Tôi kết hôn với chồng là người Đức tại Sở Tư pháp Hà Nội năm 2010. Vì không hợp nhau nên chúng tôi ly hôn năm 2012 tại Đức.
Sau đó tôi về Việt Nam sinh sống và lập gia đình mới. Vì quyết định ly hôn tại Đức bị mất nên tôi chưa đăng ký kết hôn với người chồng hiện nay.
Tháng 4-2014, tôi sinh con. Sau khi cháu đầy tháng, tôi đến UBND phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) làm thủ tục khai sinh cho con.
Hồ sơ tôi mang theo gồm chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy chứng sinh và tờ khai đăng ký việc nhận con của chồng tôi.
Sau khi kiểm tra hồ sơ lưu của tôi tại phường, cán bộ hộ tịch cho biết tôi đã kết hôn năm 2010 nên giờ khai sinh cho con phải kèm theo giấy đăng ký kết hôn, hoặc nếu đã ly hôn thì phải có quyết định ly hôn của tòa án.
Tôi trình bày với cán bộ hộ tịch tôi ly hôn ở Đức, do sơ suất đã làm mất quyết định ly hôn, giờ không có điều kiện sang Đức để trích lục nhưng phường vẫn yêu cầu tôi phải có giấy tờ này mới làm khai sinh được.
Phường còn hướng dẫn tôi trong trường hợp không trích lục được quyết định ly hôn thì phải đến Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng để nhờ tòa làm vụ án dân sự xin nhận cha cho con.
Tại thông báo trả lời đơn khiếu nại của tôi, UBND phường Đồng Tâm còn yêu cầu tôi phải có thêm kết quả giám định ADN mới được đăng ký khai sinh cho con.
Tôi tìm hiểu quy định về đăng ký và quản lý hộ tịch thì được biết việc khai sinh cho con chỉ cần giấy chứng sinh và đăng ký kết hôn nếu có.
Vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con, thì UBND cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.
Chồng tôi đã có tờ khai đăng ký nhận con tại UBND phường Đồng Tâm nhưng cán bộ phường vẫn không chấp nhận. Cứ như thế này tôi không biết phải làm sao mới có thể làm khai sinh cho con?
TRỊNH THU L. (Hà Nội) - TÂM LỤA ghi
Chưa làm khai sinh vì có vướng mắc
Bà Đặng Mỹ Hoa, cán bộ hộ tịch phường
Đồng Tâm, cho biết: Căn cứ theo quy định tại khoản 1 điều 15 nghị định
158/2005 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch thì người đi đăng ký
khai sinh phải nộp giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình giấy
chứng nhận kết hôn (nếu cha, mẹ của trẻ em có đăng ký kết hôn). Trong trường
hợp này bà L. đã đăng ký kết hôn nhưng không xuất trình được quyết định ly
hôn (với người chồng Đức - PV). Người đứng ra nhận cha cho cháu bé không xuất
trình được giấy tờ gì chứng minh là cha cháu bé mà chỉ có tờ khai nhận con.
Như vậy, hồ sơ của bà L. còn thiếu các giấy tờ, tài liệu chứng cứ để chứng
minh việc nhận con, cũng như không cung cấp được giấy tờ chứng minh tại sao
đã đăng ký kết hôn mà cha của cháu bé lại là một người khác.
Theo bà Hoa, tại điều 63 Luật hôn nhân
và gia đình năm 2000 thì căn cứ trên cơ sở tình trạng hôn nhân của người mẹ
để xác định cha cho con: con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ
có thai trong thời kỳ hôn nhân là con của hai vợ chồng. Từ thực tế của bà L.
và những căn cứ pháp lý viện dẫn ở trên nên UBND phường chưa làm khai sinh
cho cháu bé vì có những vướng mắc. UBND phường mong muốn bà L. sớm cung cấp
các giấy tờ như thông báo để phường có căn cứ làm khai sinh cho cháu bé.
|
Luật sư Phan Thị Hương Thủy (Đoàn luật sư TP Hà Nội):
Hồ sơ đã phù hợp quy định
Theo tôi, trường hợp bà Trịnh Thu L. có
căn cứ để đăng ký khai sinh cho cháu bé vì thuộc quy định tại khoản 1, khoản
3 điều 15 nghị định 158. Hồ sơ đăng ký khai sinh mà chị L. nộp tại UBND phường
Đồng Tâm đã phù hợp với quy định trên.
Khoản 1 điều 15 nghị định 158 quy định
các giấy tờ phải nộp khi đăng ký khai sinh cho con như sau: “Người đi đăng ký
khai sinh phải nộp tờ khai, giấy chứng sinh (theo mẫu quy định) và xuất trình
giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ em (nếu cha, mẹ trẻ em có đăng ký kết
hôn)”. Lưu ý quy định của từ “nếu” trong điều khoản: được hiểu là nếu có thì
xuất trình còn không có thì không bắt buộc phải xuất trình.
Việc bà L. không xuất trình được giấy
chứng nhận đăng ký kết hôn có thể hiểu là cháu bé sinh ra ngoài giá thú.
Khoản 3 điều 15 nghị định 158 quy định về khai sinh cho con ngoài giá thú như
sau: “Trong trường hợp khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không xác định
được người cha, thì phần ghi về người cha trong sổ đăng ký khai sinh và giấy
khai sinh để trống. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh có người nhận con,
thì UBND cấp xã kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh”.
Do vào thời điểm người mẹ nộp hồ sơ đăng
ký khai sinh có người nhận con nên UBND phường Đồng Tâm có trách nhiệm kết
hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh. Cũng lưu ý theo đúng ngôn
từ của điều luật thì chỉ cần “có người nhận con” chứ không bắt buộc phải là
cha cháu bé. Việc UBND phường Đồng Tâm yêu cầu các giấy tờ như chứng thực bản
sao đăng ký kết hôn, chứng thực bản sao quyết định ly hôn và kết quả phân
tích ADN (nếu ly hôn) bị coi là “hành vi tự đặt ra những giấy tờ trái với quy
định của nghị định” thuộc “những việc cán bộ tư pháp hộ tịch không được làm”
quy định tại điểm d khoản 1 điều 83 nghị định 158.
TÂM LỤA ghi
|