Ngày cập nhật: 04/07/2014
Tôi là luật sư Phan Thị Hương Thủy thuộc Công ty luật TNHH Hoàng Long xin trình bày quan điểm bảo vệ quyền lợi cho ông Nguyễn Tuấn Thiệp-người khởi kiện trong vụ án hành chính xin hủy Quyết định số 3637 của UBND quận Hai Bà Trưng
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc
lập-Tự do-Hạnh phúc
-------------*--------------
QUAN ĐIỂM
BẢO VỆ QUYỀN LỢI
CHO ÔNG
NGUYỄN TUẤN THIỆP TRONG VỤ ÁN HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI QUYẾT ĐỊNH HÀNH CHÍNH CỦA UBND
QUẬN HAI BÀ TRƯNG
Kính thưa HĐXX sơ thẩm
Tôi là luật sư Phan Thị Hương Thủy thuộc Công ty luật TNHH
Hoàng Long xin
trình bày quan điểm bảo vệ quyền lợi cho ông Nguyễn Tuấn Thiệp-người khởi kiện
trong vụ án hành chính xin hủy Quyết định số 3637 của UBND quận Hai Bà Trưng
như sau:
1. Đối tượng
hành chính bị khởi kiện:
Ngày
16/9/2013 UBND quận Hai Bà Trưng ban hành Quyết định số 3637/QĐ-UBND do Phó Chủ
tịch Lâm Anh Tuấn ký có nội dung:
Điều
1: “Thu hồi giấy chứng nhận quyền sở hữu
nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 10107193235 ngày 28/12/2002 đã cấp cho ông Nguyễn
Tuấn Thiệp tại địa chỉ số 68B tổ 28B phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng.
Lý do thu hồi: Theo kết quả kiểm tra, xác minh tại báo cáo số
50/BC-TT ngày 18/6/2013 của Thanh tra quận Hai Bà Trưng đã kết luận: “Quá trình
xét cấp giấy chứng nhận cho ông Nguyễn Tuấn Thiệp tại địa chỉ số 68B tổ 28B phường
Thanh Lương có sai phạm, không đúng quy định được ban hành theo Quyết định số
69/1999/QĐ-UB ngày 18/8/1999 của UBND thành phố Hà Nội về nguồn gốc đất, thời
điểm sử dụng nhà đất, điều kiện được xét cấp giấy chứng nhận và trình tự quy định
về xét cấp giấy chứng nhận”.
Điều
2: Giao Phòng Tài nguyên và Môi trường
thông báo nội dung quyết định này và yêu cầu ông Nguyễn Tuấn Thiệp nộp lại bản
chính giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở nêu trên. Nếu
trong thời hạn 10 ngày (mười ngày) kể từ ngày nhận được thông báo mà ông Nguyễn
Tuấn Thiệp không nộp lại bản chính quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở được
thu hồi theo quyết định này, Văn phòng đăng ký đất và nhà có trách nhiệm ban
hành thông báo hủy và chấm dứt giao dịch đối với giấy chứng nhận quyền sở hữu
nhà ở và quyền sử dụng đất ở đứng tên ông Nguyễn Tuấn Thiệp nêu trên, gửi tới
các cơ quan chức năng có liên quan được biết.
Điều
3: Giao UBND phường Thanh Lương:
Phối hợp với Phòng Tài nguyên
và Môi trường thực hiện việc tống đạt quyết định và thông báo về việc thu hồi
giấy chứng nhận cho ông Nguyễn Tuấn Thiệp biết để thực hiện.
Hướng dẫn ông Nguyễn Tuấn Thiệp
kê khai lại nhà ở đất ở; phân loại, xét duyệt trình UBND quận cấp giấy chứng nhận
quyền sử dụng đất , quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo
đúng quy định pháp luật”.
Căn
cứ QĐ nêu trên ngày 20/9/2013 Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Hai Bà Trưng
đã ra Thông báo số 442/TB-TN&MT với các nội dung:
-Giấy chứng nhận quyền sở hữu
nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 10107193235 ngày 28/12/2002 cấp ông Nguyễn Tuấn
Thiệp tại địa chỉ số 68B tổ 28B phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng đã bị thu
hồi theo Quyết định số 3637/QĐ-UB ngày 16/9/2013 của UBND quận.
-Đề nghị ông Thiệp nộp lại bản
gốc giấy chứng nhận trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo này.
-Sau đó đề nghị ông Thiệp liên
hệ với UBND phường Thanh Lương để thực hiện việc kê khai lại nhà ở đất ở, làm
cơ sở đê UBND phường Thanh Lương xét duyệt, trình UBND quận Hai Bà Trưng cấp lại
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất , quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền
với đất theo đúng quy định pháp luật.
Nếu hết thời hạn nêu trên mà
ông Thiệp không nộp lại bản chính giấy chứng nhận theo yêu cầu, Phòng Tài
nguyên và Môi trường và Văn phòng đăng ký đất và nhà quận Hai Bà Trưng sẽ thông
báo chấm dứt hiệu lực và hủy giấy chứng nhận đã cấp cho ông Thiệp.
Hiện
nay QĐ nêu trên đã có hiệu lực, Văn phòng đăng ký nhà đất quận HBT đã ra thông
báo chấm dứt hiệu lực của giấy chứng nhận QSH nhà và QSD đất ở đã cấp cho ông
Thiệp.
2. Về thẩm
quyền giải quyết của tòa án.
Quyết định hành chính bị khởi
kiện là Quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại địa chỉ 68B tổ
28B phường Thanh Lương quận Hai Bà Trưng của ông Nguyễn Tuấn Thiệp do UBND quận
Hai Bà Trưng cấp theo sự ủy quyền của UBND thành phố Hà Nội năm 2002.
Việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp
cho người sử dụng đất là một trong những nội dung trong lĩnh vực quản lý đất
đai của cơ quan hành chính.
Căn
cứ khoản 1 điều 28, khoản 1 điều 29 Luật tố tụng hành chính Tòa án Nhân dân quận
Hai Bà Trưng có thẩm quyền giải quyết yêu cầu khởi kiện của ông Thiệp.
3. Quan điểm của luật sư về
tính hợp pháp của yêu cầu khởi kiện đối với Quyết định 3637/QĐ-UBND ngày
16/9/2013 của UBND quận Hai Bà Trưng.
Vì giấy chứng nhận QSD đất là chứng thư pháp lý của
Nhà nước cấp cho người sử dụng đất để công nhận việc sử dụng đất hợp pháp của họ.
Như vậy đối với vụ án hành chính yêu cầu hủy quyết định thu hồi giấy chứng nhận
đã cấp cần dựa vào các văn bản luật nội dung về pháp luật đất đai để xác định
tính không hợp pháp của quyết định về thẩm quyền, trình tự thủ tục và căn cứ
thu hồi.
1. Về thẩm quyền thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất.
Căn cứ
khoản 2 điều 25 NĐ 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 về cấp Giấy chứng nhận quyền sử
dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định việc thu hồi GCNQSD đất đã cấp trái
pháp luật được thực hiện bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã cấp GCNQSD đất.
