Ngày cập nhật: 27/06/2014
Tôi là Phan Thị Hương Thủy, là luật sư thuộc công ty Luật TNHH Hoàng Long – là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Cấn Thị Tần – là Bị đơn trong vụ kiện dân sự “Đòi đất cho ở nhờ” với Nguyên đơn là bà Lê Thị Nhị
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc
----------------*------------------
QUAN ĐIỂM BẢO VỆ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH HƠP PHÁP
CHO BÀ CẤN THỊ TẦN TRONG VỤ
KIỆN ĐÒI ĐẤT CHO Ở NHỜ VỚI BÀ LÊ THỊ NHỊ
Kính thưa Hội đồng xét xử phúc thẩm,
Tôi là Phan Thị Hương
Thủy, là luật sư thuộc công ty Luật TNHH Hoàng Long – là người bảo vệ
quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Cấn Thị Tần – là Bị đơn trong vụ
kiện dân sự “Đòi đất cho ở nhờ” với Nguyên đơn là bà Lê Thị Nhị.
Tôi xin trình bày quan
điểm bảo vệ quyền và lợi ích hơp pháp cho Bị đơn, cụ thể như sau:
I.
Phạm vi xét xử phúc thẩm lần
này:
Đây là lần thứ 2 vụ án
được đưa ra xét xử theo trình tự phúc thẩm. Vụ án được Tòa án Nhân dân quận Tây
Hồ đưa ra xét xử sơ thẩm bằng bản án dân sự sơ thẩm số …..ngày đã chấp nhận yêu
cầu kiện đòi đất cho mượn của Nguyên đơn.
Ngày 05/1/2010 của Tòa
án nhân dân TP. Hà Nội đã xét xử theo trình tự phúc thẩm tại bản án phúc
thẩm số 02/2010/DSPT đã quyết định bác yêu cầu kiện của Nguyên đơn.
Theo Quyết định giám
đốc thẩm số 696/2011/DS-GĐT ngày 19/9/2011 của Tòa án nhân dân Tối cao
hủy bản án phúc thẩm số 02 của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội để đưa về
Tòa án Hà Nội giải quyết lại.
Nên quan điểm luật sư
sẽ căn cứ vào các yêu cầu của án giám đốc để bảo vệ cho Bị đơn.
1- Với các câu hỏi mà
luật sư đã nêu ra yêu cầu Nguyên đơn trả lời để làm rõ các căn cứ đi kiện và
tài liệu chứng cứ cho yêu cầu kiện gồm:
a) Các giấy tờ về việc sử dụng đất: 5 tài liệu mà Nguyên đơn dựa vào làm
căn cứ để kiện đòi đất của Bị đơn bao gồm: Biên bản cắm mốc giới ngày
11/11/1957; Biên bản họp giải quyết tranh chấp ngày …/…/1958, Văn tự bán đất tư
thổ của ông Trần Ngọc Đắc bán cho ông Vũ Văn Giêu mà Nguyên đơn nói là đã bán
rồi chuộc lại.
Vì diện tích mà Nguyên
đơn và Bị đơn đang tranh chấp (21m2) chưa được cấp giấy chứng nhận và nguyên đơn chỉ kê khai việc sử dụng
đất kể từ năm 1995 chứ không kê khai từ đầu cùng với diện tích đã được cấp sổ
đỏ.
