết quả định giá. Còn không thì tách ra thành 1 vụ án khác để bà An có điều kiện thu thập chứng cứ.
Tại phiên tòa đại diện người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan –UBND xã Việt Hùng trình bày ý kiến không chấp nhận bồi thường thiệt hại kể cả khi quyết định cưỡng chế của Chủ tịch xã không hợp pháp về thời hiệu vì các lý do: nhà cửa công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, không được phép xây dựng cho dù là các tài sản này đã tồn tại từ năm 2006. Còn đối với hoa mầu cây trồng trên đất không thuộc đối tượng cưỡng chế xã cũng không chấp nhận bồi thường vì xã đã thông báo cho bà An tự thu hoạch để trả lại đất cho xã nên bà An không thu hoạch thì đó là lỗi của bà An!
Sau đây là các căn cứ phản bác lập luận vô lý nêu trên của UBND xã Việt Hùng và yêu cầu UBND xã Việt Hùng phải bồi thường thiệt hại cho bà An theo quy định của pháp luật.
Thứ nhất: Chứng minh tài sản bị cưỡng chế được tạo lập hợp pháp trên đất có quyền sử dụng hợp pháp của vợ chồng bà Nguyễn Thị An.
Tuy đây không phải là vụ án hành chính đối với quyết định cưỡng chế thu hồi đất nên không cần thiết phải chứng minh tính hợp pháp của đất trên có công trình xây dựng bị cưỡng chế phá dỡ, nhưng luật sư vẫn nêu ra để phản bác các lập luận vô lý nêu trên của UBND xã Việt Hùng cho rằng đất nông nghiệp thì không được xây dựng nhà ở và trồng hoa mầu và không phải bồi thường kể cả khi quyết định cưỡng chế là trái luật.
+Nguồn gốc đất nơi có công trình bị cưỡng chế theo quyết định hành chính.
Căn cứ đơn khởi kiện và các trình bày của vợ chồng bà An về nguồn gốc đất và quá trình hình thành các tài sản trên đất như sau:
“Công trình xây dựng trên diện tích đất tại địa chỉ Cống Ma Vũ, xóm 3, khu Trung, thôn Dục Nội, xã Việt Hùng được Hợp tác xã nông nghiệp Dục Nội giao đất phần trăm từ năm 1987 khoảng 3 sào để làm kinh tế gia đình. Thời điểm năm 1987 hợp tác xã chia ruộng phần trăm cho các xã viên sử dụng là vĩnh viễn, đất của gia đình tôi là đất rau xanh không phải là đất chia theo Nghị định 64 vào năm 1994 (từ năm 2000).
Năm 2002 xã lấy ở phần phía trong khoảng 7 thước để làm đất giãn dân cấp cho các hộ, đến năm 2006 xã lại lấy đằng trước sâu 8 thước dài 20 thước để làm đường liên xã, nên diện tích đất còn lại khoảng 2 sào. Căn nhà cấp 4 hiện nay trên đất được xây vào năm 2006 khi xã lấy đất để làm đường liên xã trên đất có căn nhà cấp 4 mà gia đình tôi xây từ năm 1988, nên được sự đồng ý của ông Môn là Bí thư khu Trung và ông Tuấn -Trưởng thôn Dục Nội (nói mồm) cho phép gia đình tôi lùi vào phần đất tiếp giáp với phần đất bị thu hồi để làm nhà ở như hiện nay.
Vợ chồng tôi quản lý sử dụng đất này từ 1987 đến nay ổn định không có tranh chấp với ai. Trước kia chúng tôi đều thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai đầy đủ chỉ từ năm 2000 Nhà nước không thu thuế nông nghiệp nữa nhưng vợ chồng tôi vẫn đóng tiền dịch vụ cho Hợp tác xã đầy đủ theo quy định. Hiện nay vợ chồng tôi chỉ có chỗ ở duy nhất tại đây vì vợ chồng tôi đông con, có miếng đất ở trong xóm đã chia hết cho các con ở rồi, nếu xã thu hồi thì chúng tôi không có chỗ ở nào khác”.