Việc
xác định thẩm quyền cấp GCNQSD đất được quy định tại điều 52 Luật đất đai năm
2003 như sau:
“1. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo, người
Việt nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài.
2. Uỷ ban nhan dân huyện, quận, thị xã, thành phố
thuộc tỉnh cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân cộng
đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mua nhà ở gắn liền với quyền sử
dụng đất ở.
Như vậy Thẩm quyền thu hồi GCNQSD đất thuộc về Uỷ
ban nhân dân theo quy định của Luật đất đai.
Tôi cho
rằng UBND quận HBT không có thẩm quyền quyết định thu hồi giấy chứng nhận của
ông Thiệp vì:
-Thời
điểm cấp Giấy chứng nhận cho ông Thiệp là năm 2002 khi Luật đất đai năm 1993,
có hiệu lực quy định thẩm quyền ký duyệt để cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình
và cá nhân sử dụng các loại đất thuộc nội thành phố là UBND tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương (Luật đất đai năm 2003 có hiệu lực từ 1/7/2004 mới quy định thẩm
quyền UBND cấp quận, huyện cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân).
- Giấy
chứng nhận ngày 28/12/2002 của ông Thiệp do UBND quận Hai Bà Trưng cấp trên cơ
sở thừa ủy quyền của UBND thành phố Hà Nội .
Vì vậy
việc UBND quận Hai Bà Trưng ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận của ông Thiệp
là không đúng thẩm quyền theo quy định
của luật Đất đai.
2. Trình tự thu hồi Giấy
chứng nhận quyền sử dụng đất
Vì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chứng thư
pháp lý quan trọng công nhận quyền sử dụng
đất của người sử dụng đất nên việc thu hồi nó phải tuân theo trình tự thủ tục
nghiêm ngặt để tránh việc thu hồi giấy chứng nhận đã cấp 1 cách tùy tiện làm
xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sử dụng đất.
Tuy trong QĐ3637 chỉ nêu căn cứ thu hồi là theo khoản
2 điều 25 NĐ88 (điều luật này quy định 3 trường hợp thu hồi) nhưng tại phiên
tòa vị đại diện của UBND quận HBT thừa nhận việc thu hồi giấy Chứng nhận quyền
sử dụng đất đã cấp cho ông Thiệp là theo điểm a khoản 2 điều 25 NĐ 88 nên luật
sư chỉ phân tích đối với điều luật này để chứng minh trình tự thu hồi là không
đúng như sau:
Điểm a khoản 2 điều 25 quy định trình tự thu hồi giấy
chứng nhận như sau:
“Trường hợp Giấy
Chứng nhận đã cấp mà có văn bản của có quan điều tra, cơ quan thanh tra kết luận
là Giấy Chứng nhận đã cấp trái với quy định của pháp luật thì cơ quan Nhà nước
có thẩm quyền cấp Giấy Chứng nhận có trách nhiệm xem xét, nếu kết luận đó là
đúng thì thì ra quyết định thu hồi giấy Chứng nhận đã cấp”.
Sau đây là phân tích của luật sư QĐ 3637 ban hành
không đúng trình tự thủ tục theo luật định.
Căn cứ điểm
a khoản 2 điều 25 NĐ88 thì thấy để ra QĐ thu hồi giấy CN đã cấp cần phải thỏa
mãn các điều kiện. Trước hết phải có văn bản của cơ quan điều tra hoặc của cơ
quan thanh tra và nội dung là kết luận là giấy chứng nhận đã cấp trái với
quy định của pháp luật (điều kiện cần). Sau đó Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
cấp giấy CN có trách nhiệm xem xét lại việc cấp giấy chứng nhận và nếu xác định
kết luận của cơ quan điều tra/hoặc thanh tra đó là đúng thì lúc đó mới đến bước
ra QĐ thu hồi giấy chứng nhận đã cấp .
Đối chiếu vào QĐ3637 thì thấy việc UBND quận Hai Bà
Trưng ban hành QĐ này theo trình tự:
Ngày
13/3/2013 UBND quận Hai Bà Trưng ban hành Công văn số 242/UBND-TNMT để giao cho
Thanh tra quận kiểm tra xác minh việc xét cấp giấy chứng nhận đối với gia đình
ông Thiệp tại địa chỉ số 68B, tổ 28B phường Thanh Lương. Lý do là có Công văn số
76/VP-TD ngày 28/3/2013 của Văn phòng Hội đồng nhân dân –UBND quận Hai Bà Trưng
đề nghị Thanh tra quận xem xét đơn kêu cứu khẩn cấp đề ngày 28/3/2013 của bà Trịnh Thị Mai ở địa chỉ số
54 tổ 28A phường Thanh Lương đề nghị sớm thu hồi đất cống thoát nước công cộng
đã bị gia đình bà Đoàn Thị Tuyết và ông Nguyễn Tuấn Thiệp xây nhà đè lên ở trong khuôn viên đất nhà ông Thiệp làm cho
nhà bà bị úng ngập, UBND quận HBT đã giao cho Thanh tra quận kiểm tra xem xét
việc cấp giấy chứng nhận của gia đình ông Thiệp. Thanh tra quận giao nhiệm vụ
cho thanh tra viên Thành thực hiện việc kiểm tra lại quá trình cấp giấy chứng
nhận.
Ngày 18/6/2013 Thanh tra quận HBT ban hành Báo cáo
số 50/BC-TT báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh việc xét cấp giấy chứng nhận
quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở (GCN) đối với ông Nguyễn
Tuấn Thiệp địa chỉ số 68B, tổ 28B phương Thanh Lương và việc giải
quyết đơn của công dân liên quan đến rãnh thoát nước của một số hộ
dân tổ 28A và 28B phường Thanh Lương.
Căn
cứ vào kết luận này UBND quận HBT ban hành QĐ3637 thu hồi giấy chứng nhận đã cấp
cho ông Thiệp là không đúng trình tự thủ tục theo quy định của điểm a khoản 2
điều 25 NĐ88.
Trình
tự thu hồi giấy chứng nhận của ông Thiệp thể hiện bằng việc ban hành QĐ3637 như
phân tích ở trên là không đúng luật định.
Tại
phiên tòa đại diện UBND quận HBT đã thừa nhận nguồn gốc sâu xa của việc UBND quận
ban hành QĐ thu hồi giấy chứng nhận đã cấp từ năm 2002 của ông Thiệp là do có
đơn khiếu nại của bà Trịnh Thị Mai (hàng xóm ở phía Nam thửa đất của ông Thiệp
) về tranh chấp về đường thoát nước thải trong diện tích đất của ông Thiệp đã
được cấp giấy chứng nhận thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án quy định tại
khoản 5 điều 25 BLTTDS.
Việc UBND quận Hai Bà Trưng giải quyết loại việc
tranh chấp về cống thoát nước và quyền sử dụng đất đã được cấp giấy chứng nhận là
sai về thẩm quyền. Theo quy định của pháp luật UBND chỉ làm thủ tục hòa giải
theo điều 135 Luật đất đai và hướng dẫn người khiếu nại thực hiện việc khởi kiện
đến Toà án nhân dân để được vụ việc được giải quyết đúng thẩm quyền.
