* Tại phiên tòa, Luật sư Phan Thị Hương Thủy - Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoàng Long (thuộc Đoàn LS thành phố Hà Nội) đã trình bày quan điểm luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện như sau:
QUAN ĐIỂM LUẬT SƯ
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Loh Mun Sang - là đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện Công ty Camellia Trading International Inc trong vụ án hành chính sơ thẩm thụ lý số 07/2015/HCST ngày 02/6/2015 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội
Kính thưa Hội đồng xét xử !
Trên cơ sở Giấy chứng nhận người bảo vệ quyền và lợi ích
hợp pháp của đương sự số 52/GCN-HC ngày 16/6/2015 cấp bởi Tòa án nhân dân thành
phố Hà nội, căn cứ kết quả thẩm vấn và tranh luận tại phiên tòa, tôi- luật sư
Phan Thị Hương Thủy thuộc Công ty luật TNHH Hoàng Long –Đoàn luật sư thành phố Hà
nội, xin trình bày quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Loh Mun
Sang đại diện theo ủy quyền của Người khởi kiện –Công ty Camellia Trading
International Inc (tên trước đây: Công ty
Silk Road Inc)trong vụ kiện hành
chính đối với quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính không xác định
được chủ sở hữu của Người bị kiện- Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu thuộc
Tổng cục Hải quan cụ thể như sau:
Theo Đơn
khởi kiện ban đầu ngày 22/5/2015 ông Loh Mun Sang đại diện hợp pháp của Công ty
Camellia đưa ra 2 yêu cầu: 1) Yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố Hà nội hủy bỏ
hai quyết định ban hành ngày 6/2/2015 và 22/4/2015 của Cục trưởng Cục Điều tra
chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại
phát sinh do cầm giữ không cho tái xuất đối với lô hàng rượu tạm nhập thuộc vận
đơn số CSPU31218880 ngày 09/6/2013 mà
công ty là chủ sở hữu hợp pháp hiện đang lưu trong kho ngoại quan của Công ty
TNHH Quốc tế Sao Bắc. 2) Yêu cầu Tòa án buộc Cục trưởng Cục điều tra chống buôn
lậu bồi thường thiệt hại do ban hành quyết định hành chính trái pháp luật. Yêu
cầu này là căn cứ quy định tại điều 6 Luật tố tụng hành chính và điều 13 Nghị
định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013 của Chính phủ.
Ngày
01/09/2015 ông Loh Mun Sang nộp Đơn sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện đối với người
bị kiện về bồi thường thiệt hại yêu cầu Tòa án buộc Cục trưởng Cục điều tra
chống buôn lậu phải bồi thường do ban hành quyết định tịch thu hàng trái pháp
luật số tiền 959,468,628 đồng bao gồm:
1) tiền thuê kho phải trả cho Công ty Sao Bắc và chi phí tài chính do lô hàng
bị cầm giữ tính từ ngày 21/6/2013 đến ngày 1/9/2015.
Ngày
14/12/2015 ông Loh Mun Sang nộp Đơn sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện về bồi thường
thiệt hại chỉ yêu cầu Tòa án buộc người bị kiện phải bồi thường số tiền phí lưu
kho phải trả cho Công ty Sao Bắc từ ngày 21/6/2013 đến ngày xét xử sơ thẩm là
20.042,800 đồng.
Tại phiên
tòa ông Loh Mun Sang đã rút toàn bộ yêu cầu đòi bồi thường, chỉ giữ yêu cầu Tòa
án tuyên hủy 2 quyết định hành chính ngày 6/2/2015 và ngày 22/4/2015 của Cục
trưởng Cục điều tra chống buôn lậu.
Căn cứ Luật
tố tụng hành chính thì việc rút một phần yêu cầu khởi kiện là quyền của người
khởi kiện.
Nên yêu cầu
cụ thể của người khởi kiện chỉ liên quan đến 2 quyết định hành chính ngày
6/2/2015 xử phạt vi
phạm hành chính đối với Công ty Sao Bắc vì có hành vi làm giả hồ sơ mở Tờ khai
313 để nhập lô hàng rượu thuộc vận đơn số CSPU 13218880 vào kho ngoại quan của
mình và ngày 22/4/2015
tịch thu tang vật vi phạm hành chính - lô hàng rượu nói trên.
Lý
do ông Loh Mun Sang khởi kiện xin hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối
với Công ty Sao Bắc vì quyết định này cũng là 1 trong các căn cứ để ban hành
quyết định tịch thu lô rượu của Công ty Camellia.
A-Nhận
xét chung về tính hợp pháp của 2 quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan
bị khởi kiện:
Một
là: Không thống nhất trong áp dụng văn bản quy phạm pháp luật.
Cả 2 quyết định đều được ban hành vào
cùng một thời điểm (năm 2015) đáng lẽ phải được áp dụng thống nhất văn bản quy
phạm pháp luật. Nhưng quyết định xử phạt vi phạm hành chính ngày 6/2/2015 đối
với Công ty Sao Bắc thì căn cứ vào 2 VPQPPL: Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính
năm 2002 sửa đổi bổ sung năm 2008 và Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2013
trong khi quyết định ngày 22/4/2015 về tịch thu lô hàng vi phạm hành chính thì
chỉ căn cứ vào Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002. Mặt khác việc quyết
định ngày 6/2/2015 căn cứ vào cả 2 văn bản quy phạm pháp luật thể hiện tính
không hợp pháp của quyết định đó vì chỉ có thể áp dụng hoặc Pháp lệnh XLVPHC
hoặc Luật XLVPHC. (Theo các văn bản giải
trình gửi tòa và tại phiên tòa người bị kiện xác nhận tuy trong quyết định ghi 2
VPQPPL nhưng thực tế là chỉ áp dụng Pháp lệnh XLVPHC).
Hai
là: Không ghi đầy đủ chính xác tên văn bản quy phạm pháp luật.
Cả 2 quyết định đều ghi “Pháp lệnh xử lý
vi phạm năm 2002” là không chính xác vì tên đầy đủ là “Pháp lệnh xử lý vi phạm
hành chính năm 2002”. Lỗi này thể hiện sự cẩu thả và làm giảm tính hợp pháp của
quyết định hành chính do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực hải quan
ban hành nhất là đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính có yếu tố nước ngoài.
Ba
là: Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực thi hành.
Tính không hợp pháp của cả hai quyết
định thể hiện áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực thi hành vào thời
điểm ban hành quyết định. Cụ thể là Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (sửa đổi bổ sung năm 2008) và
các văn bản hướng dẫn thi hành là Nghị
định số 97/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 6 năm 2007 và số 18/2009/NĐ-CP ngày 18
tháng 2 năm 2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực hải quan và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực
hải quan.
Căn cứ khoản 2 điều 141 Luật xử lý vi
phạm hành chính được Quốc hội Việt
nam thông qua ngày 20/06/2012 thì Pháp lệnh XLVPHC đã hết hiệu lực vào ngày 01/07/2013 khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực
pháp luật. Và theo quy định tại khoản 2 điều 70 của Nghị định số 127/2013/NĐ-CP
quy định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính
trong lĩnh vực hải quan của Chính phủ ban hành ngày 15/10/2013 thì Nghị định
97/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của Chính phủ (sửa đổi bổ sung tại Nghị định số
18/2009/NĐ-CP ngày 18/02/2009 của Chính phủ) đã bị bãi bỏ hiệu lực thi hành vào
ngày 15/12/2013-ngày có hiệu
lực của Nghị định số 127.