Lời trình bày trên phù hợp với vi bằng lập ngày 18/2/2016 (một ngày trước khi cưỡng chế), sự xác nhận của các nhân chứng tại đơn ngày 10/1/2016 của bà An gồm:
-Ông Ngô Đăng Phu –thư ký đội sản xuất cùng với bà An ở HTX nông nghiệp Việt Hùng xác nhận vào ngày 1/11/2016 với nội dung: “ HTX có chia đất rau xanh cho bà An, vì là đất lò gạch khó sản xuất nên HTX cho bà An diện tích rộng để cải tạo mất rất nhiều công phu”.
- Ông Nguyễn Cao Đường –đội trưởng đội 7 HTX nông nghiệp Việt Hùng “xác nhận bà An-Cử có đất 5% ở xứ đồng Ma Vũ từ năm 1988 có làm lều chữa xe đạp và trồng cây”.
- Ông Nguyễn Công Đông, người cùng thôn, nguyên thư ký đội năm 1990 đến năm 1993 xác nhận “bà An có đất 5% ở xứ Đồng Ma Vũ trong những năm tôi làm thư ký”.
- Bà Nguyễn Hữu Thoa (hàng xóm) “cũng có ruộng rau xanh liền kề với bà An cũng được HTX cấp từ năm 1988 ở Cống Ma Vũ”.
- Bà Nguyễn Thị Lư, 67 tuổi xác nhận: “ Tôi cũng có ruộng phần trăm từ năm 1987 với bà Nguyễn Thị An, năm 1988 bà An có trồng cây cam quít và làm lều chữa xe đạp trên đất”.
Căn cứ vào tài liệu mà luật sư cung cấp ngay tại phiên tòa Công văn số 26/CV-UBND ngày 28/4/2016 gửi ông Bùi Văn Cử và bà Nguyễn Thị An do ông Nguyễn Hữu Sáng –Chủ tịch xã Việt Hùng ký với tiêu đề “ Về kết quả giải quyết đơn kiến nghị” đã xác nhận về nguồn gốc đất và quá trình sử dụng đất của gia đình bà Nguyễn Thị An trên có công trình xây dựng bị cưỡng chế phá dỡ theo Quyết định số 01 ngày 06/01/2016 như sau:
“I- Về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất:
Khu đất thuộc xứ đồng Ma Vũ thôn Trung theo đơn kiến nghị của hộ gia đình ông bà có nguồn gốc là đất nông nghiệp phần trăm (rau xanh 10%) được HTX nông nghiệp Việt Hùng giao cho hộ gia đình ông bà canh tác sản xuất từ năm 1987.
Đến năm 2000 khi thực hiện giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64/NĐ-CP của Chính phủ, khu đất Ma Vũ thôn Trung được thôn quy hoạch là quỹ đất công do tập thể quản lý không giao cho hộ gia đình nào canh tác sản xuất. Từ năm 2000 đến nay do tập thể quản lý chưa sử dụng đến khu đất trên nên một số hộ canh tác từ trước vẫn tiếp tục tự canh tác sử dụng trong đó có hộ gia đình ông bà.
Năm 2013 thực hiện công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp trên địa bàn xã hộ gia đình ông bà đã được giao đủ diện tích đất nông nghiệp theo phương án và canh tác sử dụng ổn định từ đó đến nay, diện tích đất nông nghiệp tại xứ đồng Ma Vũ thôn Trung vẫn thuộc quỹ đất công do tập thể quản lý”.
Như vậy UBND xã Việt Hùng đã thừa nhận đất trên có công trình xây dựng bị cưỡng chế nguồn gốc là đất rau xanh do Hợp tác xã giao cho xã viên cụ thể là hộ gia đình bà An sử dụng liên tục từ 1987 –đây là thời điểm nhà nước chưa ban hành Luật đất đai cho đến năm 2013-thời điểm Luật đất đai năm 2012 có hiệu lực. Tài liệu này cũng thể hiện chưa hề có quyết định thu hồi đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất (từ đất rau xanh làm kinh tế gia đình thành đất công ích).
