Có thể thấy tình trạng này chủ yếu là do sự bất cập của luật pháp.
>> Truy xét nhóm trộm chó bắn chết 3 thanh niên
>> Trộm chó làm chết ba người: 3 con chó bán 960.000 đồng
Theo Bộ luật hình sự hiện hành, tội trộm cắp chỉ hình thành nếu tài sản bị trộm có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng... nên những kẻ trộm chó cùng lắm chỉ bị xử lý hành chính. Trong khi đó, đối với đa số người dân bị mất trộm, chó không phải là tài sản thông thường mà là vật nuôi yêu quý. Từ đó dẫn đến việc người dân bức xúc cùng nhau đánh chết kẻ trộm hoặc bị kẻ trộm hại chết khi truy đuổi theo giành lại chó.
Giải quyết vấn đề này như thế nào? Trang Pháp luật xin giới thiệu ý kiến của nhiều người, ở những tầng lớp xã hội khác nhau.
* Ông Phạm Hải Lý (thôn Phú Hữu, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, TP Hà Nội):
Con chó là giá trị tinh thần
Tháng 1-2013, sáu người dân quê tôi (thôn Phú Hữu) đã bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội kết án về tội giết người khi đánh chết kẻ trộm chó. Vụ việc như sau: tối 5-9-2011, hai người dân đi chơi về phát hiện hai kẻ trộm chó nên đã tri hô, cả làng lao ra đánh chết một kẻ trộm, còn một người trốn thoát. Cả làng có nhiều người đánh nhưng sáu người bị truy tố về tội giết người. Người lãnh mức án thấp nhất là 3 năm tù, người án cao nhất là 6 năm 6 tháng tù. Hiện nay đã có ba người chấp hành án tù xong nhưng nhắc lại vụ án này, người dân quê tôi vẫn chưa hết bức xúc.
Với nông dân chúng tôi, con chó là một tài sản lớn, gắn bó với gia đình như một thành viên. Nó có giá trị về tinh thần. Chúng tôi đánh kẻ trộm chó là để bảo vệ tài sản của dân, của làng nhưng lại phạm vào tội giết người có tổ chức. Trước khi vụ việc xảy ra, ở quê tôi đã xảy ra nhiều vụ trộm chó, biết thủ phạm nhưng không xử lý được vì chính quyền nói giá trị tài sản thấp. Mất mãi thì bức xúc nên mới có chuyện cả làng ùa nhau ra đánh chết kẻ trộm, ai ngờ lại bị đi tù. Sáu bị cáo thì có đến ba người là anh em gia đình tôi. Qua vụ án này chúng tôi thấy pháp luật không công bằng. Vừa rồi tôi đọc báo thấy có ba thanh niên đuổi theo kẻ trộm chó bị kẻ trộm bắn bằng súng xung điện, ngã xe chết tại huyện Củ Chi (TP.HCM), chúng tôi rất bức xúc. Không biết những kẻ trộm này sẽ bị xử lý thế nào. Mong pháp luật có các biện pháp thật nghiêm minh để không còn những tên trộm chó, vì trộm chó là trộm giá trị tinh thần của con người.
* Bà Hồ Thị Phương Trinh (bác sĩ thú y):
Chó không phải là tài sản thông thường
Vấn nạn trộm chó ở An Giang đã xảy ra hàng chục năm nay. Người nuôi chó đã phải đơn độc đối đầu với các thủ đoạn của bọn trộm chó và đương nhiên phần thắng luôn nghiêng về bọn trộm. Tôi làm nghề thú y, đã phải chữa trị cho rất nhiều chú chó bị trộm bắt hụt. Các loại thương tích trên chó như phỏng điện, tét da, lòi mắt, gãy chân, dính mũi lao, trúng độc... đủ cả. Nhưng với chủ của các chú chó thì miễn cứu được chó cưng là được, dù có tàn tật còn hơn là bị làm thịt.