Căn
cứ khoản 3 điều 25 Nghị định 88 việc thu hồi giấy chứng nhận của gia đình ông
Thiệp thì phải căn cứ vào bản án đã có hiệu lực pháp luật của tòa án (xác định
có diện tích đất cống thoát nước thải chung mà bà Mai đang sử dụng trong diện
tích đất được cấp giấy chứng nhận của gia đình ông Thiệp và tòa án phải kết luận
việc cấp giấy chứng nhận bao gồm cả diện tích có cống thoát nước chung là trái
pháp luật).
Do
đó QĐ 3637 ban hành không căn cứ vào bản án của Tòa án giải quyết quan hệ pháp
luật về cống thoát nước chung trong diện tích đất tư nhân là không đúng trình tự
luật định và trái với khoản 3 điều 42 Nghị định 181/2004/NĐ-CP về thi hành Luật
đất đai quy định: “Trường hợp đã cấp
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất ổn định được Nhà
nước công nhận quyền sử dụng đất thì việc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất chỉ được thực hiện khi có bản án hoặc quyết định của Toà án nhân dân đã được
thi hành trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”.
3. Căn cứ thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Căn cứ để UBND quận HBT quyết định
thu hồi giấy chứng nhận của ông Thiệp là dựa vào kết luận số 50 của Thanh tra
quận HBT và có 2 căn cứ để thu hồi giấy chứng nhận của ông Thiệp.
+ Lý do thứ nhất: Xin trích toàn văn:
“Thực hiện công văn số 242/UBND-TNMT
ngày 13/3/2013 của UBND quận HBT giao Thanh Tra quận kiểm tra xác minh
việc xét cấp GCN đối với ông Nguyễn Tuấn Thiệp tại địa chỉ số 68B,
tổ 28B phường Thanh Lương và công văn số 76/VP-TD ngày 2/4/2013 của văn
phòng HĐND-UBND quận đề nghị Thanh Tra quận xem xét đơn kêu cứu khẩn
cấp đề ngày 28/3/2013 của bà Trịnh Thị Mai địa chỉ số 54 tổ 28A
phường Thanh Lương đề nghị sớm thu hồi đất cống thoát nước công cộng
đã bị gia đình bà Đoàn Thị Tuyết và ông Nguyễn Tuấn Thiệp xây nhà
đè lên cống thoát nước, lấp cống gây ô nhiễm môi trường. Thanh Tra
quận đã tiến hành thu thập hồ sơ tài liệu, kiểm tra xác minh vụ
việc kết quả như sau:
1.
Nguồn gốc nhà đất của ông Nguyễn
Tuấn Thiệp:
Địa
chỉ nhà đất số 3C hẻm 9 ngách 26 ngõ 651 phố Minh Khai (số cũ là 68B
tổ 28B phường Thanh Lương) trước năm 1995 là diện tích ao rau muống của
HTX nông nghiệp Đồng Thanh, thuộc thửa đất số 187 bản đồ số 6I.IV.27
có diện tích 50m2
Ngày
3/12/1989, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Đồng Thanh viết giấy ủy nhiệm cho
bà Sơn (Trịnh Tuyết Sơn) và bà Rền, xã viên HTX, có trách nhiệm quản
lý diện tích ao rau muống cạnh đơn vị bộ đội (văn bản có chữ ký và
đóng dấu của Chủ nhiệm HTX)
Ngày
15/3/1991, bà Trịnh Tuyết Sơn viết giấy nhượng lại diện tích 50m2 ao
rau muống thuộc tổ 28 cho bà Tuyết (Đoàn Thị Tuyết) để bà Tuyết
trông nom và quản lý (là văn bản viết tay không ghi số tiền chuyển
nhượng, không có người làm chứng, không có chữ ký của người nhận
chuyển nhượng và không được cơ quan chức năng xác nhận chứng thực),
Năm
1995, bà Đoàn Thị Tuyết san lấp ao rau muống nêu trên và xây dựng căn
nhà cấp 4 khoảng 24m2 không có giấy phép xây dựng.
Ngày
12/10/1996. Công ty phát triển kỹ thuật xây dựng phối hợp với cán bộ
địa chính phường Thanh Lương, bà Đoàn Thị Tuyết và 5 chủ sở dụng
đất liền kề lập biên bản xác nhận ranh giới, mốc giới thửa đất,
không thể hiện có rãnh nước lộ thiên, có 4/5 chủ sử dụng đất liền
kề ký xác nhận, không có chữ ký của tổ trưởng tổ dân phố. Tuy nhiện
kết quả xác minh của Thanh Tra quận được thể hiện như sau:
-
3 chủ
sở dụng đất liền kề không biết và không thừa nhận chữ ký của mình
và cho là ghi tên giả mạo (bà Bùi Thị My) và chữ kí giả mạo (bà Lê
Thị Cứu, Hoàng Tuyết Phương).
-
2 chủ
sử dụng đất liền kề là ông Vũ Đình Bàng và bà Đoàn Thị Tuyết
không nhớ sự việc.
-
Ông
Đinh Quang Sáng nguyên tổ trưởng tổ dân phố 28 (thời điểm 1996) xác nhận
không biết gì về việc lập biên bản nêu trên.
-
Ông
Nguyễn Minh Hoàn nguyên cán bộ địa chính phường Thanh Lương (thời điểm
1996) xác nhận cán bộ của đơn vị đo đạc đi đo đạc, lấy chữ ký của
chủ sử dụng đất và các hộ liền kề sau đó chuyển biên bản về UBND
phường để cán bộ địa chính và Chủ tịch UBND phường ký xác nhận,
bản thân ông Hoàn cũng không có mặt tại thửa đất như biên bản đã ghi.
Như vậy, nội dung biên bản là không đúng thực tế khách quan dẫn đến
đưa cả đường cống thoát nước chung của các hộ vào diện tích đất
của gia đình bà Đoàn Thị Tuyết (trước khi cho con trai Nguyễn Tuấn
Thiệp và trước khi được cấp GCN)
-
Ngày
19/3/2002, bà Đoàn Thị Tuyết viết giấy ủy quyền cho con trai là
Nguyễn Tuấn Thiệp sử dụng 72,5m2 đất ao đã mua của bà Trịnh Tuyết
Sơn HTX Đồng Thanh (giấy viết tay không có người làm chứng, không có
chữ ký của người nhận ủy quyền và không được cơ quan chức năng xác
nhận chứng thực.)
2. Quá trình xét cấp GCN cho ông Nguyễn
Tuấn Thiệp tại địa chỉ 68B tổ 28 Phường Thanh Lương:
Ngày 11/10/1998, ông Nguyễn Tuấn Thiệp
kê khai đăng ký nhà ở đất ở và xin cấp GCN đối với 72,5m2 tại số 68B
tổ 28A (ghi sai địa chỉ, địa chỉ đúng là tổ 28B) có các thông tin cơ
bản sau: Nhà ở 22m2 xây dựng năm 1995 không giấy phép xây dựng và
48,5m2 sân do mẹ là bà Đoàn Thị Tuyết cho, bản sao các giấy tờ có
liên quan gồm giấy ủy nhiệm và giấy chuyển nhượng diện tích ao, đơn
xin cấp GCN đã được UBND phường Thanh Lương xác nhận đăng ký ngày
20/1/1999. Như vậy ông Thiệp đăng ký kê khai xin cấp GCN trước khi bà
Đoàn Thị Tuyết viết giấy cho ông Thiệp sử dụng nhà đất nêu trên.
