Cần có biện pháp bảo toàn tài sản của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản

Ngày cập nhật: 04/07/2014
Góp ý của Văn phòng luật sư Hoàng Long: Cần có biện pháp bảo toàn tài sản của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản

Luật phá sản doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là Luật phá sản) lần dầu tiên được ban hành vào năm 1993. Qua 10 năm thực hiện cho thấy hiệu quả của văn bản luật này hầu như rất ít. Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao thì trong năm 2001 chỉ thụ lý 6 vụ, tồn của năm 2000 là 4 vụ. Tổng cộng có 10 vụ. Còn năm 2002 có 8 vụ tuyên bố phá sản doanh nghiệp được thụ lý trong đó: Không mở thủ tục: 01 vụ, tuyên bố phá sản: 5 vụ và tạm đình chỉ là 1 vụ. Chính ngành tòa án cũng đã nhận định rằng: "Các doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản không ít, nhưng yêu cầu tuyên bố phá sản tại tòa án thì ngày càng ít đi" (trích Báo cáo tổng kết ngành tòa án năm 2001). Do nhiều vướng mắc cho nên Luật phá sản chưa thực sự trở thành một công cụ pháp lý quan trọng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của giới chủ nợ, thúc đẩy hoạt động kinh doanh có hiệu quả bằng biện pháp phục hồi/tái tổ chức doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán, có lúc còn là tiềm ẩn phát sinh tội phạm hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Có nhiều vấn đề cần phải bổ sung, sửa đổi nhằm mục đích làm cho luật phá sản trở thành đạo luật quan trọng trong hoạt động kinh doanh, góp phần bảo vệ trật tự kỷ cương xã hội, làm lành mạnh môi trường kinh doanh. Trong giới hạn bài viết này chúng tôi xin đóng góp 1 vấn đề liên quan đến biện pháp bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp chủ nợ khỏi bị thiệt hại bởi các hành vi tẩu tán tài sản của doanh nghiệp con nợ. Cụ thể là điều 47 trong dự thảo Luật phá sản (sửa đổi). 

Đây là là một trong những điều khoản mới được bổ sung, không có trong Luật phá sản hiện hành do đó đã không đảm bảo được quyền lợi hợp pháp cho các chủ nợ. Nội dung của nó là quy định các giao dịch của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản sẽ bị coi là vô hiệu nếu được thực hiện trong khoảng thời gian là 3 tháng trước ngày tòa án thụ lý đơn yêu cầu giải quyết phá sản như: Tặng, cho động sản và bất động sản. thanh toán hợp đồng song vụ mà nghĩa vụ lớn hơn phần của bên kia, thanh toán các khoản nợ chưa đến hạn, thực hiện thanh toán thế chấp cầm cố cho các khoản phát sinh trước đó, và bất kỳ giao dịch nào có mục đích tẩu tán tài sản. Chúng tôi đánh giá đây là một trong những quy định có ý nghĩa quan trọng mà luật sửa đổi đã khắc phục sự kém hiệu quả của luật phá sản hiện hành. 

Một thực tế mà ai cũng biết là ở Việt Nam chúng ta chỉ nắm được con số các doanh nghiệp mới thành lập. Còn chịu không nắm được con số doanh nghiệp đang hoạt động và nhất là có bao nhiêu doanh nghiệp chấm dứt hoạt động vì bị phá sản. Đây cũng là 1 trong những nguyên nhân làm cho Luật phá sản doanh nghiệp tuy được ban hành từ năm 1993 nhưng ít được áp dụng. Trong số các vụ tuyên bố phá sản có vụ không phải doanh nghiệp con nợ lâm vào tình trạng phá sản mà là chây ỳ không thi hành án. Do vậy đơn vị phải thi hành án đành phải mượn con đường yêu cầu tòa án tuyên bố phá sản để đơn vị này ( 1 doanh nghiệp của nhà nước) phải trả nợ để được tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường. ( Vụ Công ty thực phẩm công nghệ Hải phòng yêu cầu tòa kinh tế Hà Nội giải quyết phá sản đối với Công ty hỗ trợ sản xuất và du lịch thương mại (doanh nghiệp công ích thuộc Công đoàn ngành thương mại) trong các năm 2000 -2002). Nhưng trường hợp này cũng rất hãn hữu vì theo quy định của Luật công ty trước đây cho phép quyền tự do thành lập doanh nghiệp và không hề kiểm tra nguồn tài sản đưa vào tạo thành vốn điều lệ của doanh nghiệp. Do đó phần lớn các công ty trách nhiệm hữu hạn đã sử dụng chiến thuật "ve sầu lột xác" để khỏi phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ bằng cách chuyển tài sản và vốn để thành lập 1 công ty mới, để lại công ty cũ với các khoản nợ . Tuy nhiên cũng không phải doanh nghiệp nào cũng thành công trong việc sử dụng Luật phá sản thành công cụ để khỏi thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Ví dụ như trường hợp Công ty XNK Kim Liên tại Hải phòng cũng đã nộp đơn xin tuyên bố phá sản để khỏi phải trả nợ cho Công ty VIDAMCO, nhưng đã bị tòa kinh tế Hải phòng từ chối thụ lý vì xác định việc không trả nợ là do chây ỳ chứ không phải mất khả năng thanh toán như quy định của Luật phá sản. 