Có những người bị mất chó cưng thì đau lòng, tuyệt vọng như trường hợp của cậu bé dưới đây. Vào buổi chiều muộn có hai cha con đem tới cho tôi một chú chó bị thương nặng. Chú chó bị va đập mạnh trong khi bị bọn trộm bắt. Bị vây bắt, chúng bỏ lại chú chó để chạy thoát thân. Cậu bé chừng 10 tuổi ôm chú chó vừa khóc nghẹn ngào vừa năn nỉ: “Bác sĩ ơi ráng cứu nó”. Từ chiều tới tối cậu bé cứ ngồi khóc thút thít trong khi tôi cố cứu chữa cho chú chó. Tối khuya hai cha con ra về, gửi lại chú chó và một số tiền khá lớn để chữa cho nó. Người cha nói tôi cứ làm hết sức, miễn sao nó sống: “Con tui thương nó dữ lắm”. Sáng hôm sau cậu bé gọi điện thoại hỏi thăm rồi mới đi học. Đến trưa con chó chết. Tôi gọi điện thoại báo tin, cậu bé nhận điện thoại khóc ngất, nói bác sĩ chôn nó giùm con rồi cứ nức nở mãi không thôi.
Bọn trộm bắt được chó bán với giá chó thịt chỉ 40.000 đồng/kg, nhưng giá trị của con chó không thể tính bằng tiền. Một con chó bị bắt ăn thịt là một mất mát tinh thần khó bù đắp của người chủ chó. Giá trị của chú chó bị mất trộm, giết thịt vì thế không thể tính bằng tiền như những tài sản vô tri khác.
* Luật sư Phan Thị Hương Thủy (Đoàn luật sư TP Hà Nội):
Phải có biện pháp từ gốc rễ
Cách đây mấy năm, tôi có bảo vệ quyền lợi cho hai bị cáo đánh chết người trộm chó, bị truy tố và kết án về tội giết người. Có rất đông người dân đánh, mỗi người đạp một cái khiến tên trộm chó bị chết. Như vậy vấn đề đặt ra là xử lý việc đánh hội đồng như thế nào? Có trường hợp cả làng xông vào đánh trộm chó rồi cả làng nhận tội. Mỗi người đạp một cái là chết người nhưng công an lại chỉ xử lý một nhóm người, như vậy công an có bỏ lọt tội phạm?
Chúng ta cần có sự thay đổi pháp luật. Ở Việt Nam, bị mất chiếc ôtô, xe máy có khi không xót bằng mất con chó. Việc trộm chó là để giết ăn thịt, chứ không phải là trộm bình thường, vì vậy rất dễ dẫn đến việc người bị trộm bức xúc. Ngoài ra con chó là vật gần gũi, nhiều trường hợp là người bạn của gia đình.
Chúng ta nên có quy định đặc biệt để ngăn chặn hành vi này. Muốn giải quyết phải đi từ gốc rễ, phải tăng hình phạt vì đây không phải là loại trộm bình thường, mà vật bị trộm có giá trị tinh thần. Ngoài áp dụng pháp trị còn phải áp dụng nhân trị, đức trị như gửi tên trộm về địa phương để theo dõi, quản lý. Đưa vào luật trộm chó là tình tiết tăng nặng, xử phạt hành chính cao lên, đưa các vụ trộm chó ra xử lưu động...
* Ông Đỗ Văn Đương (ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội):
Cần bổ sung luật
Chúng ta rất đau lòng bởi vì đã nhiều lần phải chứng kiến những cái chết liên quan đến hành vi trộm chó, khi thì kẻ trộm chó bị đánh chết, khi thì người truy đuổi kẻ trộm chó bị chết thương tâm như vừa qua ở Củ Chi (TP.HCM). Tôi nghĩ thực tế đó buộc chúng ta phải suy nghĩ và thay đổi chính sách hình sự liên quan đến hành vi này.
Nếu xét về giá trị, đem định giá tài sản thì một con chó có thể không đến 1 triệu đồng, trong khi đó theo quy định của luật hiện hành thì tội trộm cắp tài sản chỉ bị xử lý hình sự khi tài sản bị trộm cắp được định giá từ 2 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, chó là con vật giữ nhà, “cảnh vệ” cho gia chủ và tài sản của gia chủ, thậm chí là “cảnh vệ” cho cả một vùng dân cư. Hơn nữa, chó cũng là vật nuôi gắn bó với gia chủ, không ít người thương con chó trung thành của mình và sẽ không bán với bất cứ giá nào. Như vậy, trộm chó là trộm một công cụ bảo vệ cho gia chủ, là đánh cắp cả tình thương mà gia chủ dành cho con vật nuôi trung thành, giá trị này không thể tính ra tiền. Do đó, để khắc phục tình trạng trên phải có chế tài đủ mạnh để răn đe, cần quy định riêng một khoản về “tội trộm chó” trong Bộ luật hình sự để phân biệt với tội trộm cắp tài sản khác.