Nên cần phải đánh giá
tính pháp lý của các giấy tờ mà Nguyên đơn xuất trình thì thấy như sau: Tất cả
các giấy tờ này đều không phải là một trong các loại giấy tờ về sử dụng đất
theo quy định tại khoản 1 điều 50 Luật đất đai và đều do Nguyên đơn xuất trình
chứ không lưu giữ tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Do đó diện tích này sẽ
không được Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
b) Đánh giá các căn cứ đòi đất của Nguyên đơn:
Căn cứ vào đơn khởi
kiện của Nguyên đơn cũng như các tài liệu có trong hồ sơ vụ án thì
Nguyên đơn chủ yếu căn cứ vào 3 tài liệu xuất trình tại Tòa án gồm:
Văn tự bán đất của ông Trần Ngọc Đắc cho ông Vũ Văn Giêu ngày
22/9/1941; Biên bản cắm mốc giới ngày 11/11/1957; Biên bản hòa giải
tại UBHC xã Tứ Liên ngày 22/7/1959 để xác định quyền sử dụng đất
Nguyên đơn và khẳng định có việc Nguyên đơn cho Bị đơn ở nhờ.Đi vào
đánh giá từng giấy tờ tôi cho rằng có dấu hiệu giả mạo chữ ký con dấu trên các
giấy tờ mà Nguyên đơn xuất trình làm căn cứ đi kiện ví dụ:
* Tài liệu Biên bản
cắm mốc giới ngày 11/11/1957. Tôi xin phân tích như sau:
Nguyên đơn cho rằng Biên
bản cắm mốc giới ngày 11/11/1957 là tài liệu chứng minh hình dáng,
kích thước diện tích đất mà phía Bị đơn ở nhờ hoặc lấn chiếm của
Nguyên đơn. Tuy nhiên, tôi thấy rằng tài liệu này không có giá trị
pháp lý về cả hình thức lẫn nội dung, cụ thể: Biên bản này thể
hiện là Biên bản cắm mốc giới, có nghĩa là việc xác định một cách
công khai mốc giới, số đo của hai thửa đất giáp ranh (liền kề) trước
sự chủ trì và chứng kiến của một
số cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, có như vậy mới đảm bảo tính
khách quan, trung thực; tuy nhiên trong Biên bản này thể hiện thành
phần tham gia lại chỉ có người phía Nguyên đơn, chứ không có bên Bị đơn.
Như vậy Biên bản này chỉ được đo đạc và kẻ vẽ theo yêu cầu của một
bên, nội dung Biên bản thể hiện chỉ có một bên mời, do vậy đây chỉ
là Biên bản do Nguyên đơn tự ý
mới nhân viên sở địa chính xuống đo vẽ xác định, chứ phía Bị đơn
không hề hay biết, không được tham gia, không kí vào Biên bản này.
Mặt khác, tại Biên
bản này lại ghi thửa đất nhà Nguyên đơn kiện đòi bị đơn là thửa 78,
tờ 6, diện tích 145m2 chứ không phải thửa số 29 diện tích 172m2 như
văn tự bán đất Nguyên đơn trình bày. Tức là hai tài liệu ghi tên và số
hiệu 2 thửa đất không có tính liên quan gì đến nhau.
- Về hình thức: đây là 1
văn bản có ở phần đầu là viết tay phần dưới lại có đánh máy chữ. Bên lề có ghi
nội dung: giám đốc Sở tài chính đã xem. Có chữ ký và đóng dấu. Việc 1 tài liệu
mà có hình thức như nêu trên không chính thống và tùy tiện nên không có giá trị
pháp lý.
- Về nội dung: Trong giai
đoạn Tòa án quận Tây Hồ xét xử từ năm 2010 cho đến khi Tòa án Hà Nội xét xử
phúc thẩm lần 1 vào năm 2011 cho đến nay. Tòa án các cấp đã nhiều lần đánh công
văn hỏi cơ quan quản lý nhà nước về đất đai về tài liệu có tiêu đề nêu trên
cùng với các số tên, số thửa ghi trong đó thì tất cả các văn bản trả lời của
các cơ quan này là không có tài liệu nào ghi số thửa số tên như vậy.
Việc một tài liệu quan
trọng như vậy mà không hề có lưu trữ trong cơ quan quản lý nhà nước là một vấn
đề khó hiểu và không bình thường và tôi cho rằng đây là tài liệu giả mạo hoặc
là dấu giả hoặc là có hành vi sử dụng con dấu thật đóng lên tài liệu giả mạo.
Nên rất cần thiết phải có trưng cầu giám định để xác định làm rõ. Tôi đề nghị
tòa án phải làm rõ tài liệu này vì ngày …/…/2012 tòa án Hà Nội đã có công văn
số ….yêu cầu Sở TN và MT cung cấp thông tin về Biên bản cắm mốc giới năm 1957
trong đó có thông tin về thửa số 78 và 89 nhưng Sở không trả lời vì không có
tài liệu này trong hồ sơ lưu trữ.