Ngày 12/4/2002, Hội đồng đăng ký nhà
ở, đất ở phường Thanh Lương lập biên bản kết luận ông Thiệp sử dụng
72,5m2 làm đất ở ổn định từ ngày 15/3/1991 đến nay, trong đó có 22m2
nhà xây dựng năm 1995 không có giấy phép xây dựng, không có tranh chấp
khiếu kiện và đề nghị UBND quận cấp GCN cho ông Nguyễn Tuấn Thiệp.
Kết luận như trên là không đúng nguồn gốc đất và không đúng thực tế
khách quan về sử dụng nhà đất, cụ thể nguồn gốc đất là đất ao rau
muống của HTX nông nghiệp Đồng Thanh, ngày 3/12/1989 Chủ nhiệm HTX ủy
nhiệm cho bà Trịnh Tuyết Sơn, bà Rền là xã viên HTX quản lý và giải
quyết các hộ, ngày 15/3/1991 bà Sơn nhượng lại 50m2 ao rau muống cho bà
Tuyết để trông nom quản lý và đến năm 1995 bà Tuyết mới xây dựng nhà
ở không có giấy phép xây dựng. Ngày 19/3/2002 bà Tuyết mới cho ông
Nguyễn Tuấn Thiệp sử dụng nhà đất, do đó ông Thiệp không thể sử
dụng đất nông nghiệp làm đất ở ổn định từ ngày 15/3/1991 đến nay như
kết luận trên (đến năm 1995 mới xây nhà).
Ngày 27/12/2002, phòng Địa chính nhà
đất đô thị (nay là phòng TN&MT quận) có Tờ trình số
199/TTr-ĐCNĐ-ĐT, căn cứ Tờ trình số 97/TTr-UB ngày 3/7/200(2002) của UBND
phường Thanh Lương đã được phòng địa chính nhà đất đô thị thẩm định
đủ điều kiện cấp GCN.
Ngày 28/12/2002 UBND quận HBT
có Quyết định số 192/QĐUB cấp GCN cho 18 hộ gia đình, cá nhân ở
phường Thanh Lương trong đó có trường hợp nhà ông Nguyễn Tuấn Thiệp
tại số thứ tự 12, GCN số 10107193235 được chậm nộp 20% tiền sử dụng
đất và lệ phí trước bạ nhà đất theo tờ trình (đề nghị) số
97/TTr-UB ngày 3/7/200(2002) của UBND phường Thanh Lương và Tờ trình số
199/TTr-ĐCNDĐT ngày 27/12/2002 của phòng địa chính nhà đất và đô thị
quận (nay là phòng TN&MT) Tuy nhiên , tại thời điểm kiểm tra UBND
phường THanh Lương và phòng TN&MT quận đều chưa xuất trình được cho
cơ quan Thanh tra tờ trình số 97/TTr-UB ngày 3/7/200(2002), hồ sơ thực
hiện niêm yết công khai kết quả phân loại hồ sơ, bản sao chứng mình
thư của ông Thiệp (khoản 2,3 điều 10 qquy định ban hành theo quyết định
số 69/1999/QĐ-UB ngày 18/8/1999 của UBND thành phố Hà nội (Quyết định
69). Không có hồ sơ xử lý nhà xây dựng không phép – không đúng quy
định tại khoản 4 điều 5 Quyết định số 69. Tờ khai đăng ký nhà ở đất
ở cps sơ đồ thửa đất nhưng không có các chủ sử dụng đất liền kề ký
– không đúng quy định tại khoản 1 điều 9 Quyết định 69”.
Căn
cứ vào việc kiểm tra nêu trên Thanh tra quận HBT đi đến kết luận: “Quá trình xét cấp giấy chứng nhận cho ông
Nguyễn Tuấn Thiệp tại địa chỉ số 68B tổ 28B phường Thanh Lương có sai phạm,
không đúng quy định được ban hành theo Quyết định số 69/1999/QĐ-UB ngày
18/8/1999 của UBND thành phố Hà Nội về nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng nhà
đất, điều kiện được xét cấp giấy chứng nhận và trình tự quy định về xét cấp giấy
chứng nhận”.
UBND
quận HBT ban hành QĐ 3637 thu hồi giấy chứng nhận đã cấp của ông Thiệp dựa vào căn
cứ này là trái với quy định của điểm a khoản 2 điều 25 NĐ 88 vì:
Thứ nhất: Để tránh sự lạm dụng quyền lực của cơ quan
hành chính luật quy định trước khi quyết định thu hồi giấy chứng nhận đã cấp Uỷ
ban nhân dân là cơ quan cấp GCNQSD đất có trách nhiệm xem xét việc đã cấp có
phù hợp với các quy định của pháp luật hay không để quyết định sẽ thu hồi họăc
không thu hồi. Và chỉ khi có căn cứ xác định việc cấp giấy chứng nhận trái pháp luật thì mới thu hồi (tức
là cơ quan ban hành quyết định thu hồi phải chỉ ra được vi phạm điều cấm trong
việc cấp giấy chứng nhận ).
Thứ hai: Trong QĐ 3637 của UBND quận HBT không chỉ
ra được điều luật cụ thể để xác định việc cấp giấy chứng nhận cho ông Thiệp là
trái quy định của luật, Tôi cho rằng UBND quận HBT chỉ có thẩm quyền thu hồi giấy
chứng nhận đã cấp cho ông Thiệp nếu chỉ ra được việc cấp giấy vi phạm điều “cấm “ của luật thì mới thỏa mãn
yêu cầu của điểm a khoản 2 điều 25 NĐ88 là “trái quy định của pháp luật”.
Thứ ba: Tôi khẳng định việc cấp giấy chứng nhận
không phạm điều cấm của luật. Chứng minh như sau:
-Đối chiếu vào các quy định
của pháp luật vào thời điểm ông Thiệp được cấp giấy chứng nhận.
Theo QĐ 192 /QĐ-UB ngày
28/12/2002 của UBND quận HBT v/v cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và
quyền sử dụng đất ở cho 18 hộ gia đình, cá nhân ở phường Thanh Lương, quận Hai
Bà Trưng, Hà Nội (ông Thiệp ở số thứ tự 12 thuộc nhóm III gồm 4 trường hợp được
cấp giấy chứng nhận và được chậm nộp 20% tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ.