Chúng tôi thấy ý nghĩa tích cực của việc bổ sung điều 47 vào Luật sửa đổi ở chỗ: Trong hoạt động kinh doanh hiện tượng doanh nghiệp bị phá sản rồi chấm dứt hoạt động là chuyện bình thường. Bởi vì kinh doanh không phải bao giờ cũng đưa lại lợi nhuận. Nhưng không phải lúc nào sự phá sản của doanh nghiệp cũng là hệ quả tất yếu của quy luật kinh tế mà cũng có trường hợp có sự xếp đặt vì mục đích không lành mạnh như là trốn tránh nghĩa vụ đối với chủ nợ, đôi khi còn có tính chất hình sự. Do đó để ngăn chặn các trường hợp phá sản không thực chất, nhà nước cần có sự điều chỉnh bằng luật phá sản để quy định trình tự và điều kiện nộp đơn yêu cầu giải quyết phá sản, xác định nghĩa vụ về tài sản và các biện pháp bảo tòan tài sản trong thủ tục tài sản.... Chúng tôi thấy rằng luật phá sản doanh nghiệp hiện hành không kiểm soát được tình trạng trốn tránh nghĩa vụ trả nợ của các doanh nghiệp con nợ, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp chủ nợ thậm chí khi đã có bản án của toà án. Chúng tôi xin lấy 1 ví dụ điển hình: Đó là trường hợp của Công ty liên doanh ô tô Việt Nam -Daewoo (Công ty VIDAMCO) bán xe ô tô cho 1 công ty trách nhiệm hữu hạn (Công ty Thương mại Quốc Hiếu, trụ sở tại 122 Triệu Việt Vương) để kinh doanh taxi, đến hạn bên mua không trả nợ được thế là Công ty VIDAMCO khởi kiện. Trong khi tòa án đang giải quyết vụ kiện tranh chấp kinh tế thì chủ sở hữu Công ty Quốc Hiếu đã rút hết vốn để thành lập 1 doanh nghiệp mới song song với việc giải quyết tại tòa án. Khi có bản án của tòa án năm 2001, Cơ quan thi hành án vào cuộc. Sau một thời gian điều tra thi hành án, Công ty VIDAMCO nhận được văn bản của Phòng thi hành án Hà Nội trả lại đơn yêu cầu thi hành án vì đơn vị phải thi hành án đã lâm vào tình trạng phá sản (không có tài sản, tiền mặt và bản thân không hoạt động). Tuy biết rất rõ công ty này không hề phá sản nhưng Công ty VIDAMCO không thể làm gì được hơn và cũng chẳng yêu cầu tòa án giải quyết phá sản vì biết rằng sẽ chẳng có kết quả gì lại phải mất thêm lệ phí giải quyết phá sản, mất thêm thời gian. Bởi theo quy định của Luật phá sản hiện hành tuy doanh nghiệp đã hoàn tòan mất khả năng thanh toán, chẳng có lấy 1 tài sản nào, thế nhưng Hội nghị chủ nợ (tuy chỉ có 1 chủ nợ) vẫn phải họp và thông qua phương án, phân chia giá trị tài sản doanh nghiệp ( điểm 6 điều 37 Luật phá sản). Quy định này quả là hình thức và không giải quyết được gì cho các chủ nợ. Theo chúng tôi đối với những trường hợp này thì tòa án có thể tuyên bố phá sản luôn theo yêu cầu của Hội nghị chủ nợ để khỏi mất thêm thời gian. 