- Về tên địa danh làng xã
nơi thửa đất tọa lạc: Căn cứ trong phần viết tay thể hiện thửa đất có tranh
chấp xưa kia tọa lạc ở làng Tứ Châu cũ sau mới đổi thành xã Tứ Liên và Nguyên
đơn cho rằng nay là phường Tứ Liên, quận Tây Hồ. Về vấn đề này UBDN phường tứ
Liên vào ngày đã tổ chức một hội nghị gồm các thành phần trong đó có cả những
người cao tuổi và đã xác định: Phường Tứ Liên quận Tây Hồ hiện nay trước kia là
xã Tứ Liên thuộc huyện Từ Liêm, chứ chưa
bao giờ có tên là làng Tứ Châu cũ.
Vì vậy tôi cho rằng địa
danh mà trong biên bản cắm mốc giới ngày 11/11/1957 là 1 nơi khác chứ không
phải phường Tứ Liên của ngày nay.
Mặt khác theo Nguyên đơn
và Bị đơn khai vị trí nhà 104 Âu cơ có một mặt giáp đê và đã bị nhà nước nhiều
lần lấy đất mở rộng đê Âu cơ. Căn cứ hồ sơ giải phóng mặt bằng năm 1995 cho
thấy vị trí nhà 104 Âu cơ của Bị đơn đã bị lấy toàn bộ ngôi nhà nên đã được bồi
thường 1 xuất đất tái định cư. Do con trai trưởng của ông Tâm là Lê Văn Tường
đứng tên kê khai và nhận tiền. Những gia đình nào không bị lấy mất toàn bộ nhà
thì không được bồi thường đất tái định cư. Tại vị trí đất của Nguyên đơn cũng
bị lấy hết nhà và cũng được bồi thường đất tái định cư do con gái của bà Nhị là
Trần Thị Nghi đứng tên.
Như vậy nếu theo hình chữ
nhật đánh dấu ABCD tại Biên bản cắm mốc giới ngày 11/11/1957 thì thấy không còn
21m2 mà nguyên đơn nói là cho bị đơn mượn đất nữa. Mặt khác trên thực tế hiện
nay đuôi đất của hình chứ nhật này không có bằng với khổ đất nào của thửa đất
do Nguyên đơn quản lý nên tôi khẳng định diện tích này (ABCD) đã bị lấy hết khi
lấy đất làm đê.
- Về vị trí đất tranh
chấp Nguyên đơn cho rằng vị trí hình chữ nhật ABCD thuộc thửa đất số 78 và 89
tờ số 6 bản đồ năm 1941 và năm 1932 theo Biên bản cắm mốc giới năm 1957 chính là vị trí nhà số 104 Âu cơ bây giờ thì
tôi thấy không có căn cứ nào thể hiện như vậy.
*Tài liệu thứ hai mà cũng có nhiều vấn đề cần làm rõ đó
là Văn đất bán đất tư thổ của ông Trần Ngọc Đắc cho ông Vũ Văn Giêu thì đây là
văn tự bán đất mà Nguyên đơn khai là đã chuộc lại. Tài liệu này chỉ thể
hiện việc hai bên mua bán một mảnh đất có đặc điểm là thửa là số
29 và diện tích là 172m2 (có sự sửa chữa tẩy xóa). Trong khi đó
diện tích mà Nguyên đơn cho rằng Bị đơn ở nhờ của Nguyên đơn lại
thuộc thửa đất số 126 hoặc 127 (theo hệ bản đồ năm 1994). Nguyên đơn
nói là đây là đất chuộc lại nhưng trên đấy không có dòng chữ nào trên đó thể
hiện là chuộc lại mà chỉ thể hiện là bán đất. Mặt khác cũng không thể nói vị
trí thửa đất trong đó là vị trí đất mà bà Nhị đang quản lý sử dụng (từ số 106
đến 110 Âu cơ) vì theo tài liệu địa chính của UBND phường Tứ Liên cung cấp cho
tòa thì thửa đất của nguyên đơn trước năm 1960 thể hiện tên chủ sử dụng đất là
ông Trần Ngọc Hanh chứ không ghi tên ông Trần Ngọc Đắc nên không thể chấp nhận
lời khai của Nguyên đơn là đã chuộc lại đất.
