Bế tắc khi làm khai sinh cho con

Ngày cập nhật: 02/07/2014
Thêm một trường hợp người dân phản ảnh đi làm khai sinh cho con đã bị cán bộ tư pháp hướng dẫn phải có kết quả giám định ADN. Đó là câu chuyện của bà Huỳnh Thi A. (ngụ phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).

Bế tắc khi làm khai sinh cho con

02/07/2014 05:05 (GMT + 7)

TT - Thêm một trường hợp người dân phản ảnh đi làm khai sinh cho con đã bị cán bộ tư pháp hướng dẫn phải có kết quả giám định ADN. Đó là câu chuyện của bà Huỳnh Thi A. (ngụ phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội).
716283.jpg

Năm 2010, tôi gặp chồng tôi là anh L.H.. Khi đó tôi đã có một cháu trai, anh là người độc thân nên gia đình anh không đồng ý cho chúng tôi đến với nhau. Vì vậy chúng tôi không làm lễ cưới mà dọn về sống chung. Chồng tôi có hộ khẩu chung với gia đình em trai. Hộ khẩu này do gia đình em trai giữ mà gia đình lại phản đối chuyện hôn nhân của chúng tôi nên anh không mượn hộ khẩu để đăng ký kết hôn được.

Tháng 10-2012, tôi sinh con tại Bệnh viện Bạch Mai. Khi đó chồng tôi về lấy hộ khẩu ở nhà em trai để đăng ký khai sinh cho con thì cán bộ phường ở đây hướng dẫn phải về đăng ký khai sinh tại địa chỉ hộ khẩu người mẹ.

Đầu năm 2013, chồng tôi đến UBND phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng - là nơi tôi đăng ký thường trú - đăng ký khai sinh cho con. Cán bộ phường cho biết chúng tôi không có giấy đăng ký kết hôn nên không khai sinh được. Bốn tháng sau, chồng tôi xuất huyết não mất đột ngột.

Sau khi chồng mất, tôi nhiều lần đến UBND phường Minh Khai để đăng ký khai sinh quá hạn cho con nhưng cán bộ tư pháp yêu cầu giấy chứng tử của chồng tôi, giấy giám định ADN chứng minh cháu T. là con của chồng tôi mới có cơ sở làm khai sinh cho cháu. Tôi trình bày chồng tôi mất đã hỏa táng, con còn nhỏ, điều kiện kinh tế eo hẹp nên tôi không có điều kiện làm giám định ADN. Tôi có nộp kèm hồ sơ đăng ký khai sinh cho con ảnh hai bố con chơi đùa với nhau, chứng thực của tổ trưởng tổ dân phố và bà con lối xóm xác nhận tôi và anh H. chung sống, có con chung. Trong các lá đơn, bà con lối xóm đều xác nhận lúc còn sống anh H. rất thương con và mong sớm được khai sinh cho cháu để cháu đỡ thiệt thòi. Tuy nhiên, cán bộ phường vẫn không giải quyết. Họ yêu cầu phải có giám định ADN mới dễ giải quyết, trong khi chồng tôi chết đã hỏa táng thì việc giám định ADN với tôi khác nào hái sao trên trời!

Tháng 10 năm nay con tôi tròn 2 tuổi nhưng chưa được đăng ký khai sinh. Tôi không biết phải làm sao bây giờ?

HUỲNH THI A (42 tuổi)
T.L. ghi

Luật chưa có quy định

Mặc dù bà Huỳnh Thi A. khẳng định việc yêu cầu phải có kết quả giám định ADN mới khai sinh cho cháu là do cán bộ tư pháp phường yêu cầu chứ bà không thể nào tự nghĩ ra và cũng không có điều kiện để giám định ADN, nhưng trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Triệu Kim Dung, chủ tịch UBND phường Minh Khai, cho biết việc yêu cầu giám định ADN khi khai sinh cho cháu là do bà A. đề nghị và phường thấy hợp lý thì chấp thuận chứ UBND phường không yêu cầu (?).

Bà Dung nói: “Chúng tôi đã hướng dẫn chị A. nộp hồ sơ, giấy chứng sinh của cháu bé, giấy chứng tử của anh H. và các giấy tờ khác. Chúng tôi không yêu cầu chị A phải có kết quả giám định ADN để xác định cha cháu bé, nhưng nếu có kết quả giám định ADN xác định anh H. có phải là cha cháu bé hay không thì chúng tôi rất dễ giải quyết. Cuối tháng 6, sau khi nhận hồ sơ của chị A., chúng tôi báo cáo nhanh với Phòng Tư pháp quận Hai Bà Trưng thì Phòng tư pháp quận đã trả lời trường hợp này không khai sinh được. Vì con ngoài giá thú mà bố đã mất thì không thể xác định được cha cháu bé là ai, luật cũng chưa có quy định trong trường hợp này phải làm như thế nào. Vì thế trước mắt, chúng tôi sẽ làm công văn xin ý kiến chỉ đạo của Phòng tư pháp quận, phòng lại phải làm công văn xin hướng dẫn của Sở Tư pháp TP Hà Nội, sở lại phải xin hướng dẫn của Bộ Tư pháp nên thời gian giải quyết chắc chắn sẽ lâu”.

TÂM LỤA ghi

http://tuoitre.vn/Ban-doc/Nguoi-trong-cuoc/615521/be-tac-khi-lam-khai-sinh-cho-con.html