Thứ hai:Việc UBND xã Việt Hùng tự ý chuyển đổi diện tích đất rau xanh này thành đất thuộc quỹ công ích do tập thể quản lý (đến năm 2016 sau khi cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng và hoa mầu cây cối của bà An đã san bằng phân lô bán đầu thầu giá cao) là trái với Luật đất đai của nhà nước qua các thời kỳ.
Cụ thể như sau:
+Giai đoạn 1: trước khi thời điểm ngày 29/12/1987- khi đạo Luật đất đai đầu tiên của nước ta được ban hành. Thời kỳ này các văn bản quy phạm pháp luật về ruộng đất bao gồm:
Thông tư số 449-TTg ngày 17/12/1959 của Phủ Thủ tướng về ban hành Điều lệ mẫu của Hợp tác xã nông nghiệp bậc thấp, Nghị quyết số 125/CP ngày 28/6/1971 của Hội đồng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý ruộng đất, Công văn số 125/RĐ ngày 10/8/1987 của Sở quản lý ruộng đất và đo đạc Hà nội hướng dẫn thi hành quyết định của UBND thành phố Hà Nội về giao đất làm kinh tế gia đình (cụ thể là Quyết định tạm thời giao đất làm kinh tế gia đình ngày 22/5/1987 của UBND thành phố Hà Nội) .
Tại điều 9 Điều lệ mẫu của HTX nông nghiệp bậc thấp ban hành kèm theo Thông tư số 449 ngày 17/12/1959 của Phủ thủ tướng quy định:
“Điều 9. – Ruộng đất của xã viên phải giao cho hợp tác xã thống nhất sử dụng, nhưng để chiếu cố nhu cầu sinh hoạt riêng của xã viên như để cho xã viên trồng rau, trồng hoa quả, trồng chàm, v.v… ngoài đất làm nền nhà, sân, chuồng trâu, chuồng lợn, đống rơm, cần để lại cho mỗi gia đình xã viên một ít đất, theo mức mỗi nhân khẩu không quá 5% diện tích bình quân của một nhân khẩu trong xã”.
Tại điều 3 Nghị quyết số 125 ngày 28/6/1971 của Hội đồng Chính phủ quy định: “ Ruộng đất sau đây được công nhận thuộc quyền quản lý và sử dụng của tư nhân:
-Ruộng đất được chia trong cải cách ruộng đất mà đến nay chủ ruộng chưa đưa vào hợp tác xã sản xuất nông nghiêp.
- Đất ở hợp tác xã sản xuất nông nghiêp cấp cho các hộ theo quy định của điều lệ hợp tác xã.
- Ruộng đất 5% hợp tác xã dành cho xã viên theo quy định của Nhà nước.
-Ruộng đất Nhà nước công nhận quyền sở hữu hợp pháp”.
Tại điều 1 Công văn số 125 ngày 10/8/1987 của Sở quản lý ruộng đất và đo đạc Hà Nội hướng dẫn điểm I của Quyết định là điều đề cập đến vấn đề: đối tượng được giao đất, loại đất giao làm kinh tế gia đình, mức giao và chính sách đối với đất 5% và đất vườn như sau:.
“a-Đối tượng được giao đất làm kinh tế gia đình là nhân khẩu trong gia đình xã viên nông nghiệp, bộ đội, cán bộ công nhân viên đã về hưu mất sức đang sống ở xã, HTX. Trong đó bao gồm cả nhân khẩu vắng mặt là liệt sỹ, thương binh ở trại, quân nhân từ trần, bộ đội, công an nhân dân đang còn tại ngũ…..
b-Tỷ lệ giành đất làm kinh tế gia đình và mức diện tích giao từng nhân khẩu là: Mỗi nhân khẩu được giao không quá 10% diện tích đất nông nghiệp bình quân cho nhân khẩu toàn xã. Đến thời điểm 1/6/1987 bao gồm cả đất 5% cũ và đất các gia đình hiện nay đang sản xuất.