TÂM LỤA - LÊ KIÊN ghi
Trộm chó lộng hành ở vùng ven TP.HCM “Từ tết đến giờ tôi đã mất cả hai con chó. Cả nhà vừa thương con vật của mình vừa căm giận bọn xấu!” - ông Hùng (ở tổ 16, ấp Tây Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP.HCM), buồn bã kể. Cách nhà ông Hùng vài căn, ông Huỳnh Văn Chánh cũng nhiều lần chứng kiến cảnh chó nhà ông trước đây cũng như chó hàng xóm bị bắn điện bằng súng tự chế rồi bắt đi mất: “Mình chạy bộ, nó chạy xe máy sao đuổi kịp. Mà bọn này liều mạng, sẵn sàng xử luôn nếu mình đuổi kịp”. Chị Nguyệt (ở ấp Tây Lân) nhẩm tính trong vòng sáu năm qua nhà chị mất hơn chục con chó. Trong đó có trường hợp chó nhà chị bị các tên trộm quăng thòng lọng siết cổ hoặc đánh bả, gần đây là chích điện bằng súng bắn điện tự chế. Còn bà T. tỏ ra sợ hãi khi kể lại chuyện giáp mặt hai thanh niên trộm chó vào khoảng ba tháng trước. Khi thấy một thanh niên nhào xuống ôm con chó rồi nhảy lên xe chạy vụt đi, bà T. vừa la vừa đuổi theo, đến đầu đường thì tiếng một thanh niên quay lại dọa: “Tôi bắn chết bà bây giờ!”. Ông N.V.N. (ở xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi) kể năm tháng trước nhà ông cũng bị mất trộm một con chó. Ông N. tâm sự: “Con chó này rất khôn. Nhà tôi nuôi bò sữa, mỗi khi bò có bệnh tật gì thì nó sủa như “báo” cho biết mà ứng cứu kịp thời. Mất con chó mà tôi buồn suốt mấy tháng. Nuôi nó từ hồi còn phải cho ăn trên tay. Bữa rày tôi ăn cơm cứ nghẹn ngang cổ vì không thấy con chó cưng của mình ngồi đợi cho nó ăn nữa!”. Trung tá Phan Văn Triết, trưởng Công an xã Tân Thạnh Đông (H.Củ Chi), cho biết năm 2013 công an xã truy bắt được ba vụ trộm chó với sáu nghi can, do chưa đủ yếu tố xử lý hình sự nên đều xử phạt hành chính, với mức phạt cao nhất là 1,5 triệu đồng. Đầu năm 2014, địa bàn xã xuất hiện hai điểm mua chó sống, công an xã đã tuyên truyền vận động chuyển đổi ngành nghề. Trong khi tuần tra, lực lượng phòng chống tội phạm của xã có phát hiện đối tượng trộm chó, nhưng các đối tượng này chạy xe với tốc độ cao và quăng lại súng tự chế, có đối tượng sử dụng cả ná thun bắn vào tổ tuần tra. Trao đổi với Tuổi Trẻ, trung tá Trà Văn Hon, đội trưởng đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an H.Củ Chi, cho biết địa bàn H.Củ Chi thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ trộm chó bằng dụng cụ chủ yếu là dùng súng bắn xung điện tự chế. Do tài sản là con vật nuôi bị mất trộm có giá trị không lớn, nên người dân không đến cơ quan công an trình báo. * Ông Nguyễn Văn Tâm (trú tại xóm Thái Thịnh, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết ngày 2-6 nhà ông vừa bị mất con chó lai (giống chó mẹo của người dân tộc thiểu số). “Mỗi năm nhà tôi mất 2-3 con. Chó nuôi vừa lớn lên là bị “câu” liền. Xóm trên ở xã Nghi Phong nối liền xóm dưới xã Nghi Thọ và hầu hết nhà nào ở xã này cũng đều bị cẩu tặc bắt mất chó” - ông Tâm bức xúc nói. Mấy hôm chó bị mất trộm liên tục, ông không xích mà chỉ nhìn nó nói: “Xuống bếp mà nằm, nếu không trộm bắt đó”. Thế là con chó ve vẩy đuôi xuống bếp tìm chỗ nằm. N.KHẢI - P.PHAN - M.PHƯỢNG - V.TOÀN |
------------------------------------