Bốn
là: Áp dụng văn bản quy phạm pháp luật không có lợi cho tổ chức vi phạm
Lý giải vì sao lại áp dụng Pháp lệnh XLVPHC (đã hết hiệu
lực thi hành) mà không áp dụng Luật XLVPHC, các đại diện theo ủy quyền của
Người bị kiện cho rằng Pháp lệnh XLVPHC có lợi hơn cho người bị vi phạm nhưng
không chứng minh được điều này.
Căn cứ khoản 4 điều 83 Luật
ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 quy
định: “ Trong trường hợp văn bản quy phạm
pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối
với hành vi xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới”.
Nguyên tắc này cũng
phù hợp với khoản 1 điều 71 Nghị định 127 về Điều khoản chuyển tiếp quy định như sau: “ Các
quy định về xử phạt, quy định về hoãn, miễn thi hành quyết định xử phạt và các
quy định về xử phạt khác có lợi
cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính được áp dụng đối với hành vi xảy ra
trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực màsau đó mới bị phát hiện hoặc đang
xem xét, giải quyết”.
Cụm từ ‘”trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn” được chứng
minh bằng giới hạn giá trị của tang vật vi phạm hành chính bị áp dụng xử lý
tịch thu cụ thể tại khoản 4 điều 42 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định thẩm
quyền của Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu tịch thu tang vật vi phạm hành
chính đến 50 triệu đồng. Trong khi theo quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 34
Pháp lệnh năm 2002 sửa đổi bổ sung năm 2008 (khoản 9 điều 1 Pháp lệnh năm 2008
giữ nguyên điều 34 Pháp lệnh năm 2002) thì Cục trưởng Cục điều tra chống buôn
lậu thuộc Tổng cục hải quan được quyền tịch thu tang vật vi phạm hành chính
không bị giới hạn về giá trị.
Căn
cứ chứng minh việc áp dụng Luạt XLVPHC “có
lợi” (hay quy định “trách nhiệm pháp lý nhẹ
hơn”) Pháp lệnh XLVPHC như sau:
Theo quy định tại khoản 4 điều 34 Pháp lệnh về xử lý vi
phạm hành chính năm 2002 sửa đổi bổ sung năm 2008 quy định Cục trưởng Cục điều
tra chống buôn lậu thuộc Tổng cục Hải quan có quyền phạt tiền đến mức tối đa đến
70.000.000 đồng được áp dụng đối với hành vi
vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan (điểm B) và tịch thu tang vật,
phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (điểm C). Trong khi theo quy
định tại khoản 4 điều 42 Luật xử lý vi phạm hành chính thì Cục trưởng Cục điều
tra chống buôn lậu chỉ có quyền “ Phạt tiền đến 50.000.000 đồng” (điểm b) và “
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức
tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này” (điểm d). Như vậy cụm từ ‘”trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn” được chứng
minh bằng giới hạn giá trị của tang vật vi phạm hành chính bị áp dụng xử lý
tịch thu và .
Như vậy, với mức phạt tiền
đến 50.000.000 đồng (đối với tổ chức vi phạm hành chính) quy định trong Luật so
với mức phạt tiền đến 70.000.000 đồng quy định trong Pháp lệnh và tịch thu tang
vật có giá trị không vượt quá 50.000.000 đồng quy định trong Luật so với việc
tịch thu tang vật vi phạm hành chính không bị giới hạn giá trị quy định trong
Pháp lệnh thì rõ ràng Luật quy định “trách nhiệm
pháp lý nhẹ hơn” hoặc có “lợi hơn” Pháp lệnh. Nên Luật XLVPHC là căn cứ
pháp luật để xem xét tính hợp pháp của quyết định xử phạt vi phạm hành chính
đối với Công ty Sao Bắc (giả sử có hành vi giả mạo giấy tờ để mở Tờ khai số
313) và và quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính (lô rượu thuộc vận
đơn số CSPU3121880 ngày 9/6/2013 (giả sử thuộc trường hợp không xác định được
chủ sở hữu theo quy định của pháp luật).
B-Xem xét cụ thể tính trái pháp luật của từng
quyết định:
+ Đối với Quyết định xử phạt hành chính ngày
6/2/2015 đối với Công ty Sao Bắc.
Tính không hợp
pháp của quyết định này thể hiện như sau:
Một là: Không hợp pháp về nội dung.
Quyết định này
căn cứ vào Biên bản xử lý vi phạm hành chính do Đội 1 lập ngày 29/1/2015- căn
cứ này không hợp pháp vì không chứng minh được Công ty Sao Bắc có hành vi giả
mạo giấy tờ để mở Tờ khai số 313.
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 26 Nghị định
154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 quy định chi tiết một số điều của Luật hải quan
và thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan thì khi làm thủ tục hải quan
đối với hàng hóa từ nước ngoài đưa vào kho ngoại quan, chủ hàng hoặc người đại
diện hợp pháp của chủ hàng chỉ phải các
giấy tờ gồm: “hợp đồng thuê kho ngoại
quan, tờ khai nhập kho hải quan, vận tải đơn”.
Cơ sở để Công ty Sao Bắc mở Tờ khai số 313 là căn
cứ Hợp đồng thuê kho ngoại quan số 13-07WI/NS-BW ngày 14/6/2013 ký giữa Công ty
SILK ROAD INC với tư cách là người gửi hàng (có tên trên vận đơn) và Công ty
TNHH Quốc tế Sao Bắc – là pháp nhân có chức năng kinh doanh kho ngoại quan hoàn
toàn phù hợp với pháp luật Việt nam tại thời điểm ký kết cụ thể là Nghị định số
154.
Đại diện Công ty Silk Road đã xác nhận có ký hợp
đồng thuê kho với Công ty Sao Bắc và đã cung cấp vận đơn số CSPU13218880 cho
Công ty Sao Bắc để mở Tờ khai số 133. Tại phiên tòa đại diện Người khởi kiện
xuất trình vận đơn gốc phù hợp với bản vận đơn mà Công ty Sao Bắc đã sử dụng để
mở Tờ khai trên trong đó ghi rõ các thông tin: Công ty Silk Road Inc là người
gửi hàng, Công ty Bách Tùng là người được thông báo, và Công ty Sao Bắc là
người nhận hàng hoàn toàn phù hợp với luật hàng hải Việt nam và công ước quốc
tế mà Việt nam tham gia.Qúa trình
làm việc trước đây đã làm rõ: việc nộp vận tải đơn nháp ban đầu của Công ty Sao
Bắc (sau đã được Công ty Silk thông báo xác nhận và cung cấp bản gốc của vận
tải đơn) chỉ là sơ xuất và sơ suất đó không ảnh hưởng đến việc khai báo hải
quan, không thuộc hành vi cấm của pháp luật.