-Đối với những hộ có đất 5% và đất vườn vượt quá mức khống chế tối đa so với mức bình quân 10% diện tích đất giao làm kinh tế gia đình không đạt vấn đề rút”.
c-Loại đất giao làm kinh tế gia đình bao gồm đất bỏ hoang hóa, thùng đào, thùng đấu, ao chum chưa sử dụng được…”.
Tại điều 2 của Công văn này hướng dẫn điểm II của Quyết định –là điều quy định mục đích sử dụng đất làm kinh tế gia đình là “đất để các gia đình tiến hành sản xuất gồm: trồng trọt, chăn nuôi đại, tiểu gia súc, gia cầm, nuôi thả cá”.
Đối chiếu vào quy định nêu trên thì xác định diện tích đất của hộ gia đình bà An là đất được HTX giao để làm kinh tế gia đình chứ không phải để trồng lúa (tuy cũng là đất nông nghiệp) vì là đất thùng hố, bạc màu không thể trồng lúa được. Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ do bà An cung cấp thể hiện rất nhiều hàng xóm và xã viên của HTX nông nghiệp Việt Hùng xác nhận gia đình bà An đã bỏ rất nhiều công sức để san lấp thùng hố, cải tạo đất chống bạc mầu để trồng trọt hoa màu cây cối phù hợp với mục đích sử dụng đất.
Tại điều 3 của Công văn số 125 đã hướng dẫn xử lý những vi phạm vào công tác quản lý sử dụng đất gắn với giao đất làm kinh tế gia đình quy định tại điểm II của Quyết định như sau:
“Đối với những hộ làm nhà trên đất 5% hoặc tự làm nhà và lấn ra trên đất sản xuất của HTX. Nếu xét chưa phải là nhu cầu bức thiết về đất làm nhà ở thì số đất đó tính trừ vào đất giao làm kinh tế đợt này”.
Với quy định nêu trên cho thấy việc gia đình bà An xây nhà cấp 4 trên đất phần trăm do HTX giao để làm kinh tế gia đình với mục đích để trông coi hoa mầu không phải là điều cấm của pháp luật.
Điều này đã được chứng minh bằng các tài liệu do người khởi kiện cung cấp đó là: năm 1987 được giao đất rau xanh năm 1988 vợ chồng bà An dựng 1 căn nhà cấp 4 và bếp để ở trên đất.
Đến năm 2006 khi xã làm đường liên xã bị phạm vào căn nhà thì gia đình bà An đã lùi vào trong để xây căn nhà cấp 4 như hiện nay. Căn cứ vào Vi bằng lập ngày 18/2/2016 thể hiện hiện trạng đất và công trình xây dựng trên đất : trước nhà phần giáp đường liên xã vẫn còn 1 cái móng, căn nhà cấp 4 xây năm 2006 và bếp phía ngoài xây năm 1988, xung quanh là các luống rau xanh và cây cối lâm lộc trên đất.
Công trình xây dựng trên đất gồm căn nhà cấp 4 xây năm 2006 và căn bếp xây năm 1988 để vợ chồng bà An ở tại đây. Do vậy trên diện tích này đất có 2 mục đích: nông nghiệp và đất để ở vì trên có nhà ở. Việc tồn tại nhà ở là chính quyền xã biết và đã để cho tồn tại vì gia đình bà An là gia đình chính sách.
Việc bà An xây căn nhà cấp 4 lùi vào bên trong do lấy đường cũng không thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng bởi theo điểm d khoản 1 điều 62 Luật xây dựng năm 2003 quy định: “Trước khi khởi công xây dựng công trình chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng trừ trường hợp xây dựng các công trình sau đây: Nhà ở riêng lẻ tại vùng sâu vùng xa không thuộc đô thị, không thuộc điểm dân cư tập trung,điểm dân cư nông thôn chưa có quy hoạch xây dựng được duyệt”. Tại khoản 2 điều này quy định: “ Đối với nhà ở riêng lẻ tại nông thôn, các quy định về giấy phép xây dựng phải phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp huyện quy định cụ thể các điểm dân cư tập trung thuộc địa bàn phải cấp giấy phép xây dựng”.
