Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ những nội dung cơ bản về quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Ông Tô Hữu Nghiễm, Chủ tịch MTTQ phường Bách Khoa đưa ra quan điểm về Chương I - Về chế độ chính trị, đề nghị giữ câu "nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và nhân dân" trong Điều 3, Hiến pháp năm 1992 và ghi vào Điều 3 của bản Dự thảo sửa đổi để thể hiện việc "đảm bảo và phát huy quyền làm chủ của nhân dân". Ông Nghiễm đề nghị có quy định Tổng Bí thư được ứng cử Đại biểu Quốc hội và ứng cử Chủ tịch nước để Quốc hội bầu vào chức danh Chủ tịch nước. Như vậy sẽ kết hợp được ý Đảng lòng dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đối nội, đối ngoại.
Đại diện cho tiếng nói nhân dân tham gia góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Luật sư - Tiến sỹ Phan Thị Hương Thủy, đại diện đoàn Luật sư Hà Nội, ủy viên ban Tư vấn dân chủ pháp luật MTTQ quận cho biết: Khi xác định "Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức" (Điều 2) thì chúng ta cần thấy rằng: 20 năm qua, thực hiện chính sách đổi mới ở nước ta đã xuất hiện tầng lớp doanh nhân, đã và đang phát huy tác dụng trong phát triển kinh tế - xã hội. Vậy Hiến pháp sửa đổi nên thêm tầng lớp doanh nhân vào nền tảng của sự liên minh.
Bà Ngô Thị Ngọc Bích, Chủ tịch MTTQ quận Hai Bà Trưng ghi nhận, tiếp thu những ý kiến góp ý thẳng thắn của các đại biểu và cho biết, những ý kiến đó sẽ được MTTQ quận tập hợp và gửi lên cấp trên.
N. Phượng