Tại phiên tòa đại diện theo ủy quyền của
người khởi kiện thừa nhận: thời điểm phát hiện Công ty Sao Bắc vi phạm hành chính
(làm giả chứng từ để mở tờ khai 313) là ngày 20/6/2013 (ngày 21/6/2013 lô hàng
đã được nhập vào kho của Công ty Sao Bắc), ngày 24/10/2013 Cục điều tra chống
buôn lậu mới ra Quyết định số 14 khởi tố vụ án buôn lậu rượu xẩy ra trong kho
ngoại quan của Công ty Sao Bắc và chuyển hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra-Bộ
Công an (C46) để điều tra hình sự theo quy định tại điều 62 Luật xử lý vi phạm
hành chính. Nhưng ngày 22/10/2014 Cơ quan CSĐT- Bộ Công an đã ra Quyết định số
09 đình chỉ điều tra vì xác định không có dấu hiệu tội phạm. Việc Cơ quan điều
tra ra quyết định đình chỉ điều tra là có căn cứ vì theo quy định tại điều 26
Nghị định 154 thì hồ sơ làm thủ tục nhập kho ngoại quan chỉ cần 3 loại giấy tờ
gồm: Tờ khai nhập kho ngoại quan, hợp đồng thuê kho ngoại quan và vận đơn. Công
ty Silk Road đã xác nhận là có ký hợp đồng thuê kho với Công ty Sao Bắc và gửi
vận đơn số CSPU1321880 ngày 9/6/2013 cho Công ty Sao Bắc. Vận đơn này đã được
hãng tàu xác nhận là đúng. Trên vận đơn thể hiện người gửi hàng là Công ty Silk
Road và thông qua Công ty Sao Bắc Công ty Silk Road cũng đã cung cấp giấy chứng
nhận thành lập cũng như giấy chứng nhận tình trạng hoạt động tốt được lập theo
luật nước Belize và sau đó Công ty Silk Road cũng đã thực hiện hợp pháp hóa
lãnh sự các giấy tờ này để cung cấp cho Cục điều tra chống buôn lậu.
Hai
là: Không hợp pháp về thời hiệu (quá thời hạn xử phạt theo luật định):
Tại Điều 3 Nghị định 127 quy
định về Thời hiệu xử phạt hành chính trong lĩnh vực hải quan như sau:
“1. Thời hiệu xử phạt vi phạm pháp luật về thuế trong
lĩnh vực hải quan:
2.
Thời hiệu xử phạt đối với các hành vi vi phạm khác ngoài các hành vi vi
phạm quy định tại Khoản 1 Điều này thì thực hiện theo quy định tại Điều 6
Luật xử lý vi phạm hành chính.
Căn cứ điểm a khoản điều 6 Luật xử
lý vi phạm hành chính quy định “thời hiệu
xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm”.
Tại khoản 1 điều 6 quy định các các
định thời điểm để tính thời hiệu như sau:
“b) Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi
phạm hành chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được quy định như sau:
Đối
với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm
dứt hành vi vi phạm.
Đối
với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm
phát hiện hành vi vi phạm;
c)
Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân do cơ quan tiến hành tố
tụng chuyển đến thì thời hiệu được áp dụng theo quy định tại điểm a và điểm b
khoản này. Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào
thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính”
Như vậy căn cứ vào thời điểm Đội 1 phát
hiện Công ty Sao Bắc –là pháp nhân giả mạo hồ sơ mở Tờ khai số 313 là 20/6/2013
thì tính đến ngày lập Biên bản vi phạm hành chính (29/1/2015) là 19 tháng (đã
quá thời hạn 7 tháng) nên thuộc trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm
hành chính theo điểm c khoản 1 điều 65 Luật xử lý vi phạm hành chính. (Điều này
quy định về những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là:
“hết thời hiệu ra quyết định xử phạt vi
phạm hành chính theo quy định tại điều 6…”).
Sau khi ra quyết định đình chỉ khởi tố
vụ án hình sự buôn lậu rượu trong kho ngoại quan của Công ty Sao Bắc Cơ quan CSĐT-
Bộ công an đã trả lại hồ sơ cho Cục điều tra chống buôn lậu xử lý theo thẩm
quyền. Ngày 25/12/2014 hồ sơ và tang vật đã được bàn giao cho Cục điều tra
chống buôn lậu.Theo quy định tại khoản 3 điều 63 Luật xử lý vi phạm hành chính
về chuyển hồ sơ vi phạm để xử phạt hành chính, thời hạn ra quyết định xử phạt
vi phạm hành chính là 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định đình chỉ điều tra
do cơ quan điều tra chuyển đến kèm theo hồ sơ vi phạm. Do đó đến ngày 6/2/2015 Cục
trưởng Cục điều tra chống buôn lậu mới ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính
đối với Công ty Sao Bắc là quá thời hạn luật định.
+ Đối với Quyết
định số 01 ngày 22/4/2015 về tịch thu lô hàng thuộc vận đơn CSPU1321880:
Tính không hợp pháp của quyết định này thể hiện như sau:
Một là:Không hợp pháp về thẩm quyền.
(i) Không
hợp pháp về thẩm quyền ra quyết định tịch thu:
Vì văn bản quy phạm pháp luật để xem xét tính
hợp pháp của quyết định hành chính bị khởi kiện là Luật xử lý vi phạm hành
chính và Nghị định 127 có hiệu lực từ ngày 15/12/2013.
Theo quy định
tại khoản 4 điều 42 Luật xử lý vi phạm hành chính quy định thẩm quyền của Cục
trưởng Cục điều tra chống buôn lậu tịch thu tang vật vi phạm hành chính đến 50
triệu đồng.
Căn cứ điểm
d khoản 4 điều 19 Nghị định 127 về Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong
lĩnh vực hải quan, tại khoản 4 quy định: “ Cục
trưởng Cục điều tra chống buôn lậu...thuộc Tổng cục Hải quan..có quyền: Tịch
thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền
phạt được quy định tại điểm b khoản này” (điểm b khoản 4 quy định mức phạt
tiền đối với tổ chức đến 100.000.000 đồng).
Căn cứ Tờ
khai hải quan nhập kho ngoại quan số 313 ghi ngày đăng ký 20/6/2013, được Chi
cục Hải quan Cảng Cái Lân thuộc Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đóng dấu “Đã làm
thủ tục hải quan” vào ngày 21/6/2013, tại mục 16 về trị giá nguyên tệ thể hiện
giá trị toàn bộ lô hàng rượu thuộc vận đơn CSPU3121880 ngày 09/6/2013 gồm:
1.
Rượu Remy Martin
VSOP, 311 kiện, trị giá 128.685,58 USD
2.
Rượu Martel Cordon
Blue, 38 kiện, trị giá: 48.184,00 USD
Tổng cộng:
349 kiện, trị giá: 176,869.58 đô la Mỹ.
Tại Biên bản
lập cùng ngày đã được đại diện 3 bên: Chi cục Hải quan Cảng Cái Lân, Đội 1 và
Công ty Sao Bắc ký xác nhận hàng nhập kho đúng như tờ khai và các chứng từ về
lô hàng như hóa đơn thương mại. Căn cứ tỷ giá đồng đô la Mỹ với đồng Việt nam
tại thời điểm ngày 22/4/2015 (22.510 VNĐ/1 USD) thì lô hàng có giá trị tương
đương 3,7 tỷ đồng.
Căn cứ vào
quy định nêu trên thì thẩm quyền ra quyết định tịch thu lô hàng rượu thuộc vận
đơn CSPU13218880 có giá trị 176.869,58 USD (tương đương 3,7 tỷ đồng) là Tổng
cục trưởng Tổng cục Hải quan.
(ii) Không
hợp pháp về thẩm quyền đăng thông báo tìm chủ sở tang vật vi phạm hành chính.