Căn cứ quy định nêu trên thì luật không có khái niệm “xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng” như nêu tại Quyết định số 01 mà chỉ có khái niệm “xây dựng không có giấy phép xây dựng” hoặc “sai phép xây dựng đã cấp”.
Tại điều 66 Luật xây dựng năm 2003 quy định về thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của UBND cấp xã là “đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở những điểm dân cư nông thôn đã quy hoạch xây dựng được duyệt, những điểm dân cư theo quy định của UBND cấp huyện phải cấp giấy phép xây dựng thuộc địa giới hành chính do mình quản lý”.
Căn cứ vào nội dung quyết định số 01 thì không nêu lý do cưỡng chế là do bà An xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng nên suy ra thời điểm xây dựng (năm 2006) khu vực đất này không cần phải giấy phép xây dựng.
Cũng căn cứ các quy định nêu trên thì luật không có khái niệm “xây dựng công trình trên đất không được phép xây dựng” như nêu tại Quyết định số 01 mà chỉ có khái niệm “xây dựng không có giấy phép xây dựng” hoặc “sai phép xây dựng đã cấp”.
Thời điểm tháng 1 năm 2016 nếu gia đình bà An phá dỡ nhà cũ để xây dựng lại thì phải xin phép nếu không thì giữ nguyên hiện trạng.
+Giai đoạn 2: Từ sau khi có Luật đất đai đầu tiên (năm 1987) đến Luật đất đai năm 1993 sửa đổi năm 1998 (thời điểm năm 2000 theo trình bày của người bị kiện –là lúc diện tích đất của gia đình bà An bị “thôn quy hoạch thành đất công”.
Tại phiên tòa người đại diện theo ủy quyền của Chủ tịch xã Việt Hùng chỉ khai là nguồn gốc đất của hộ gia đình bà An là đất rau xanh được HTX cấp năm 1987 nhưng không biết theo quy định pháp luật nào để phân biệt đất rau xanh với đất trồng lúa mặc dù cũng đều là nhóm đất nông nghiệp.
Việc HTX nông nghiệp Việt Hùng giao đất rau xanh cho hộ gia đình bà An làm kinh tế gia đình theo các quy định trước khi Luật đất đai được ban hành hoàn toàn phù hợp với Luật sau khi được ban hành vào ngày 29/11/1987 về thẩm quyền giao đất của HTX cho xã viên để làm kinh tế gia đình cụ thể:
Tại khoản 1 Điều 27 Luật đất đai năm 1987 về “Đất làm kinh tế gia đình” quy định đất do HTX giao cho xã viên làm kinh tế gia đình như sau:
“1- Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp được giao lại cho các hộ thành viên của mình một diện tích đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp trong số đất được Nhà nước giao sử dụng ổn định, lâu dài để các hộ này làm kinh tế gia đình.
Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính tương đương quy định mức đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp được giao cho mỗi hộ ở từng vùng trong địa phương mình, mỗi người không quá 10% đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp bình quân cho nhân khẩu của xã”.
Diện tích đất rau xanh của hộ gia đình bà An vẫn được tiếp tục sử dụng bởi theo điều 1 Luật đất đai năm 1987 quy định: “Người đang sử dụng đất đai hợp pháp được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật này” và có trách nhiệm: “bảo vệ, cải tạo, bồi bổ và sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm và phải nộp thuế sử dụng đất” theo quy định tại điều 4 của Luật.
Căn cứ Điều 3 quy định về những đảm bảo của Nhà nước cho người sử dụng đất gồm: “được hưởng những quyền lợi hợp pháp trên đất được giao, kể cả quyền chuyển, nhượng, bán thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất được giao khi không còn sử dụng đất và đất đó được giao cho người khác sử dụng theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định”.
bảo vệ, cải tạo, bồi bổ và sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm.