Trong QĐ 192 đã liệt kê các văn
bản quy phạm pháp luật áp dụng để cấp giấy chứng nhận của ông Thiệp là: Luật
đất đai năm 1993, Nghị định 60/CP ngày 5/7/1994 và Nghị định 45/CP này
3/8/1996 về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị của Chính phủ , NĐ 17/1999/NĐ
- CP ngày 29/3/1999 của Chính phủ về thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho
thuê, cho thuê lại, thừa kế quyền sử dụng đất và thế chấp, góp vốn bằng giá trị
quyền sử dụng đất và quan trọng nhất là Quyết định 69/1999/QĐ-UB ngày 18/8/1999 của UBND
thành phố Hà Nội Về việc ban hành sửa đổi "Quy định về kê khai
đăng ký nhà ở, đất ở và cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng
đất ở
tại đô thị Thành phố Hà Nội
+ Đối chiếu QĐ 69 của UBND TP. Hà Nội: Trong QĐ này
có điều 6 là điều luật quy định về các trường hợp không được cấp giấy chứng nhận
nếu nhà đất của ông Thiệp thuộc 1 trong các trường hợp trong điều này thì việc
cấp giấy chứng nhận mới bị coi là trái quy định của luật. Qua thẩm vấn của luật
sư đối với vị thanh tra viên đại diện cho UBND quận HBT thì ông Thiệp không thuộc
trường hợp nào.
Trích điều 6 QĐ 69:
“Điều 6: Không cấp Giấy chứng nhận cho các trường
hợp không có giấy tờ gốc hợp lệ về đất đai tại khu vực nằm trong phạm vi hành
lang bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị như: Đường giao thông, đường
sắt, đường bộ, cầu cống, đê, công trình thuỷ lợi, điện... và khu vực di tích lịch
sử, an ninh quốc phòng.
Trường hợp có giấy tờ gốc hợp pháp, hợp lệ
về quyền sử dụng đất nhưng diện tích nhà đất thuộc phạm vi bảo vệ công trình hạ
tầng kỹ thuật đô thị, khu di tích, an ninh quốc phòng thì xử lý như sau:
+ Nhà ở đã xây dựng trước ngày ban hành văn
bản quy phạm pháp luật quy định về phạm vi bảo vệ các công trình thì được cấo
Giấy chứng nhận với điều kiện không được chuyển nhượng; khi Nhà nước giải toả
được đền bù theo qui định.
+ Nhà ở xây dựng sau ngày ban hành văn bản
quy phạm pháp luật quy định về phạm vi bảo vệ các công trình thì chỉ được cấp
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với điều kiện không được chuyển nhượng, thế
chấp. Nhà ở và công trình đã xây dựng phải chịu xử lý theo quy định.
Mọi trường hợp có tranh chấp, khiếu nại
trong quá trình xét cấp Giấy chứng nhận thì việc cấp Giấy chứng nhận chỉ được
xem xét sau khi đã được cơ quan Nhà nước
có thẩm quyền giải quyết xong theo quy định của pháp luật”.
Căn cứ Báo cáo số 50 của Thanh tra quận và lời thừa
nhận của vị thanh tra viên –đại diện theo ủy quyền của UBND quận HBT tại phiên
tòa thì trường hợp của ông Thiệp không thuộc điều nào của điều 6 như viện dẫn ở
trên. Tôi cho rằng đó chính là lý do trong QĐ3637 né tránh không sử dụng cụm từ
“trái quy định của pháp luật” mà chỉ sử dụng cụm từ “sai phạm” và “không đúng
quy định” mà về mặt cú pháp tiếng Việt thì không hề có ý nghĩa tương đương.
Phía người đại diện UBND quận HBT –vị phó phòng TN
và MT xác định do trên đất có nguồn gốc ao rau muống đã xây nhà ở từ năm 1995
và được Hội đồng đăng ký nhà ở và đất ở của phường họp xác định là đất ở nên
thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính
(nộp 20%) tiền sửu dụng đất cho Nhà nước mà không cần phải có quyết định của
UBND quận HBT chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở.
Đối với các
lý do mà Báo cáo 50 của Thanh tra quận HBT chỉ ra và coi là “những sai phạm” và
“không đúng quy định” thì trường hợp của ông Thiệp thuộc các trường hợp xử lý
trước khi cấp giấy chứng nhận quy định tại điều 5 của QĐ 69 như sau:
“Điều 5: Các trường hợp phải xem xét xử lý trước
khi cấp Giấy chứng nhận:
1. Nếu chủ nhà có một trong các giấy tờ về nhà đất nêu ở Điều 4
nhưng không phải chính chủ đang sử dụng thì phải có những giấy tờ liên quan đến
thừa kế, chia, nhận quà tặng... và được UBND phường, thị trấn xác nhận sự việc
có thật, không có tranh chấp, khiếu kiện sẽ được xét cấp Giấy chứng nhận.
2. Nếu chủ nhà có giấy tờ hợp lệ về nhà đất nêu ở Điều 4 nhưng
sử dụng diện tích đất vượt quá diện tích quy định trong giấy tờ hợp lệ thì phần
diện tích vượt quá cũng được cấp Giấy chứng nhận sau khi chủ nhà nộp tiền sử dụng
đất theo quy định của Nghị định 45/CP nàgy 3/8/1996 của Chỉnh phủ.
3. Nếu chủ nhà không có giấy tờ về nhà đất nêu ở Điều 4 nhưng
phù hợp với qui hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được chính quyền cấp
phường, thị trấn xác nhận nhà ở, đất ở không có tranh chấp, đang được sử dụng ổn
định thì chủ nhà được xét cấp Giấy chứng nhận với mức đất ở quy định như sau:
3.1- Từ vành đai 2 trở vào trung tâm Thành
phố (thuộc 4 quận nội thành cũ, từ Vĩnh Tuy -Ngã tư Vọng -Ngã tư Sở -Cầu giấy
-Nhật tân và trung tâm) không quá 120m2/hộ.
3.2- Từ vành đai 2 trở ra không quá 180m2/hộ
3.4- Diện tích được hợp thức phải nộp tiền
sử dụng đất theo quy định của Nghị định 45/CP ngày 3/8/1996 của Chính phủ với mức
như sau:
+ Người sử dụng đất ở ổn định sau ngày
18/12/1980 đến 15/10/1993 phải nộp 20% tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ (phần
nhà), lệ phí cấp Giấy chứng nhận và thuế nhà đất.
4. Đối với nhà ở xây dựng sai phép hoặc không phép khi được xét
cấp Giấy chứng nhận phải chịu xử lý theo Quyết định số 12/1998/QĐ-UB ngày
5/6/1998 của UBND Thành phố và các quy định khác có liên quan.
Theo vị thanh tra viên -đại diện cho UBND quận HBT
cho rằng Hội đồng xét cấp giấy chứng nhận phường Thanh Lương đã không xử lý
ngôi nhà cấp 4 xây dựng không phép năm 1995 của bà Tuyết theo quy định tại khoản
4 điều 5 của QĐ.
Như vậy phía đại diện UBND quận HBT cho rằng việc xử
lý đất ở (77,5m2) của ông Thiệp là đúng còn chỉ chưa đúng đối với xử lý diện
tích nhà không phép. Do đó tôi cho rằng việc thiếu thủ tục này không thuộc điều
cấm và hoàn toàn có thể khắc phục bằng cách truy thu tiền mà không phải thu hồi
giấy chứng nhận. Sai phạm này không thể kết luận việc cấp giấy chứng nhận cho
ông Thiệp là trái quy định của pháp luật được-là căn cứ quan trọng để quyết định
thu hồi giấy chứng nhận đã cấp.