Tại Quyết
định tịch thu ngày 22/4/2015 có ghi 1 trong các căn cứ tịch thu là Thông báo
tìm chủ sở hữu lô hàng rượu thuộc vận đơn CSPU31218880 do Cục điều tra chống
buôn lậu đăng trên báo Lao động và báo Hải quan vào ngày 30/12/2014.
Theo quy định tại khoản 2 điều 23 Nghị định
127 về thủ tục đăng thông báo tìm chủ sở hữu tang vật vi phạm hành chính: “Trường hợp không xác định được chủ sở
hữu của tang
vật, phương tiện vi phạm, người có thẩm quyền quy định tại các Khoản 3, 4 và
5 Điều 19 Nghị định này phải thông báo về việc này trên phương tiện thông
tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở Hải quan. Sau thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày thông
báo mà vẫn không có người đến nhận thì người có thẩm quyền quy định tại các
Khoản 3, 4 và 5 Điều 19 Nghị định này phải ra quyết định tịch thu hoặc tiêu hủy
tang vật vi phạm theo quy định”.
Căn cứ quy
định nêu trên thì Thông báo đăng thông báo tìm chủ sở hữu của Cục điều tra
chống buôn lậu là không đúng thẩm quyền (vì lô hàng rượu bị tịch thu có giá
trị 3,7 tỷ đồng) nên Tổng cục Hải quan mới có thẩm quyền đăng thông báo tìm chủ
sở hữu lô hàng này.
(iii)Không có thẩm
quyền tạm giữ lô hàng rượu.
Theo quy định của
Luật xử lý vi phạm hành chính (điều 120) thì tang vật vi phạm hành chính chỉ bị
tịch thu khi đã bị tạm giữ hành chính theo đúng trình tự thủ tục quy định từ
điều 120 đến điều 135 Luật XLVPHC.
Căn cứ khoản 3 điều
125 Luật XLVPHC quy định về thẩm quyền tạm giữ tang vật vi phạm hành chính như
sau:
“ Người có thẩm quyền áp
dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quy
định tại Chương II Phần thứ hai của Luật này thì có thẩm quyền tạm giữ tang
vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.( điều 42 thẩm quyền của
hải quan)” .
Do đó việc tạm giữ lô hàng
rượu theo thủ tục hành chính (nếu có) không thuộc thẩm quyền của Cục trưởng Cục
điều tra chống buôn lậu. (Dưới đây tôi sẽ chứng minh Cục điều tra chống buôn
lậu không tuân thủ các quy định về tạm giữ hành chính lô hàng rượu bị tịch
thu).
Hai
là:Không
hợp pháp về trình tự thủ tục tạm giữ tang vật vi phạm hành chính.
(i)Không
lập biên bản tạm giữ, không có quyết định tạm giữ tang vật vi phạm hành chính.
Theo quy định của Điều 120 Luật XLVPHC thì người có
thẩm quyền quyết định tịch thu tang vật vi phạm hành chính trước khi ra quyết
định tịch thu phải tuân thủ nghiêm ngặt các thủ tục về tạm giữ tang vật vi phạm
hành chính quy định tại các điều từ 120 đến 132 của Luật này, nếu vi phạm thì
bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Tính không hợp pháp
của quyết định thể hiện Cục điều tra chống buôn lậu đã không tuân thủ các thủ
tục quy định tại điều 125 về tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng
chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính cụ thể: Không lập biên bản tạm giữ,
không có quyết định tạm giữ theo quy định tại khoản 4, 5, 9 điều này:
“Việc tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính phải có
quyết định bằng văn bản kèm theo biên bản tạm giữ và phải giao cho người vi
phạm, đại diện tổ chức vi phạm 01 bản (khoản 5).
Mọi trường hợp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng
chỉ hành nghề phải được lập thành biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên, số
lượng, chủng loại, tình trạng của tang vật, phương tiện bị tạm giữ và phải có
chữ ký của người ra quyết định tạm giữ, người vi phạm; trường hợp không xác
định được người vi phạm, người vi phạm vắng mặt hoặc không ký thì phải có chữ
ký của 02 người làm chứng. Biên bản phải được lập thành 02 bản, người có thẩm
quyền tạm giữ giữ 01 bản, người vi phạm giữ 01 bản (khoản 9).
Trong thời hạn 24 giờ, kể
từ khi lập biên bản, người lập biên bản phải báo cáo thủ trưởng của mình là
người có thẩm quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được quy
định tại khoản 1 Điều này để xem xét ra quyết định tạm giữ (khoản 4)”;
(ii) Không
xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính
Tính không
hợp pháp của quyết định tịch thu còn thể hiện không tuân thủ điều 60 Luật
XLVPHC về xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính để làm
căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt. Điều này quy định như sau:
“1. Trong trường hợp cần xác định giá trị
tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền
xử phạt, người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải xác định giá trị tang
vật và phải chịu trách nhiệm về việc xác định đó.
2. Tùy theo loại tang vật cụ thể, việc
xác định giá trị dựa trên một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau đây:
a) Giá niêm yết hoặc giá ghi trên hợp
đồng hoặc hoá đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu;
3….Thời hạn tạm giữ tang vật để xác định
giá trị không quá 24 giờ, kể từ thời điểm ra quyết định tạm giữ, trong trường
hợp thật cần thiết thì thời hạn có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 24
giờ. Mọi chi phí liên quan đến việc tạm giữ, định giá và thiệt hại do việc tạm
giữ gây ra do cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ chi trả.
Thủ tục, biên bản tạm giữ được thực hiện theo quy định tại khoản 5 và khoản 9
Điều 125 của Luật này.
4.
Căn cứ để xác định giá trị và các tài liệu liên quan đến việc xác định giá trị
tang vật vi phạm hành chính phải thể hiện trong hồ sơ xử phạt vi phạm hành
chính”.
Vì Cục điều
tra chống buôn lậu cáo buộc lô hàng rượu thuộc vận đơn CSPU13218880 là tang vật
vi phạm hành chính và bản chất của Quyết định ngày 22/4/2015 là quyết định về
tịch thu hàng hóa nên trước khi ra quyết định cơ quan có thẩm quyền xử lý vi
phạm hành chính cần phải xác định giá trị của tang vật vi phạm hành chính theo
quy định tại điều 60 Luật XLVPHC. Theo quy định tại điểm a khoản 1 điều này thì
căn cứ để xác định giá trị lô hàng là hóa đơn thương mại hoặc tờ khai nhập khẩu
nhưng trong Quyết định ngày 22/4/2015 thiếu căn cứ này nên là không hợp pháp.
(iii) Vi
phạm thời hạn tạm giữ (từ 20/6/2013 đến 22/4/2015) theo quy định tại khoản 8
điều này
“ Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính,
giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 07 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ
có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến
hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy
phép, chứng chỉ hành nghề.
Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1
Điều 66 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh thì người có thẩm
quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng
văn bản để xin gia hạn việc tạm giữ; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn
gia hạn không được quá 30 ngày.
Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy
phép, chứng chỉ hành nghề được tính từ thời điểm tang vật, phương tiện, giấy
phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ thực tế”.
Ba là: Không hợp pháp về nội dung
+Vì Luật XLVPHC là VPQPPL
áp dụng để xem xét tính hợp pháp của Quyết định tịch thu ngày 22/4/2015 nên tôi
chứng minh tính không hợp pháp về nội dung của quyết định thể hiện ở việc lô
hàng rượu thuộc vận đơn số CSPU1321880 không thuộc trường hợp bị xử lý tịch thu
theo quy định của Luật XLVPHC và Nghị định 127.