Người sử dụng đất phải nộp thuế sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
-Giai đoạn 3: từ khi có Luật đất đai năm 1993 (có hiệu lực từ ngày 15/10/1993) sau đó được sửa đổi bổ sung năm 1998, năm 2001 cho đến trước khi ban hành Luật đất đai năm 2003.
Theo ý kiến của UBND xã Việt Hùng thì hộ gia đình bà An sử dụng đất với mục đích làm kinh tế gia đình chỉ đến năm 2000 thì diện tích đất này bị thôn quy hoạch thành đất công ích do tập thể quản lý theo quy định của Nghị định 64/CP ngày của Chính phủ. Lập luận này bị bác bỏ vì trái luật đất đai cụ thể như sau:
Căn cứ Điều 26 Luật đất đai năm 1993 quy định về các trường hợp Nhà nước thu hồi toàn bộ hoặc một phần đất đã giao sử dụng như sau:
“1- Tổ chứcsử dụng đất bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm nhu cầu sử dụng đấtmà không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 30 của Luật này; cá nhân sử dụng đất đã chết mà không có người được quyền tiếp tục sử dụng đất đó;
2- Người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất được giao;
3- Đất khôngđược sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất đó cho phép;
4- Người sử dụng đất cố ý không thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước;
5- Đất sử dụng không đúng mục đích được giao;
6- Đất được giao không theo đúng thẩm quyền quy định tại Điều 23 và Điều 24 của Luật này”.
Như vậy căn cứ ý kiến của UBND xã Việt Hùng nêu tại Công văn số 26 ngày 28/4/2016 thì hộ gia đình bà An không thuộc các trường hợp nêu trên, có nghĩa là hộ gia đình bà được tiếp tục sử dụng diện tích đất tại xứ Đồng Cống Ma Vũ. Do gia đình bà An “không tự nguyện trả lại đất” và cũng không có vi phạm pháp luật về đất đai thì không thể tự nhiên chuyển đổi diện tích đất này thành đất công ích thuộc quyền quản lý của tập thể được.
Căn cứ điều 1 bản Quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 64-CP ngày 27-9-1993 của Chính phủ cho thấy: ngoài diện tích đất nông nghiệp giao cho các hộ gia đình, cá nhân thì xã cũng được giao đất để phục vụ cho các mục đích công ích của xã (gọi là đất công ích).
Cụ thể như sau: “ Hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước giao đất nông nghiệp để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp.
Toàn bộ đất nông nghiệp đang được sử dụng thì giao hết cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp, trừ đất giao cho các tổ chức, đất dùng cho nhu cầu công ích của xã theo Quy định này”.
Điều 2 quy định: “ Đất nông nghiệp giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp bao gồm đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản, các loại đất này gồm cả đất làm kinh tế gia đình trước đây hợp tác xã giao, đất vườn, đất xâm canh, đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hoá được xác định để sản xuất nông nghiệp”.
Điều 3 quy định:” Việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp theo những nguyên tắc sau đây:
1. Trên cơ sở hiện trạng, bảo đảm đoàn kết, ổn định nông thôn, thúc đẩy sản xuất phát triển; thực hiện chính sách bảo đảm cho người làm nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản có đất sản xuất;
2. Người được giao đất phải sử dụng đất đúng mục đích trong thời hạn được giao; phải bảo vệ, cải tạo, bồi bổ và sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý để tăng khả năng sinh lợi của đất; phải chấp hành đúng pháp luật đất đai;
3. Đất giao cho hộ gia đình, cá nhân theo Quy định này là giao chính thức và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài;
4. Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xét và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cơ sở đề nghị của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn”.
Như vậy với quy định nêu trên diện tích đất hộ gia đình bà An được HTX nông nghiệp Việt Hùng giao làm kinh tế gia đình từ năm 1987 sẽ được giao theo “nguyên trạng” để tiếp tục sử dụng trồng hoa mầu phục vụ nhu cầu sinh sống của gia đình. Diện tích này không liên quan đến đất công ích thuộc quản lý của xã và cả thôn và xã đều không có thẩm quyền chuyển đổi đất đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp (cụ thể là làm kinh tế gia đình) của người sử dụng đất thành đất công ích do tập thể quản lý được.