-Đối
chiếu vào các quy định hiện hành của Luật đất đai và các Nghị định hướng dẫn
thi hành luật đất đai về điều kiện để cấp giấy chứng nhận bởi chỉ khi kết luận viêc cấp không thoả mãn
các điều kiện quy định của pháp luật (trái luật) thì mới có căn cứ để quyết định
thu hồi.
Vì
Báo cáo số 50 của Thanh tra quận HBT cho rằng có sai phạm khi xác định “về nguồn
gốc đất, thời điểm sử dụng nhà đất, điều kiện được xét cấp giấy chứng nhận và
trình tự quy định về xét cấp giấy chứng nhận”. Nên cơ sở để xem xét tính trái pháp luật là các quy định của Luật Đất đai cũng
như các văn bản dưới luật quy định về điều kiện để đất được cấp GCNQSD đất
theo điều 50 Luật đất đai năm 2003.
Trường hợp nhà đất của ông Thiệp thuộc quy định tại
khoản 4 điều 50 như sau:
“Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định
tại khoản 1 Điều này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng
10 năm 1993, nay được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất
không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với
nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
và không phải nộp tiền sử dụng đất”.
Tuy nhiên trong Báo cáo của Thanh tra quận HBT đã có sự nhầm lẫn khi xác
định thời điểm sử dụng đất ổn định trường hợp của ông Thiệp.
Do đó cần làm rõ thuật ngữ pháp
lý thế nào là “đất sử dụng ổn định”
như quy định tại khoản 4 điều 50 Luật đất đai.
Căn cứ điều 3 NĐ84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy
CNQSD đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường,
hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai đã giải thích rõ hơn cụm từ “đất sử dụng ổn định” như sau:
“ 1. Đất sử dụng ổn định quy định tại khoản 4
Điều 50 của Luật Đất đai là đất đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây:
a) Đất
đã được sử dụng liên tục cho một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu
sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm được cấp Giấy chứng nhận hoặc đến thời
điểm có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường
hợp chưa cấp Giấy chứng nhận;
b) Trường
hợp đất đã được sử dụng liên tục quy định tại điểm a khoản này mà có sự thay đổi
về người sử dụng đất và sự thay đổi đó không phát sinh tranh chấp về quyền sử dụng
đất.
2. Việc
xác định thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được căn cứ vào ngày tháng năm sử
dụng và mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các giấy tờ sau:
a) Biên
lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất;
e) Giấy
tờ về đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú đài hạn tại nhà ở gắn với đất ở; Giấy
chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh có ghi địa chỉ của nhà ở liên quan đến
thửa đất;
g) Giấy
tờ về việc giao, phân, cấp nhà hoặc đất của cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao
quản lý, sử dụng đất;
h) Giấy
tờ về mua bán nhà, tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về mua bán đất,
chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan (không cần có
chứng nhận của cơ quan, tổ chức);
i) Bản đồ,
sổ mục kê, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ.
k) Bản
kê khai đăng ký nhà, đất có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã tại thời điểm
kê khai đăng ký.
3. Trường
hợp thời điểm sử dụng đất thể hiện trên các loại giấy tờ quy định tại khoản 2
Điều này có sự không thống nhất thì thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được
xác định theo giấy tờ có ghi ngày tháng năm sử dụng đất sớm nhất.
4. Trường
hợp không có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều này hoặc trên
giấy tờ đó không ghi rõ thời điểm xác lập giấy tờ và mục đích sử dụng đất thì
phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và
mục đích sử dụng đất trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú
cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu xác nhận trong khu dân
cư (thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố) nơi có đất”.
Đối chiếu vào quy định nêu trên thì thời
điểm sử dụng đất phải tính từ thời điểm mẹ ông Thiệp nhận chuyển nhượng suất đất
ao rau muống từ bà Sơn (năm 1990) (điểm a khoản 1) và luật quy định không cần
có có người làm chứng hoặc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền mà chỉ yêu cầu
“không có tranh chấp, khiếu kiện” về đất và tuy ông Thiệp đến năm 1999 mới được
mẹ cho đất nhưng đất được sử dụng liên tục tuy có thay đổi người sử dụng đất (từ
mẹ sang con) nhưng thời điểm sử dụng đất vẫn được coi là 1990 chứ không thể năm
1999 (điểm b khoản 2). Căn cứ báo cáo thanh tra xác nhận năm 1995 là thời điểm
bà Tuyết xây nhà nên mục đích sử dụng đất đã là đất ở chứ không còn là ao rau
muống nữa và mục đích sử dụng đất này là chính, Tại phiên tòa luật sư của người
khởi kiện cũng đã xuất trình các giấy tờ để làm căn cứ xác định thời điểm sử dụng
đất là biên lai nộp thuế nhà đất ngày 12/12/1992 do đó thời điểm sử dụng đất ổn
định của ông Thiệp được xác định từ năm 1992. Điều này chứng minh không hề có
trái luật khi Hội đồng cấp giấy chứng nhận của phường Thanh Lương xác nhận ông
Thiệp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận với điều kiện phải thực hiện nghĩa vụ
tài chính với Nhà nước –nộp 20% tiền sử dụng đất như thể hiện trong QĐ 192 của
UBND quận HBT .
Tại Mục I của Thông tư số
06/2007/TT-BTNMT quy định cụ thể hơn về tiêu chí xác định thời điểm sử dụng đất
ổn định như sau: “Khi thực hiện công việc
thẩm tra, xác nhận về nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp
đất đai đối với thửa đất, sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt
trong quá trình xét cấp GCNQSD đất, Uỷ ban nhân dân cấp xã phải lấy ý kiến của
khu dân cư gồm những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất
vào mục đích hiện tại của thửa đất. Ý kiến của khu dân cư được lập thành văn bản
và phải được công bố công khai cùng với danh sách các trường hợp đủ điều kiện
và không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận. Sau khi kết thúc việc công khai, Uỷ
ban nhân dân cấp xã xem xét các ý kiến đóng góp về nguồn gốc và thời điểm bắt đầu
sử dụng đất theo mục đích sử dụng đất hiện tại để ghi xác nhận vào đơn xin cấp
giấy CNQSD đất cùng với phiếu lấy ý kiến của khu dân cư để gửi cho Văn phòng
đăng ký quyền sử dụng đất”.
Theo trình bày của đại diện của UBND
quận HBT thì UBND phường Thanh Lương không lưu trữ hồ sơ xét cấp giấy chứng nhận
nhà đất của ông Thiệp nhưng Phòng TN và MT quận HBT còn lưu trữ Tờ trình của
Phòng địa chính Nhà đất quận về việc cấp giấy chứng nhận cho ông Thiệp. Quan điểm
của luật sư việc không lưu trữ hồ sơ là thuộc trách nhiệm của UBND phường Thanh
Lương người dân không có lỗi.Mặt khác với sự tồn tại của Tờ trình của Phòng địa
chính Nhà đất quận HBT chứng tỏ phải căn cứ vào hồ sơ xét duyệt của Hội đồng đăng ký nhà ở, đất ở
cấp phường được thành lập theo điều 18 QĐ69 thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Bẳng chứng là
trong quá trình xét cấp giấy chứng nhận cho ông Thiệp năm 1999 cho đến khi cấp
giấy chứng nhận năm 2002 cho đến năm 2011 không hề có khiếu nại.