Theo
quy định của Luật XLVPHC thì lô hàng rượu thuộc vận đơn CSPU1321880 ngày
9/6/2013 chỉ bị tịch thu nếu thuộc quy định tại khoản 4 điều 126 Luật XLVPHC
hoặc điều 23 của Nghị định 127. Hay nói một cách khác nếu lô hàng không thuộc
các trường hợp bị tịch thu theo các điều luật nêu trên thì việc ra quyết định
tịch thu là trái pháp luật. Tôi xin chứng minh không thuộc các quy định nêu
trên cụ thể như sau:
(i)Chứng minh không thuộc
khoản 4 điều 126 Luật XLVPHC.
Điều
126 là điều luật quy định về Xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ
hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính. Khoản 4 Điều này quy định như
sau:
“Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quá thời
hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính
đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra
quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm
yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ; trong thời
hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo, niêm yết công khai, nếu người vi phạm không
đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật,
phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 82 của Luật này”.
Phân tích: Vì lô
hàng không có quyết định tạm giữ nên không có căn cứ xác định là “tang vật vi
phạm hành chính” và không thuộc trường hợp “quá thời hạn tạm giữ”. Mặt khác lô
hàng đang nằm trong kho ngoại quan của Công ty Sao Bắc-là người quản lý hợp
pháp lô hàng trên cơ sở hợp đồng thuê kho ngoại quan ký với người gửi hàng –là
Công ty Silk Road Inc nên không thuộc trường hợp “không có người đến nhận”.
Ngay từ khi biết được Thông báo tìm chủ sở hữu ông Loh Mun Sang –đại diện của
người gửi hàng (Công ty Camellia tên cũ là Công ty Silk Road Inc) đã sang Việt
nam và gửi thư đến Cục điều tra chống buôn lậu và Tổng cục Hải quan để đề nghị
được tái xuất lô hàng nên không thuộc trường hợp “không xác định được người vi
phạm” và “người vi phạm không đến nhận”. Từ các căn cứ trên cho thấy không có
căn cứ để người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu lô hàng để xử lý theo
điều 82 của Luật này.
(ii)Chứng minh không thuộc khoản 2 điều 23 Nghị định 127.
Điều 23 là
điều luật về Xử lý
đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu quá thời hạn làm thủ tục hải quan, hàng
hóa không có chủ sở hữu, hàng hóa nhập khẩu buộc phải đưa ra khỏi lãnh thổ Việt
Nam hoặc buộc phải tái xuất.
Khoản 2
điều này quy định như sau: “Trường hợp không xác định được chủ sở hữu của tang vật, phương tiện vi phạm, người có thẩm quyền quy định tại
các Khoản 3, 4 và 5 Điều 19 Nghị định này phải thông báo về việc này trên
phương tiện thông tin đại chúng và niêm
yết công khai tại trụ sở Hải quan. Sau
thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày thông báo mà vẫn không có người đến nhận
thì người có thẩm quyền quy định tại các Khoản 3, 4 và 5 Điều 19 Nghị định này
phải ra quyết định tịch thu hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm theo quy định”.
Trong quyết
định ngày 22/4/2015 đưa ra lý do tịch thu lô hàng hóa (rượu) thuộc vận đơn số
CSPU3121880 ngày 09/6/2013 vì không
xác định được chủ sở hữu là không đúng vì theo các tài liệu chứng
từ liên quan đến lô hàng do Công ty TNHH Quốc tế Sao Bắc nộp cho cơ quan hải
quan để làm thủ tục nhập kho cho lô hàng này đều thể hiện chủ sở hữu lô hàng là
Công ty SILK ROAD INC cụ thể:
- Tại Tờ
khai Hải quan số 313/KNQ ngày 20/6/2013 do Công ty TNHH Quốc tế Sao Bắc mở cho
lô hàng rượu gồm 349 kiện đóng trong container còn nguyên xi kẹp chì thuộc vận
đơn số CSPU3121880 ngày 09/6/2013, có các thông tin: Người thuê kho ngoại quan: Công ty SILK ROAD INC, địa chỉ 21, Regent
Street, 2nd Floor, Belize city, Belize (mục 1). Chủ kho ngoại quan: Công ty TNHH Quốc tế Sao Bắc, địa chỉ: Số 7, Lê
Qúy Đôn, Hạ Long, Quảng Ninh (mục 2).
(Trên Tờ
khai này có đóng dấu của Chi cục hải quan cảng Cái Lân -Cục hải quan tỉnh Quảng
Ninh xác nhận “Đã hoàn thành thủ tục hải quan” và tại mục 23. Xác nhận hàng
nhập kho ngoại quan thể hiện nội dung: “Hàng
nhập kho 349 kiện, số container, xi chì đúng như Biên bản bàn giao số 5840/HQ
ngày 21/6/2013 của Hải quan KV 3 cảng Hải phòng” có chữ ký của công chức hải quan và đóng dấu
của Cục hải quan tỉnh Quảng Ninh).
- Vận đơn
đường biển số CSPU31218880 do người vận chuyển là Công ty Federated Cargo Line
Pte Ltd phát hành ngày 09/6/2013 cho lô hàng gồm 349 kiện (311 kiện rượu Remy
VSOP 40% và 38 kiện rượu Martel Cordon 40%) chứa trong container số EMCU329788S
tại cảng xếp hàng Singapore, được chở trên con tàu VINALINES PIONEER V.028N
cũng ghi rõ người gửi hàng: Công ty
SILK ROAD INC , địa chỉ: 21, Regent
Street, 2nd Floor, Belize City, Belize.
Tại khoản 2
điều 72 Bộ luật hàng hải năm 2010 quy định về người gửi hàng như sau: “Người thuê vận chuyển là người tự mình hoặc
ủy quyền cho người khác giao kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển
với người vận chuyển. Trong trường hợp hợp đồng vận chuyển theo chứng từ vận
chuyển thì người thuê vận chuyển được gọi là người gửi hàng”.
Căn cứ khoản
2 điều 73 Bộ luật hàng hải năm 2010 quy định về chứng từ vận chuyển như sau: “ Vận đơn là chứng từ vận chuyển làm bằng
chứng về việc người vận chuyển đã nhận hàng hóa với số lượng, chủng loại, tình
trạng như được ghi trong vận đơn để vận chuyển đến nơi trả hàng, bằng chứng về
sở hữu hàng hóa dùng để định đoạt, nhận hàng và là bằng chứng của hợp đồng vận
chuyển bằng đường biển”.
Theo quy
định tại điều 92 Bộ luật hàng hải năm 2005 về Quyền định đoạt hàng hoá của người gửi hàng “cho đến khi hàng được trả cho người nhận
hàng hợp pháp, nếu chưa giao quyền này cho người khác”.
Căn cứ quy
định nêu trên thì Công ty Silk Road được xác định là chủ sở hữu lô hàng thuộc
vận đơn CSPU13218880. Việc xác định tư cách chủ hàng của Công ty Silk Road còn
thể hiện trên các chứng từ về lô hàng như: hóa đơn thương mại, phiếu đóng gói
và cho đến nay không có ai tranh chấp về tư cách chủ sở hữu của lô hàng.