2- Xem xét về quyền đi kiện của nguyên đơn và tư cách của người đại
diện theo ủy quyền của Nguyên đơn tại phiên tòa hôm nay: Trong vụ án
này nguyên đơn là bà Lê Thị Nhị góa của ông Trần Ngọc Đắc. Ông Đắc là con trai
của cụ Trần Ngọc Hanh. Theo giấy tờ về nguồn gốc đất do Cơ quan có thẩm quyển
lưu giữ thì chỉ thể hiện đất của cụ Hanh chứ không hề thể hiện đất của ông Đắc.
Bà Nhị đến tận năm 1975 mới được ghi tên chử sử dụng thửa đất là tự kê khai chứ
không phải do được thừa kế hợp pháp từ cụ Hanh.
Căn cứ ý kiến hội nghị do
UBND phường tổ chức thì cụ Hanh có con cháu sống tại địa phương nhưng không
được tòa án đưa vào nên tôi cho rằng nguyên đơn không có quyền đi đòi đất của
cụ Hanh mà phải là tất cả các thừa kế theo pháp luật của cụ Trần Ngọc Hanh và
vợ là Lê Thị Trần.
Mặt khác theo Nguyên đơn
khai thì vừa qua bà Lê Thị Nhị đã mất nên tôi yêu cầu tòa án xác định xem bà Nhị
có di chúc yêu cầu các thừa kế tiếp tục đi kiện đòi đất của Bị đơn nữa không. Vì
tại phiên tòa hôm nay chỉ có mình ông Trần ngọc Hiệp là người đại diện theo ủy
quyền cho Nguyên đơn. Căn cứ điều Bộ luật dân sự thì việc ủy quyền chấm dứt khi
người ủy quyền chết.
II- Vì vụ án này được xét xử lại theo yêu cầu của án giám đốc thẩm.Nên
cần xem xét các vấn đề mà án giám đốc đặt ra yêu cầu để Tòa án nhân
dân TP. Hà Nội giải quyết lại lần này bao gồm:
a) Theo án giám đốc
xác định thì phần đất mà Bị đơn đang sử dụng là của vợ chồng cụ
Trần Ngọc Hanh và cụ Lê Thị Trần (là cha mẹ chồng của bà Lê Thị
Nhị và là cha mẹ của ông Trần Ngọc Đắc). Như vậy chính án giám đốc cũng
xác định nguồn gốc đất là của cụ Hanh chứ không phải của ông Đắc –chồng bà Nhị.
b) Án giám đốc còn cho
rằng việc Bị đơn khi bán đất có sang nhà Nguyên đơn biếu 50 triệu để nguyên đơn
đồng ý ký giấy bán đất và cho rẳng đó là căn cứ để xác định Bị đơn có mượn đất
thì mới sang biếu tiền. Nhận định này là trái với điều Bộ luật dân sự và điều Luật
đất đai quy định vê nguyên tắc hòa giải các tranh chấp đất cát trong dân . Đó
là xuất phát từ truyền thống đạo lý của người việt nam bán anh em xa mua láng
giềng gần và nhất là quan hệ huyết thống giữa nguyên đơn và bị đơn cụ thể:
Nguyên đơn khai: ông Vinh
bố ông Tâm là anh em con chú con bác với cụ Hanh –bố của ông Đắc chồng của bà
Nhị. Nên tại Biên bản hòa giải năm 1958 ông Tâm là con của ông Vinh tuy không
phải lả người mượn đất nhưng vì tình cảm nên cũng đồng ý di chuyển chuổng gà
giữ tình cảm với bà Nhị. Nên đến năm 1998 khi con ông Tâm bán đất cho thì cũng
đến nhà bà Nhị để biếu tiền để được ký giấy bán. Đây là 1 truyền thống nên cần
khuyến khích chứ không thẻ là cho rằng là căn cứ đi đòi đất vì không thể suy
đoán như vậy . Bản án của tòa án phải kết hợp hài hòa nguyên tắc xét xử theo
pháp luật nhưng vẫn thấu tình đạt lý để các đương sự tâm phục khẩu phục . Nhất
là duy trì và bảo tồn những giá trị văn hóa của truyền thống tốt đẹp của cha
ông để lại.