Như vậy, việc cấp giấy chứng nhận hộ
gia đình ông Thiệp đã tuân thủ quy định điều 50 Luật đất đai, điều 3 Nghị định
84, Mục I Thông tư số 06, điều 5,6 QĐ 69 do đó không có căn cứ để cho rằng
việc cấp giấy đó là trái luật như quy định tại điểm a khoản 2 điều 25 NĐ88 .
+ Lý do thứ hai: Thể hiện
ở nội dung tiếp theo của Báo cáo số 50 của Thanh tra quận HBT
“
3. Về nguồn gốc cống thoát nước và khiếu
kiện:
Trong hồ sơ xét cấp GCN nêu trên không
thể hiện có rãnh thoát nước lộ thiên ở phía nam thửa đất của ông
Thiệp. Tuy nhiên trong hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng có thể hiện 1
rãnh nước sát ranh giới thửa đất nhà ông Thiệp (bản vẽ do chính ông
Thiệp thiết kế, đã được UBND quận đóng dấu xác nhận theo giấy phép
số 802.10.09 ngày 12/10/2009 (bản vẽ thiết kế mặt bằng tầng 1 và bản
vẽ mặt bằng cấp thoát nước)
Tháng 1/2010 gia đình ông THiệp xây
dựng nhà ở theo GPXD đã được cấp làm phát sinh khiếu kiện của một
số hộ gia đình thuộc tổ 28A, 28B phường Thanh Lương có nội dung bà
Tuyết, ông Thiệp xây dựng nhà ở lấn chiếm đất công đè lên cống thoát
nước làm hư hỏng, tắc toàn bộ hệ thống thoát nước, ảnh hưởng đến
sinh hoạt bình thường của các hộ dân. Đơn được nhiều người dân ăn ở
lâu năm và tổ trưởng tổ dân phố ghi ý kiến xác nhận có tồn tại 1
rãnh nước lộ thiên chung của các hộ dân sát phía nam ao rau muống HTX
Đồng Thanh (nay là nhà ông THiệp), điểm đầu từ nhà bà Phúc tổ 28A,
đến điểm cuối nối với ga cống nước nhà bà Bùi Thị My tổ 28B, rộng
khoảng hơn 1m, dài khoảng 20m, là cống thoát nước cho một số hộ gia
đình tổ 28A, 28B phường Thanh Lương. Trước kia mỗi khi cống tắc các hộ
gia đình phải đóng góp tiền để sửa chữa khơi thông cống. Từ khi ông
Thiệp xây nhà đã lấn sân đè lên đướng cống và đổ phế liệu xây dựng
gây tắc cống, ô nhiễm môi trường. Mặt khác UBND phường Thanh Lương đã
kiểm tra, kết luận có tồn tại cống thoát nước lộ thiên đi qua diện
tích đất được cấp GCN cho ông THiệp và gia đình ông Thiệp đã cải
tạo, san lấp gây tắc cống như hiện nay (Thông báo số 02/TB-UB ngày
10/1/2012, công văn số 200/UBND ngày 26/10/2012 của UBND phường Thanh
Lương).
Ngày
20/10/2011 UBND phường họp giải quyết kiến nghị của bà Trịnh Thị Mai
đã kết luận: phê bình gia đình bà Đoàn Thị Tuyết không tôn trọng
chính quyền, không hợp tác giải quyết đơn thư của công dân, giao cán
bộ địa chính phường sao lục hồ sơ nhà đất của ông Thiệp báo cáo
Chủ tịch UBND phường và giao cán bộ TTXD phướng kiểm tra xử lý việc
xây dựng nhà ở của ông Thiệp theo giấy phép được cấp và đúng quy
định của pháp luật. Tuy nhiên nội dung biên bản trên vẫn chưa được
thực hiện và thực tế UBND phường Thanh Lương không có hồ sơ quản lý
TTXD đối với công trình xây dựng nhà ông Thiệp (không xác định được
công trình đúng hay sai giấy phép xây dựng). Tuy nhiên tại văn bản số
116/CV-UBND ngày 10/6/2013, UBND phường Thanh Lương xác định phần tường
phía sau nhà ông Thiệp có chiều dài là 0,08m (so với giấy phép xây
dựng số đo đó là 7,2m, so với kết quả kiểm tra ngày 28/12/2012 số đo
đó là 8,51m)”.
Tại phiên tòa HĐXX đã dành nhiều thời gian để
làm rõ có tồn tại cái cống chung trong đất được cấp giấy chứng nhận của ông Thiệp
hay không thì đại diện UBND quận HBT không có tài liệu chứng cứ gì để xác định
thời điểm tồn tại cái cống chung, kích thước (dài rộng) của cái cống, nguồn
kinh phí để tạo lập cái cống chung.
Còn
ông Thiệp khẳng định trong đất của nhà ông từ trước đến nay không hề có cái cống
chung nào (nhất là với kích thước dài rộng hơn 1m, dài 20m như báo cáo thanh
tra kết luận). Thực tế thì chỉ có 1 cái khe giữa ngôi nhà của ông Thiệp với tường
nhà ông Tiến (hàng xóm) với chiều rộng khoảng 60 phân và chiều dài khoảng 12m.
Ngày
25/10/2013 UBND phường Thanh Lương đã vào đất nhà ông Thiệp thực hiện cưỡng chế đào đất làm 1 cái cống ngầm
ở cái khe này và tháo dỡ cổng sắt của nhà ông Thiệp.
Căn
cứ Biên bản xem xét thẩm định ngày 11/4/2014 do Tòa án quận HBT tiến hành thể
hiện trong khuôn viên đất của ông Thiệp qua xem xét thực tế thấy “phần diện tích xây dựng trên mặt cống thoát
nước có chiều dài 3,05m x0,65m chạy thẳng theo dọc nhà sát với nhà ông Thiệp
(là cống nổi trước đây) năm 2013 phường Thanh Lương đã cảu tạo, sửa chữa thành
cống chìm. Từ điểm chân tường của nhà ông Thiệp có chiều dài 2,7m ngoặt sang
trái 0,5m và chạy thẳng ra ngõ thoát nước chung của các hộ dân sống tại đây”.
Ông
Thiệp khẳng định nguồn gốc đất của gia đình đã sử dụng ổn định từ trước ngày
15/10/1993 và không hề có cái cống thoát nước công cộng nào chảy qua. Còn theo báo cáo thanh tra cũng thể hiện từ năm
1996 để phục vụ công tác lập bản đồ địa chính, UBND phường Thanh Lương đã phối
hợp với Công ty phát triển kỹ thuật xây dựng xác định ranh giới trên thực địa
và thửa đất của gia đình ông Thiệp diện tích 72,5m2 đã chính thức được đăng ký
vào bản đồ địa chính phường Thanh Lương với số thửa 187, tờ bản đồ 6I-IV-27 kèm
theo sơ đồ Trích sao bản đồ hiện trạng sử dụng đất tỷ lệ 1:200 cùng với các hộ
dân toàn khu vực thể hiện không hề có rãnh nước công cộng lô thiên
chảy qua nhà tôi.