Tại văn bản
số 42/Đ1-CM ngày 14/8/2013 (bằng tiếng Anh) do ông Nguyễn Văn Thọ -chức vụ Đội
trưởng Đội 1 Cục chống buôn lậu- Tổng cục Hải quan ký gửi Công ty SILK ROAD INC
địa chỉ: 21, Regent Street, 2nd Floor,
Belize City, Belize mời ông Alex Chen, Phó giám đốc sang làm việc ngày
26/8/2013 có nội dung sau: Theo kết quả
điều tra đã xác định Công ty SILK ROAD INC là chủ sở hữu lô rượu trong container
số EMCU329788S thuộc vận đơn
số CSPU3121880 ngày 9/6/2013 vận chuyển
trên con tàu VINALINES PIONEER V.028N từ cảng Singapore về cảng Hải phòng, Việt
nam bị nghi vấn là vi phạm luật nội bộ của nước sở tại.
Công ty
Camellia có xuất trình giấy chứng nhận đổi tên từ Công ty SILK ROAD INC thành
Công ty CAMELLIA TRADING INC, tài liệu này được Đại sứ quán Việt nam tại Canada
chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại điều 15d Nghị định 111 của
Chính phủ nên có căn cứ để xác định Công ty Camellia chính là Công ty Silk Road
trước đây và là chủ sở hữu lô hàng thuộc vận đơn số CSPU13218880.
Tại phiên
tòa đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện vẫn cho rằng các giấy tờ của
Công ty Silk Road trước đây và Công ty Camellia sau này phải được hợp pháp hóa
lãnh sự tại Đại sứ quán Việt nam tại Mexico chứ không phải tại Đại sứ quán Việt
nam tại Canada nhưng không đưa được ra bất cứ lý lẽ nào để chứng minh cho ý
kiến của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Chủ tọa phiên tòa đã cho đại diện của người bị
kiện xem bản gốc Công văn số 2177/CV-LS-HPH ngày 28/7/2015 của Cục Lãnh sự -Bộ
Ngoại giao phúc đáp văn bản số 02/CV-HL-2015 ngày 24/7/2015 của Công ty luật
TNHH Hoàng Long hỏi về giá trị sử dụng tại Việt nam đối với các giấy tờ pháp
nhân Công ty Camellia nêu ở trên có nội dung như sau: “ các giấy tờ này được Công ty A&P Intertrust Corporation lập tại
Ontario, Canada, được cơ quan công chứng Canada xác nhận, sau đó được Bộ Ngoại
giao, Thương mại và Phát triển Canada chứng thực chữ ký của công chứng viên. Sau
đó được Đại sứ quán Việt Nam tại Canada hợp pháp hóa lãnh sự những giấy tờ này
(chứng nhận chữ ký, chức danh và con dấu của Bộ ngoại giao Canada) là phù hợp
với trình tự, thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định tại điều 15d Nghị định
số 111/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 5/12/2011 về chứng thực lãnh sự, hợp pháp
hóa lãnh sự”.
Tại phiên
tòa phía người bị kiện vẫn cho rằng không biết việc đổi tên ( (từ tên cũ Công ty SILK ROAD INC) thành tên mới (Công ty CAMILLA
TRADING INTERNATIONAL INC).
Chứng minh Cục điều tra chống buôn lậu đã biết việc đổi
tên như sau:
Tại công văn
số 161/ĐTCBL-P4 ngày 13/2/2015 của Cục điều tra chống buôn lậu thể hiện Cục đã
biết chi tiết ông Loh Mun Sang đại diện cho Công ty Camellia khiếu nại về lô
hàng thuộc vận đơn CSPU31218880. Ngày 6/3/2015 ông Loh Mun Sang đã cung cấp hồ
sơ pháp nhân và giấy chứng nhận đổi tên từ Công ty Silk Road thành Công ty
Camellia cho Cục điều tra chống buôn lậu. Ngày 27/4/2015 Công ty Sao Bắc đã
trao 1 bộ hồ sơ gốc trong đó có giấy chứng nhận thay đổi tên được Đại sứ quán
Việt Nam tại Canada chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự. Căn cứ xác nhận của Cục
lãnh sự -Bộ ngoại giao số 2177/ CV-LS-HPH ngày 28/7/2015 xác nhận các giấy tờ
của Công ty Camellia (trước đây là Công ty Silk Road) được Đại sứ quán Việt Nam
chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự là đúng quy định về trình tự, thủ tục hợp pháp
hóa lãnh sự tại điều 15d Nghị định 111/NĐ-CP của Chính phủ ngày 5/12/2011. Tại
văn bản số 0570/ĐTCBL-P4 ngày 17/6/2015 của Cục điều tra chống buôn lậu gửi Tòa
án nhân dân thành phố Hà nội tại trang 6 thể hiện nội dung: Cục điều tra chống buôn lậu không phủ nhận
đã nhận được các giấy tờ chứng minh sự tồn tại của Công ty Silk Road trước đây
và đổi tên thành Công ty Camellia sau này bao gồm: giấy chứng nhận tình trạng
hoạt động tốt do Phó trưởng phòng đăng ký công ty thương mại quốc tế ký và đóng
dấu ngày 8/11/2013 tại thành phố Belize, Belize; giấy chứng nhận thành lập Công
ty Silk Road được Phó trưởng phòng đăng ký công ty thương mại quốc tế ký và
đóng dấu ngày 14/5/2012 tại thành phố Belize, Belize; giấy chứng nhận thay đổi
tên được Phó trưởng phòng đăng ký công ty thương mại quốc tế ký và đóng dấu
ngày 31/11/2014 thành phố Belize, Belize; giấy quyền được Amanda Hernande ký và
lập tại thành phố Belize ngày 26/2/2015. Tuy nhiên Cục điều tra chống buôn lậu
cho rằng do các giấy tờ này được lập và đóng dấu tại thành phố Belize nhưng lại
được Đại sứ quán Việt Nam tại Canada chứng nhận đóng dấu nên không có giá trị
để sử dụng tại Việt nam theo công văn số 1563/LS-HPH ngày 4/6/2015 của Cục Lãnh
sự-Bộ Ngoại giao.
Với nội dung
trên cho thấy Cục điều tra chống buôn lậu đã biết được Công ty Camellia đang
liên hệ để xin tái xuất lô hàng thuộc vận đơn CSPU3121880 ngày 9/6/2013 và công
ty này có tên cũ là Công ty Silk Road –người gửi hàng có tên trên vận đơn. Tình
tiết này là căn cứ để xác định việc Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu ra
quyết định tịch thu lô hàng thuộc vận đơn nêu trên do không xác định được chủ
sở hữu là không đúng.
Ngoài ra
việc thay đổi tên pháp nhân thành Công ty Camellia cũng đã thể hiện trên các
thư điện tử giữa ông Loh và các công
chức Trần Thùy Linh và Nguyễn Việt Nga thuộc phòng Hợp tác đối ngoại Tổng cục
Hải quan vào các ngày: 4/2/2015, 5/2/2015, 6/2/2015, 9/2/2015, 13/2/2015,
6/3/2015, 6/4/2015, 7/4/2015, 16/4/2015, 17/4/2015, 20/4/2015.