Đến năm 1998 khi Luật đất đai năm 1993 được sửa đổi bổ sung thì các hộ gia đình xã viên được HTX giao đất nông nghiệp không phải nộp tiền sử dụng đất nữa vì đã sửa đổi điều 22 như sau: "Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
1.Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp lao động nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồngthuỷ sản, làm muối mà nguồn sống chủ yếu là thu nhập có được từ các hoạt độngsản xuất đó, được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận, sử dụng đấtvào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối trong hạn mức đất được Nhà nước giao”.
-Giai đoạn 3: Thời điểm UBND xã Việt Hùng thông báo gia đình bà An thu hoạch hoa mầu để trả lại đất cho tập thể quản lý –cuối năm 2015 đều năm 2016 là thời điểm Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực.
Như vậy căn cứ vào nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của hộ gia đình bà An có thể xác định chế độ pháp lý của diện tích đất tại xứ Đồng Ma Vũ (nơi có công trình xây dựng bị cưỡng chế) là đất làm kinh tế gia đình quy định tại điều 132 Luật đất đai năm 2013 như sau:
Diện tích đất của hộ gia đình bà An tại xứ Đồng Ma Vũ là loại đất nông nghiệp nhưng không phải trồng lúa mà là trồng hoa màu làm kinh tế gia đình. Cụ thể:
Tại Điều 10 Luật đất đai năm 2013 về phân loại đất quy định như sau:
“Căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại như sau:
1. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;
b) Đất trồng cây lâu năm;
c) Đất rừng sản xuất;
d) Đất rừng phòng hộ;
đ) Đất rừng đặc dụng;
e) Đất nuôi trồng thủy sản;
g) Đất làm muối;
h) Đất nông nghiệp khác gồm đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt, kể cả các hình thức trồng trọt không trực tiếp trên đất; xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; đất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm; đất ươm tạo cây giống, con giống và đất trồng hoa, cây cảnh”;
Như vậy diện tích đất của hộ gia đình bà An thuộc trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 điều 10 Luật đất đai năm 2013 (tức là trồng hoa mầu, không phải là đất trồng lúa).
Căn cứ Điều 16 Luật đất đai năm 2013 Nhà nước quyết định thu hồi đất trong các trường hợp sau đây:
“a) Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng;
b) Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;
c) Thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người”.
Do không hề có quyết định thu hồi của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên hộ gia đình bà An vẫn là người sử dụng đất hợp pháp.
Căn cứ Điều 132 Luật đất đai năm 2013 quy định về chế độ pháp lý của loại đất có tên gọi “Đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích” như sau:
“1. Căn cứ vào quỹ đất, đặc điểm và nhu cầu của địa phương, mỗi xã, phường, thị trấn được lập quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích không quá 5% tổng diện tích đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản để phục vụ cho các nhu cầu công ích của địa phương.
Đất nông nghiệp do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trả lại hoặc tặng cho quyền sử dụng cho Nhà nước, đất khai hoang, đất nông nghiệp thu hồi là nguồn để hình thành hoặc bổ sung cho quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn”.
Như vậy với sự việc: không có biên bản tự nguyện trả lại diện tích đất của hộ gia đình bà An như quy định của Luật, việc UBND xã Việt Hùng tự cho rằng từ năm 2000 diện tích này đã bị quy hoạch làm đất công ích, từ đó ban hành Quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng trên đất, Quyết định này đã được tiến hành vào ngày 19/2/2016. Sau khi tiến hành cưỡng chế phá tan toàn bộ nhà cửa, công trình xây dựng trên đất cùng hoa màu cây cối (không thuộc đối tượng bị cưỡng chế) đã thu hồi toàn bộ diện tích đất để san ủi phân lô đấu thầu bán giá cao là hành vi vi phạm Luật đất đai nghiêm trọng và có dấu hiệu của tội phá hoại tài sản công dân trong khi thi hành công vụ.