Để khắc phục thiếu sót của Luật hiện hành ngăn chặn doanh nghiệp con nợ tẩu tán tài sản, chúng tôi thấy dự thảo Luật đã bổ sung chương IV quy định các biện pháp bảo toàn tài sản. Cụ thể bổ sung một loạt các điều khoản mới như: điều 47,48,49, 50, 51,52 và các điều khác. Trong đó có điều 47 là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn. Điều luật này quy định về một số giao dịch như: thế chấp, cầm cố,...phát sinh trong khoảng thời gian 3 tháng trước khi tòa án thụ lý yêu cầu phá sản doanh nghiệp bị coi là vô hiệu nếu có đơn yêu cầu. 

Với quy định mới này sẽ tránh được các hành vi tẩu tán tài sản của doanh nghiệp con nợ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp chủ nợ, củng cố niềm tin cho doanh nghiệp yên tâm chờ đợi tòa án ra phán quyết. Bởi vì theo quy định hiện hành chỉ khi có bản án của tòa án, cơ quan thi hành án ra quyết định thi hành và đồng thời ra quyết định phong tỏa tài sản. Lúc đó doanh nghiệp mới không có quyền tẩu tán tài ản. Do thủ tục tố tụng kinh tế quá dài nên đã tạo cơ hội cho con nợ tẩu tán tài sản bằng nhiều con đường hợp pháp thông qua các giao dịch dân sự. Tuy pháp luật tố tụng kinh tế có quy định quyền được yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với doanh nghiệp con nợ. Nhưng vì nhiều lý do nên quy định này hãn hữu mới được áp dụng bởi động chạm đến nhiều đối tượng khác (ví dụ người lao động trong doanh nghiệp), mặt khác nhiều thẩm phán có tâm lý không muốn ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vì không muốn chịu trách nhiệm nếu có sự cố gì xảy ra. 

Tuy điều 47 của dự thảo luật có tác dụng như vừa trình bày, nhưng chúng tôi thấy có mặt chưa ổn. Đó là sự quy định về thời gian chỉ là trong vòng 3 tháng trước khi tòa án thụ lý đơn yêu cầu giải quyết phá sản. Quy định thời gian này rất dễ làm vô hiệu hóa quy định tiến bộ của việc ngăn chặn các hành vi tẩu tán tài sản bởi thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, dân sự thậm chí thời gian để tòa án xem xét chấp nhận đơn yêu cầu giải quyết phá sản thường rất lâu. Do đó chúng tôi thấy rằng không nên quy định về thời gian mà nên quy định có tính nguyên tắc là: mọi hành vi tẩu tán tài sản có thể bị coi là vô hiệu tại bất cứ giai đoạn nào sau thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả nợ của doanh nghiệp con nợ. Có nghĩa là kể cả trước khi bắt đầu thủ tục giải quyết phá sản ví dụ như nếu doanh nghiệp có hành vi tẩu tán tài sản trước khi bị khởi kiện ra tòa kinh tế thì giao dịch này cũng có thể bị coi là vô hiệu nếu chứng minh được là nhằm mục đích tẩu tán tài sản. Bởi vì theo quy định của pháp luật tố tụng kinh tế nếu trong quá trình giải quyết vụ án mà toà án (kinh tế) phát hiện doanh nghiệp đó lâm vào tình trạng phá sản thì vụ tranh chấp kinh tế sẽ bị tạm đình chỉ để giải quyết theo trình tự thủ tục của Luật phá sản (điểm e khoản 1 điều 38 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế). Việc không quy định thời gian sẽ làm tăng thêm hiệu quả của điểm đ của điều 47. Chúng toi thấy rằng điểm đ điều 47 là quy định có tính dự báo, có tác dụng ngăn chặn tất cả các giao dịch nhằm mục đích tẩu tán tài sản. Với quy định này hoàn tòan có thể ngăn chặn được cả hành vi thành lập doanh nghiệp mới bằng việc rút tài sản của doanh nghiệp đang tồn tại (như trường hợp của Công ty Quốc Hiếu trước đây). Quy định này sẽ là được coi như là một trong số các công cụ hữu hiệu bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp chủ nợ trên thực tế. Đó cũng là góp phần để đưa Luật phá sản doanh nghiệp (sửa đổi) có hiệu quả áp dụng cao trong tương lai. 

Văn phòng luật sư Hoàng Long- Công ty luật Hoàng Long

http://www.vibonline.com.vn/vi-VN/Forum/TopicDetail.aspx?TopicID=389