Căn cứ vào
diễn biến nêu trên cho thấy ngày 20/4/2015 hai bên vẫn đang trao đổi quan điểm
liên quan đến yêu cầu của Công ty CAMILLA TRADING INC xin được tái xuất lô hàng
đang lưu giữ trong kho ngoại quan của Công ty TNHH Quốc tế Sao Bắc theo hợp
đồng thuê kho (đã hết hạn từ ngày 14/6/2014) mà ngày 22/4/2015 Cục điều tra
chống buôn lậu đã ban hành Quyết định hành chính tịch thu lô hàng xác định là
không có chủ sở hữu là không phù hợp với các tình tiết nêu trên.
Căn cứ vào
các hồ sơ đã được chứng nhận hợp pháp hóa
lãnh sự có căn cứ xác định Công ty Camellia (trước đây là Công ty Silk
Road) là có toàn quyền định đoạt lô hàng rượu gồm 349 kiện đóng trong
contrainer thuộc vận đơn số CSPU31218880 ngày 9/6/2013 hiện đang trong kho
ngoại quan của Công ty Sao Bắc theo quy định của Bộ luật hàng hải và thông lệ
quốc tế. Thực tế cho đến nay cũng không có cá nhân, tổ chức nào tranh chấp
quyền sở hữu đối với lô hàng nêu trên.
Sau khi bị
khởi kiện các đại diện theo ủy quyền của người bị kiện đã nại ra lý do không
chấp nhận các giấy tờ liên quan Công ty Silk Road Inc, Công ty Camellia và ông
Loh Mun Sang là vì được hợp pháp hóa
lãnh sự tại Canada không phải ở Mexico.
Theo các văn
bản gửi Tòa án và tại phiên tòa các đại diện theo ủy quyền của Cục trưởng Cục
điều tra chống buôn lậu đề nghị không chấp nhận các tài liệu do Người khởi kiện
xuất trình (trong đó có giấy chứng nhận thành lập Công ty Silk Road, giấy chứng
nhận đổi tên thành Công ty Camellia, giấy ủy quyền toàn phần của ông Loh Mun
Sang...đã được hợp pháp hóa lãnh sự gửi cho Cục điều tra chống buôn lậu trước
khi ra quyết định tịch thu) vì lý do: các tài liệu này được lập tại nước Belize
nhưng lại được hợp pháp hóa lãnh sự tại Canada, theo người bị kiện thì để được
xem xét và công nhận sử dụng tại Việt nam thì các giấy tờ này phải được Bộ
ngoại giao Belize chứng nhận sau đó được Đại sứ quán Việt nam tại Mexico kiêm
nhiệm Belize hợp pháp hóa lãnh sự. Đề nghị này không có căn cứ để chấp nhận vì tại
Công văn số 2177/CV-LS-HPH ngày 28/7/2015 của Cục lãnh sự Bộ ngoại giao trả lời
văn bản hỏi của Công ty luật TNHH Hoàng Long về các giấy tờ do người khởi kiện
xuất trình cụ thể là “các giấy tờ đã được
Công ty A&P Intertrust Coporation lập tại Ontaio – Canada sau đó được Cơ
quan công chứng Canada xác nhận và Bộ ngoại giao, thương mại và phát triển
Canada chứng thực chữ ký của công chứng viên (Ronald N.Mark) của cơ quan công
chứng nói trên. Sau đó Đại sứ quán
Việt nam tại Canada hợp pháp hóa lãnh sự các giấy tờ này (chứng nhận chữ ký,
chức danh và con dấu của Bộ ngoại giao Canada) là phù hợp với quy định về trình
tự, thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự tại điểm 15d Nghị định 111/2011/NĐ-CP của
Chính phủ ngày 05/12/2011. ĐSQ Việt Nam tại Canada xác nhận đã làm thủ tục hợp
pháp hóa những giấy tờ trên vào ngày 21/11/2013 và ngày 06/4/2015”. Sự thừa
nhận đã nhận được các giấy tờ pháp nhân của Công ty Camellia (tên cũ là Silk
Road) như nêu trên đã chứng minh lý do để ra quyết định tịch thu lô hàng thuộc
vận đơn CSPU1321880 ngày 9/6/2013 là không đúng quy định của khoản 4 điều 126
Luật XLVPHC và khoản 2 điều 23 Nghị định 127.
+Tại phiên tòa các đại diện của người bị
kiện vẫn cố gắng chứng minh rằng Pháp lệnh XLVPHC mới là văn bản quy phạm pháp
luật được áp dụng để tịch thu lô rượu thuộc vận đơn CSPU1321880. Giả sử có áp
dụng Pháp lệnh XPVPHC và các văn bản dưới luật (Nghị định 97 và Nghị định 18)
thì Quyết định ngày 22/4/2015 của Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu cũng
vẫn không hợp pháp vì không tuân theo trình tự thủ tục theo điều luật quy định
tôi xin chứng minh như sau:
Tại điều 1
Quyết định ngày 22/4/2015 có nội dung (trích nguyên văn): “Tịch thu tang vật gồm: 38 kiện rượu Martell Cordon Bleu (100cl/chai, 12
chai/kiện, 40%) và 331 kiện rượu Remy Martin VSOP (100cl/chai, 12 chai/kiện,
40%), xuất xứ Pháp, thuộc vận đơn số CSPU3121880 ngày 09/6/2013.
Lý do: hàng hóa không xác định được chủ sở hữu, quy định
tại Khoản 4 Điều 61 Pháp lệnh xử lý vi phạm năm 2002 (đã được sửa đổi bổ sung
năm 2008) và Khoản 2 Điều 35 Nghị định số 97/2007/NĐ-CP ngày 07/6/2007 của
Chính phủ quy định việc xử lý vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết
định hành chính trong lĩnh vực hải quan (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định
số 18/2009/NĐ-CP ngày 18/02/2009 của Chính phủ).
(i)
Chứng minh không thực hiện đúng khoản 4 điều 61 Pháp lệnh về XLVPHC năm 2002 sửa
đổi bổ sung năm 2008
Điều 61 của Pháp lệnh về XLVPHC là điều luật
quy định về Xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Tại khoản 4 quy
định như sau:
“Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành
chính, trừ tang vật, phương tiện quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này, mà không biết rõ chủ sở hữu, người
quản lý, người sử dụng hợp pháp hoặc những người này không đến nhận thì người
có thẩm quyền tịch thu phải thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng
và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tịch thu;
trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày thông báo được niêm yết công khai, nếu không xác định được chủ sở hữu,
người quản lý, người sử dụng hợp pháp hoặc những người này không đến nhận thì
người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm
để xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này”.
Điều luật trên quy
định chặt chẽ trình tự, thủ tục để ban hành quyết định tịch thu tang vật bị coi
là vi phạm hành chính bao gồm các bước:
Bước 1: Trước hết phải xác định
tính chất của tang vật: Căn cứ điều này thì có 2 trường hợp được áp dụng điều
này gồm:
-
Tang vật mà không biết rõ chủ sở hữu, người
quản lý, người sử dụng hợp pháp (lưu ý luật sử dụng cụm từ “không biết rõ”).
-
Tang vật biết rõ chủ sở
hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp nhưng những người này không đến nhận.
Bước 2:Tiếp theo nếu tang vật
thuộc 1 trong 2 trường hợp nêu trên thì người có thẩm quyền tịch thu phải thông
báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại trụ sở cơ quan của
người có thẩm quyền trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo.
Bước 3: Sau bước này nếu “không xác định được” chủ sở hữu,
người quản lý, người sử dụng hợp pháp (lưu ý luật sử dụng cụm từ “không xác
định được rõ”) hoặc những người này không đến nhận, thì mới đến thời điểm người
có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật để xử lý theo quy định tại
khoản 1 Điều này.