Thứ ba: Việc UBND xã Việt Hùng cho rằng năm 2013 đã thực hiện phương án “dồn điền đổi thửa” và gia đình bà An đã nhận đủ diện tích nên xã có quyền thu hồi diện tích tại xứ Đồng Ma Vũ để đấu thầu bán giá cao là trái Luật đất đai.
Tại phiên tòa người đại diện cho UBND xã Việt Hùng lại nhắc lại điều này nhưng không đưa ra được bất cứ tài liệu chứng cứ nào về việc bà An đã nhận đủ đất và giao lại diện tích 700m2 tại xứ Đồng Ma Vũ theo phương án “dồn điền đổi thửa” nên không chấp nhận được bởi căn cứ điều 78 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2015 về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai năm 2013 về trình tự, thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để thực hiện “ dồn điền đổi thửa” như sau:
“1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã lập phương án chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp chung cho toàn xã, phường, thị trấn (bao gồm cả tiến độ thời gian thực hiện chuyển đổi) và gửi phương án đến Phòng Tài nguyên và Môi trường.
3. Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra phương án trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt và chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức cho các hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi ruộng đất theo phương án được duyệt.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo thực hiện việc đo đạc lập, chỉnh lý bản đồ địa chính”.
Như vậy việc dồn đổi ruộng nếu có thì chỉ xẩy ra giữa các hộ gia đình đang sử dụng đất nông nghiệp với nhau, chứ việc chuyển đổi đất nông nghiệp đang do hộ gia đình sử dụng thành đất công ích thuộc quyền quản lý của UBND xã Việt Hùng thì nhất thiết phải tuân theo quy định tại điều 132 Luật đất đai năm 2013 đó là: phải có biên bản tự nguyện trả lại đất (hoặc tặng cho đất) của hộ gia đình bà An thì đất này mới trở thành đất công ích do xã quản lý.
Việc UBND xã Việt Hùng sau khi cưỡng chế đã san ủi toàn bộ diện tích đất của hộ gia đình bà An để phân lô bán đấu thầu giá cao là hành vi giao đất trái thẩm quyền bởi vì theo quy định tại điểm a khoản 2 điều 59 Luật đất đai năm 2013 chỉ có UBND cấp huyện mới có thẩm quyền quyết định giao đất cho hộ gia đình, cá nhân.
Thứ tư: Căn cứ để buộc UBND xã Việt Hùng phải bồi thường thiệt hại do quyết định cưỡng chế của Chủ tịch xã Việt Hùng gây ra.
Căn cứ điều 13 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính (bao gồm 11 nhóm hành vi ) thì quyết định hành chính của Chủ tịch UBND xã Việt Hùng thuộc quy định tại khoản 3 điều này: “ Áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ nhà ở, công trình, vật kiến trúc và biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khác”
Căn cứ điều 4 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì việc Tòa án tuyên hủy quyết định hành chính của Chủ tịch xã Việt Hùng là căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Căn cứ Vi bằng được lập ngày 18/2/2016 –trước ngày bị cưỡng chế thể hiện trên đất có tài sản, hoa mầu, cây cối và Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 20/4/2016 do Tòa án tiến hành đã xác định trên diện tích đất không còn tài sản gì-đây là căn cứ để thỏa mãn điều kiện: có thiệt hại thực tế do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra đối với người bị thiệt hại.
III-Đề nghị cụ thể của luật sư
Căn cứ vào phân tích nêu trên tôi đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị An đối với Chủ tịch UBND xã Việt Hùng: hủy quyết định số 01/QĐ-UBND ngày 06/01/2016 về cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng và chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại của bà An –người khởi kiện và ông Cử -người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đối với UBND xã Việt Hùng theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Xin trân trọng cảm ơn HĐXX!
Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2016.
Luật sư Phan Thị Hương Thủy
lawvietnam