Có chuyện nhầm lẫn quy định pháp lý

Ngày cập nhật: 02/07/2014
Diễn biến tiếp theo của vụ việc "Khai sinh cho con phái giám định ADN?" đăng trên báo Tuổi trẻ......

Vụ “Khai sinh cho con phải giám định ADN?”:

Có chuyện nhầm lẫn quy định pháp lý

24/06/2014 05:14 (GMT + 7)

TT - Sau khi báo Tuổi Trẻ ngày 17-6-2014 phản ánh việc “Khai sinh cho con phải giám định ADN?”, chúng tôi nhận được ý kiến phân tích của một luật gia cho rằng ở đây có chuyện nhầm lẫn quy định pháp lý dẫn đến việc yêu cầu thêm thủ tục.

713690.jpg

Pháp luật Việt Nam hiện hành tạo mọi điều kiện cho trẻ em đều được đăng ký khai sinh ngay, kể cả trường hợp trẻ em bị bỏ rơi hay sinh ra ở nước ngoài. Hồ sơ thủ tục đăng ký khai sinh rất đơn giản nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người đi đăng ký khai sinh thực hiện quyền đăng ký khai sinh. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã nhầm lẫn các quy định pháp lý nên từ chối hay yêu cầu các thủ tục không cần thiết dẫn đến đứa trẻ sinh ra không thể đăng ký khai sinh.

Vụ việc đăng ký khai sinh cho con của bà Trịnh Thu L. (Hà Nội) cho thấy công chức tư pháp - hộ tịch phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chưa phân định quan hệ hôn nhân và quyền nhận con. Bà L. đã đăng ký kết hôn với người Đức theo quy định pháp luật về hôn nhân có yếu tố nước ngoài, nhưng việc bà L. đến đăng ký khai sinh cho con là yêu cầu độc lập không quan hệ đến cuộc hôn nhân giữa bà và người chồng Đức. Do đó công chức tư pháp - hộ tịch phường Đồng Tâm phải thụ lý giải quyết đăng ký khai sinh cho con bà L. theo giấy chứng sinh (vì giấy chứng sinh chứng minh bà L. là mẹ ruột của đứa trẻ) được quy định tại điểm 4, điều 1 nghị định 06/2012/NĐ-CP ngày 2-2-2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực.

Việc nhận con bà L. của “người chồng hiện nay” là phù hợp vì điểm 8, điều 1, nghị định 06 quy định việc nhận con được thực hiện nếu bên nhận, bên được nhận là cha, mẹ, con còn sống vào thời điểm đăng ký nhận cha, mẹ, con và việc nhận con là tự nguyện và không có tranh chấp giữa những người có quyền và lợi ích liên quan đến việc nhận con. Trong trường hợp này, bà L. và những người có quyền và lợi ích liên quan không tranh chấp việc nhận con thì yêu cầu nhận con của “người chồng hiện nay” cần phải được thụ lý và giải quyết. Việc yêu cầu các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ chứng minh việc nhận con từ công chức tư pháp - hộ tịch phường Đồng Tâm là cứng nhắc vì điểm b, khoản 1, điều 35 nghị định 158 chỉ yêu cầu xuất trình nếu có. Theo khoản 1, điều 34 nghị định 158 và điểm 9, điều 1 nghị định 06, trong thời hạn ba ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy việc nhận con là đúng sự thật và không có tranh chấp thì UBND cấp xã đăng ký việc nhận con. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá năm ngày.

Quan trọng trong hồ sơ này là việc phân biệt rõ quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài với việc đăng ký khai sinh và việc nhận con. Việc nhận con là quyền công dân được pháp luật bảo vệ nếu không có tranh chấp, quan hệ hôn nhân xác lập và chấm dứt khi được tòa án có thẩm quyền giải quyết, đăng ký khai sinh được giải quyết khi có yêu cầu và các thủ tục theo quy định. Không thể lấy việc bà L. đã kết hôn, chưa ly hôn mà hạn chế quyền nhận con của “người chồng hiện nay”. Yêu cầu phải có giám định ADN là thừa thủ tục và giải quyết không đúng quy định pháp luật.

Đối với tỉnh Đồng Tháp, qua thực hiện công tác hộ tịch cũng có rất nhiều trường hợp tương tự nhưng đã được giải quyết theo quy định. Việc nhận con được thực hiện nếu không có tranh chấp phát sinh tại thời điểm yêu cầu và không bao giờ đòi hỏi kết quả giám định ADN, vì kết quả giám định ADN chỉ là chứng cứ khi có tranh chấp yêu cầu xác định con do tòa án có thẩm quyền giải quyết.

Luật gia NGUYỄN THANH XUÂN (Đồng Tháp)

Không cần kết luận giám định ADN

Ngày 23-6, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã có công văn trả lời Tuổi Trẻ về trường hợp bà Trịnh Thu L. đăng ký khai sinh cho con bị UBND phường Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) buộc phải có kết quả giám định ADN để xác định cha cháu bé mới được khai sinh.

Theo các giấy tờ mà Sở Tư pháp TP Hà Nội hướng dẫn, việc khai sinh cho con của bà L. không cần phải có kết quả giám định ADN.

Theo Sở Tư pháp, nếu cháu bé được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân giữa bà L. với người chồng Đức thì cháu là con chung của hai vợ chồng. Cháu bé sẽ được đăng ký khai sinh tại Sở Tư pháp Hà Nội với tên cha là tên chồng chị L. trong giấy đăng ký kết hôn. Trong trường hợp bà L. đã ly hôn với người chồng tại Đức: bà L. hoặc người ủy quyền hợp pháp cần thực hiện thủ tục ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài tại Sở Tư pháp theo quy định tại thông tư số 16 năm 2012 của Bộ Tư pháp. Sau khi Sở Tư pháp xác nhận việc ly hôn, bà L. cần tiến hành thủ tục đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú kết hợp việc thực hiện đăng ký nhận cha cho con theo quy định tại khoản 3 điều 15 nghị định 158.

Theo Sở Tư pháp Hà Nội, khi đi đăng ký khai sinh cho con và làm thủ tục nhận cha cho con, bà L. cần mang theo các giấy tờ: chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người đi đăng ký hộ tịch để xác định về cá nhân người đó; sổ hộ khẩu, sổ đăng ký tạm trú (đối với công dân trong nước) hoặc thẻ thường trú, thẻ tạm trú, chứng nhận tạm trú (đối với người nước ngoài cư trú tại VN) để làm căn cứ xác định thẩm quyền đăng ký hộ tịch theo quy định. Trong trường hợp hồ sơ được gửi qua hệ thống bưu chính thì các giấy tờ quy định trên phải là bản sao có chứng thực, trường hợp nộp hồ sơ trực tiếp thì nộp bản sao các giấy tờ nêu trên nhưng phải có bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực. Khi đăng ký việc nhận cha, mẹ, con thì các bên cha, mẹ, con phải có mặt.

TÂM LỤA

http://tuoitre.vn/Ban-doc/Nguoi-trong-cuoc/613196/khai-sinh-cho-con-phai-giam-dinh-adn.html