Năm
2001 ông Thiệp đã được UBND quận Hai Bà Trưng cấp giấy phép xây dựng do chính
ông Lâm Anh Tuấn ký trong các bản vẽ hồ sơ thiết kế xây dựng ngôi nhà hiện nay
cũng không
thể hiện có rãnh thoát nước lộ thiên chảy qua đất của ông Thiệp.
Còn
cái cống chìm hiện nay trong khuôn viên nhà ông Thiệp thì do UBND phường Thanh
Lương vào thực hiện cưỡng chế trước thời điểm tòa án tiến hành xem xét thẩm định
tại chỗ. Do đó chưa thể kết luận có cái cống chung của các hộ dân tổ 28B nằm
trong khuôn viên đất của ông Thiệp.
Tôi
cho rằng lý do này cũng không phải là căn cứ để thu hồi giấy chứng nhận đã cấp
của ông Thiệp với lập luận như sau:
-Vì giấy chứng nhận QSD đất là chứng thư pháp lý của
Nhà nước cấp cho người sử dụng đất để công nhận việc sử dụng đất hợp pháp của họ.
Như vậy đối với các vụ án hành chính yêu cầu hủy quyết định thu hồi giấy chứng
nhận đã cấp cần dựa vào các văn bản luật nội dung về pháp luật đất đai và cần
phải xem xét 1 cách cẩn trọng như việc thu hồi sổ đỏ vì việc cấp đó đã xâm phạm
đến quyền và lợi ích của những ai. Tại phiên tòa qua phần xét hỏi của luật sư
phía đại diện UBND quận HBT không chỉ ra được cơ quan, tổ chức, hộ gia đình nào
bị xâm phạm quyền lợi ngoài gia đình ông Thiệp. Đó chính là câu hỏi mà luật sư
đã đặt ra vậy có cần thiết phải thu hồi giấy chứng nhận đã cấp để buộc gia đình
ông Thiệp phải tiến hành kê khai đăng ký để được cấp lại giấy chứng nhận? Điều
này là không cần thiết và gây lãng phí cho Nhà nước.
Bản chất sâu xa của vấn đề bắt đầu từ việc tranh chấp có
liên quan đến quy định về thoát nước thải của các bất động sản liền kề. Do đó
cần phải căn cứ vào các quy định của Bộ luật dân sự để xem xét việc UBND quận
Hai Bà trưng thu hồi sổ đỏ của ông Thiệp chỉ vì cho là trong đất nhà ông Thiệp
có cái cống nước chung của 1 số hộ dân có đúng thẩm quyền về luật hành chính
hay không?
Trước hết theo điều 270 Bộ luật dân sự, chủ sở hữu nhà phải
làm cống ngầm hoặc rãnh thoát nước để đưa nước thải ra nơi quy định, sao cho
nước thải không chảy tràn sang bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền
kề, ra đường công cộng hoặc nơi sinh hoạt công cộng làm ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, trong trường hợp do vị trí tự nhiên của bất động
sản mà việc cấp, thoát nước buộc phải qua một bất động sản khác thì Điều 277
BLDS quy định chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua phải dành một lối cấp,
thoát nước thích hợp, không được cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy.
Đương nhiên nghĩa vụ đào rãnh hoặc lắp đường thoát nước
thuộc về người sử dụng lối cấp, thoát nước đó, và họ phải hạn chế đến mức thấp
nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi lắp đặt đường
dẫn nước; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Các bên cũng có thể thỏa thuận về việc bên thực hiện cấp thoát
nước phải đền bù cho chủ sử dụng đất có lối cấp thoát nước đi qua.
Từ những quy định trên cứ cho là bà Trịnh Thị Mai (và 1 số
hộ dân không có lối thoát nước thải) phải đi qua đất đã được cấp giấy chứng
nhận của ông Thiệp thì việc ông Thiệp không cho các nhà dân bên cạnh đào rãnh cho nước
chảy qua nhà mình là đúng. Những nhà bên cạnh có nghĩa vụ thực hiện việc đào
rãnh hoặc lắp đặt đường ống ngầm để nước chảy qua nhà bạn sao cho hạn chế đến
mức thấp nhất thiệt hại cho gia đình ông Thiệp (những thiệt hại như ô nhiễm môi
trường, bảo đảm cảnh quan, lấn chiếm diện tích đất quá nhiều...). Nhưng theo
ông Thiệp trình bày thì các hộ bên cạnh đều có lối thoát nước.
Ngày 25/6/2014 ông Thiệp đã có đơn đề nghị tòa án tiến hành
thu thập chứng cứ xem xét xác định xem có những hộ dân nào không có đường thoát
nước thải mà phải chảy qua đất nhà ông Thiệp bởi trong báo cáo số 50 của Thanh
tra chỉ nêu chung chung “theo đơn khiếu
nại của bà Trịnh Thị Mai và một số hộ dân…”.
Do đó luật sư cho rằng nguyên nhân chỉ là bắt nguồn từ việc
khiếu kiện của bà Mai liên quan đến đường nước thải qua đất nhà ông Thiệp bị
tắc. Căn cứ điều 277 Bộ luật dân sự giả sử không có cống chung nào trong đất
nhà ông Thiệp và bà Mai không có lối thoát nước thải nào khác thì ông Thiệp vẫn
phải tạo điều kiện cho bà Mai thoát nước qua đất của nhà ông Thiệp và điều này
cho thấy không cần thiết phải thu hồi giấy chứng nhận của ông Thiệp để thực
hiện kê khai xin cấp lại giấy chứng nhận như QĐ 3637 của UBND quận HBT.
Đề nghị của luật
sư
Căn cứ vào phân tích nêu trên và kết quả thẩm vấn công khai
tại phiên tòa tôi đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thiệp: xác
định QĐ3637 của UBND quận HBT về thu hồi giấy chứng nhận đã cấp cho ông Thiệp là không hợp pháp thẩm
quyền, trình tự thủ tục ban hành và có nội dung trái pháp luật và tuyên hủy
toàn bộ quyết định này.
Xin trân trọng cảm ơn!
Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2014.
Luật sư
(đã ký)
Phan Thị Hương Thủy
Một số hình ảnh tại buổi xem xét thẩm định ngày 11/4/2014:
Hiện trạng sử đất của gia đình ông Thiệp thể hiện không có cái cống chung nào của các hộ dân tổ 28A và 28B
Hiện trạng rãnh nước giữa tường nhà ông Thiệp và nhà ông Tiến trước khi bị UBND phường Thanh Lương vào cưỡng chế xây thành cống ngầm.
Cái cống chìm xây trên cái khe giữa hai nhà: Bức tường nhà ông Thiệp và tường nhà ông Tiến do UBND phường Thanh Lương vào thực hiện cưỡng chế khi Tòa án tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