III- Về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất của Bị đơn
Cần lưu ý diện tích đất
mà Nguyên đơn đi đòi Bị đơn thuộc thửa đất của Bị đơn từ năm 1956 đến nay.
Nguyên đơn chỉ kê khai từ năm 1995. Tức là thửa đất do Chủ tịch Trần Duy Hưng
cấp cho ông Lê Văn Vinh là bố của ông Lê Văn Tâm.
Căn cứ Công văn số 12/UB-TP
ngày 23/01/2003 và số 61/UB-ĐC ngày 30/05/2008 do Ủy ban Nhân dân phường
Tứ Liên cung cấp cho Tòa án Nhân dân quận Tây Hồ thì diện tích đất này
suốt từ những năm 1960 trở về đây đều đứng tên phía Bị đơn là các
ông Lê Văn Vinh, Lê Văn Tâm (cụ thể: Từ năm 1960 đến năm 1986 diện tích
nhà đất tại số 104 Âu Cơ thuộc thửa số 182 đứng tên ông Lê Văn Vinh
(ông nội của Bị đơn), từ năm 1986 đến năm 1994 thuộc thửa số 48 đứng
tên ông Lê Văn Tâm (bố của Bị đơn), từ năm 1994 đến năm 1998 đến nay
thuộc thửa đất số 126, 127 đứng tên ông Lê Văn Tâm, từ năm 1998 đến nay
nhà đất tại số 104 Âu Cơ thuộc thửa số 127) chứ không thể hiện có
thửa đất số 29 nào như trên văn tự bán đất như phía Nguyên đơn xuất
trình. Mãi đến năm 1998 bà Nhị mới tự ý kê khai diện tích 21m2 tại
thửa số 126 tờ bản đồ số 11 năm 1994 (diện tích này nằm trong diện
tích 97m2 thuộc thửa số 127 mà ông Tâm kê khai). Điều này hoàn toàn
phù hợp với lời khai của phía Bị đơn về nguồn gốc nhà đất của ông
nội Bị đơn để lại cũng như phù hợp với Giấy chứng nhận quyền sở
hữu ruộng đất số 156 tờ thứ 2 địa bạ số 4 do Chủ tịch UBND TP. Hà
Nội Trần Duy Hưng ký cấp cho ông nội của Bị đơn là ông Lê Văn Vinh.
Tóm lại:
- Không xác định được
nguồn gốc đất tranh chấp của ông Trần Ngọc Đắc – chồng bà Lê Thị
Nhị là Nguyên đơn.
- Không có căn cứ để
xác định diện tích 21m2 hiện nay ở 104 Âu Cơ là đất ở cho mượn theo
Biên bản cắm mốc giới ngày 11/11/1957 vì theo sơ đồ thể hiện phần
đất này giáp mặt đê, nhưng từ năm 1960 đến 1995 Nhà nước đã mấy lần
lấy đất mở rộng mặt đê Nhật Tân nên hiện nay không còn phần đất mà
bên Nguyên đơn đòi nữa.
Vì vậy tôi đề nghị Hội
đồng xét xử bác đơn yêu cầu khởi kiện đòi đất ở cho mượn của Nguyên
đơn vì không có căn cứ xác định phía Bị đơn lấn đất (hoặc ở nhờ
đất) của Nguyên đơn như đơn khởi kiện.
Xin chân thành cảm ơn
quý tòa.
Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2012.
Luật sư
(đã ký)
Phan Thị Hương Thủy
Biên bản cắm mốc giới - căn cứ đòi đất của Nguyên đơn:
Một số hình ảnh vụ án:
Luật sư Phan Thị Hương Thủy chụp ảnh cùng gia đình Bị đơn trước Tòa Hà Nội
Niềm vui trong nước mắt của gia đình Bị đơn sau 40 năm kiện tụng