Căn cứ vào các tài
liệu có trong hồ sơ vụ án thì lô rượu thuộc vận đơn không thuộc trường hợp quy
định tại khoản 4 điều 61 Pháp
lệnh vì: giả sử cứ cho là chưa xác định được Công ty Silk Road có phải chủ sở
hữu hay không thì vẫn xác định được
người quản lý đó là Công ty Sao Bắc- căn cứ Hợp đồng thuê kho ký giữa
Công ty Silk Road và đã được Hải quan cảng Cái lân cho phép nhập kho ngoại quan
của Công ty Sao Bắc.
(ii) Chứng minh lô hàng thuộc vận đơn
CSPU3121880 ngày 9/6/2013 không thuộc quy định tại điều 35 Nghị định 97 sửa đổi
bổ sung bằng Nghị định 18 (có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 5 năm 2009):
Thực tế Nghị định
18 giữ nguyên không sửa đổi bổ sung điều 35 của Nghị định 97- đây là điều luật
có tiêu đề: “Xử lý
đối với trường hợp hàng hoá nhập khẩu quá thời hạn làm thủ tục hải quan hoặc
buộc phải đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc phải tái xuất”.
Căn cứ hồ sơ thể hiện ngày 21/6/2013 lô hàng được
nhập kho ngoại quan của Công ty Sao Bắc, ngày 22/6/2013 Công ty Sao Bắc làm thủ
tục xuất toàn bộ lô hàng đến cửa khẩu Móng Cái để giao cho khách hàng theo Thư
ủy quyền của chủ hàng –Công ty Silk Road nhưng không được Hải quan Cảng Cái Lân
chấp nhận vì lý do Đội 1 tạm giữ hàng để kiểm tra bộ hồ sơ mở tờ khai số 313.
Đến ngày 14/10/2013 thì bị Cục điều tra chống buôn lậu ra quyết định tạm dừng
thủ tục hải quan đối với lô hàng. Ngày 24/10/2013 Cục điều tra chống buôn lậu
ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 14/QĐ-ĐTCBL và chuyển cho Cơ quan điều
tra C46. Ngày 22/10/2014 Cơ quan điều tra ra Quyết định số 09/C46-P10 đình chỉ
điều tra vụ án hình sự và chuyển hồ sơ lại cho Cục điều tra chống buôn lậu.
Ngày 25/12/2014 Cục điều tra chống buôn lậu nhận lại hồ sơ và ngày 22/4/2015 ra
quyết định tịch thu lô hàng.
Căn cứ khoản
3 điều 24 Nghị định 154 quy định “thời
hạn thuê kho ngoại quan không quá 365 ngày kể từ ngày hàng hóa được gửi vào kho”.
Khoản 4 điều này quy định “quá thời hạn
90 ngày kể từ ngày hết hạn hợp đồng mà chủ hàng không ký hợp đồng gia hạn hoặc
không đưa hàng ra khỏi kho ngoại quan thì Cục hải quan thanh lý hàng hóa gửi
trong kho ngoại quan theo quy định của pháp luật”.
Như vậy
việc lô hàng thuộc vận đơn CSPU3121880 ngày 96/2013 bị lưu giữ tại kho ngoại
quan của Công ty Sao Bắc quá thời hạn không phải lỗi của Công ty Silk Road và
không thuộc trường hợp quy định tại điều 35 Nghị định 97.
Gỉa sử
lô hàng có thuộc quy định tại điều 35 như nêu trên thì quyết định tịch thu hàng
cũng không thể hợp pháp vì không thực hiện theo đúng trình tự thủ tục quy định
tại khoản 2 điều này. Cụ thể:
Khoản 2
điều 35 quy định:
““2. Trường hợp không
xác định được chủ sở hữu của tang vật, phương tiện vi phạm, người có thẩm quyền quy định tại các khoản 2, 3 và
4 Điều 28 Nghị định này phải thông báo về việc này trên phương tiện thông tin
đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở Hải quan. Sau thời hạn 30 (ba mươi)
ngày, kể từ ngày thông báo mà vẫn
không có người đến nhận thì người có thẩm quyền quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 28 Nghị định này phải ra quyết định
tịch thu hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm theo quy định”.
Căn cứ vào các bước quy định tại
khoản 4 điều 61 Pháp lệnh thì áp dụng khoản 2 điều 35 Nghị định 97 là sau bước
thứ 1 và bước 2.(Lưu ý lúc đó đã xác định được chủ sở hữu và người quản lý lô
hàng rồi).
Điều luật này có 2 vế tương ứng
với 2 điều kiện: Vế 1: từ “Trường hợp đến Hải quan” là điều kiện “không xác
định được chủ sở hữu của tang vật vi phạm” và vế 2 từ “Sau thời hạn đến hết
câu” là điều kiện “mà vẫn không có người đến nhận”.
Giả sử thỏa mãn
điều kiện “không xác định được chủ sở hữu” (vì người bị kiện cho là đã được
Công ty Sao Bắc chuyển thư của ông Loh đến nhưng vì tên là Công ty Camellia chứ
không phải là Silk Road như trên vận đơn) thì cũng không thỏa mãn điều kiện “mà
vẫn không có người đến nhận” bởi vì cụm từ
“không có người đến nhận” bao gồm 3 chủ thể quy định tại khoản 4 điều 61
Pháp lệnh đó là: “chủ sở hữu, người quản
lý, người sử dụng hợp pháp” thì ở đây Công ty Sao Bắc chính là người quản
lý đã đến nhận hàng.
Mặt khác trong điều
luật có câu “đến nhận” phải được hiểu
là tang vật vi phạm đó “không nằm trong
sự quản lý” của chủ thể nhưng trong trường hợp này thì lô hàng đang nằm
trong sự quản lý của Công ty Sao Bắc.
Ngoài ra sau thời
điểm ngày 30/12/2014 trong thời gian 30 ngày quy định thì ông Loh Mun Sang đại
diện cho Công ty Camellia –với tư cách là chủ sở hữu lô hàng đã sang VN đến
nhận sở hữu và cung cấp các tài liệu chứng minh chủ sở hữu.
Kết luận: Do đó các tình tiết này
chứng minh lô hàng thuộc vận đơn nói
trên không thỏa mãn các điều kiện để ra quyết định tịch thu tang vật vi phạm
theo quy định tại khoản 2 điều 35 Nghị định 97.
Đề nghị của luật sư
Căn cứ vào
phân tích nêu trên tôi đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Loh Mun
Sang đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện tuyên hủy hai quyết định số 01
ngày 6/2/2015 và ngày 22/4/2015 vì không hợp pháp; buộc Cục điều tra chống buôn
lậu trả lại hồ sơ để Công ty Sao Bắc làm thủ tục tái xuất lô hàng trả lại cho
Công ty Camellia Trading International Inc (tên cũ là Công ty Silk Road Inc).
Xin trân
trọng cảm ơn!
Hà nội, ngày 19 tháng 01 năm 2016.
Luật sư
Phan Thị
Hương Thủy
* Quyết định hành chính số 01/QĐ-ĐTCBL ngày 06/02/2015, số 01/QĐ-ĐTCBL ngày 22/4/2015 của Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu và Thông báo tìm chủ sở hữu lô hàng
* Một số bức ảnh chụp quang cảnh phiên tòa