Ngày cập nhật: 30/07/2014
Gần đây, quy định phù hợp cho tội phạm “ngáo đá” là một trong những đòi hỏi mà cuộc sống đang đặt ra với luật pháp.....
Pháp luật không nên chiếu cố
Dưới góc độ khoa học, “ngáo đá” có thể được xem là một triệu chứng thuộc phạm vi nghiên cứu của tâm thần học, thể hiện qua hiện tượng ảo giác. Hay nói như GS.TS La Đức Cương, Viện trưởng Viện Tâm thần Trung ương, vì ma túy đá là một loại ma túy cực độc, tác dụng trực tiếp vào bộ não, gây kích thích thần kinh trung ương và có thể tạo ảo giác kéo dài tới 3 ngày cho người dùng nó, nên người sử dụng ma túy đá (ngáo đá) hoang tưởng ảo giác sẽ nảy sinh những nghi ngờ, ghen tuông… và thực hiện hành vi nguy hiểm, man rợ, mất nhân tính.
Đồng quan điểm với GS.TS La Đức Cương, TS Ngô Văn Vinh, Viện trưởng Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương, cũng cho rằng, người “ngáo đá” có triệu chứng của tâm thần dưới góc độ của khoa học. Nhưng “dưới góc độ pháp luật, “ngáo đá” chính là hậu quả của hành vi sử dụng ma túy gây ảo giác”.
Ảnh minh họa
Theo ông Vinh, Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương chưa giám định một trường hợp “ngáo đá” nào nên tạm thời chưa có nghiên cứu chi tiết. Tuy nhiên, một khi đã xác định đây chính là hậu quả của hành vi sử dụng ma túy gây ảo giác thì phải giám định rất kỹ để đánh giá được việc sử dụng ra sao, mức độ ảnh hưởng thần kinh đến đâu.
“Sở dĩ phải làm vậy vì theo quan điểm của tôi, một khi pháp luật đã có quy định về trường hợp người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, thì “ngáo đá” cũng không loại trừ.
Hay nói cách khác, “ngáo đá” dù gây hoang tưởng tâm thần nhưng không phải là tình tiết giảm nhẹ. Pháp luật nhất thiết không nên chiếu cố cho tội phạm “ngáo đá” để tránh việc kẻ xấu lách luật gây tội ác”, ông Vinh chia sẻ.
"Không cần điều luật mới, chỉ cần hướng dẫn bổ sung"
Đó là quan điểm của nhiều luật sư trước câu hỏi “có cần xây dựng điều luật cho tội phạm ngáo đá”.
Theo Luật sư Phan Thị Hương Thủy, Công ty Luật TNHH Hoàng Long, tuy luật chưa quy định đích danh về việc phạm tội trong tình trạng “ngáo đá” nhưng trạng thái tinh thần do “ngáo đá” gây ra chính là hậu quả của việc phê ma túy, chứ không phải mất năng lực hành vi dân sự như đã được quy định trong luật.
“Vì thế, phạm tội trong tình trạng “ngáo đá” là tình tiết tăng nặng, thay vì giảm nhẹ như nhiều người nghĩ. Vì thứ nhất, “đá” chính là một dạng ma túy bị pháp luật cấm sử dụng; thứ hai, người “ngáo đá” là người tuy ý thức được việc mình đang có hành động vi phạm luật (sử dụng ma túy) nhưng vẫn cố tình thực hiện. Để thuận tiện cho việc xét xử hành vi này, tôi nghĩ cần sớm có văn bản dưới luật để hướng dẫn chi tiết hơn. Đây cũng là việc làm để pháp luật luôn cập nhật với thực tiễn cuộc sống”, Luật sư Hương Thủy phân tích.
Tương tự, Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Văn phòng Luật sư Hồng Bách, cho rằng, việc sử dụng rượu, ma túy hoặc dùng các chất kích thích khác đều ảnh hưởng nhất định, làm hạn chế, thậm chí loại trừ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của con người.
Tuy nhiên, những người sử dụng rượu, ma túy hoặc các chất kích thích đã tự đặt mình vào tình trạng say rượu, chịu tác động tiêu cực của các chất kích thích. Họ không chỉ có lỗi đối với tình trạng hạn chế hoặc mất năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi của mình, mà còn có lỗi đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng say rượu hoặc chịu tác động của các chất kích thích do mình thực hiện. Do đó, Điều 14 Bộ luật Hình sự quy định: “Người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”
http://baophapluat.vn/y-kien-ban-doc/xu-phat-toi-pham-ngao-da-can-luat-rieng-177957.html