Tư vấn pháp luật về di chúc theo yêu cầu của bà Ngô Thị Nguyệt

Ngày cập nhật: 11/06/2014
Tháng 5 năm 2011 Công ty Luật TNHH Hoàng Long nhận được Đơn yêu cầu tư vấn của bà Ngô Thị Nguyệt, địa chỉ số 5 ngõ 454 đường Bưởi, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội. Nội dung tư vấn liên quan đến việc xác định tính hợp pháp bản di chúc của cụ Nguyễn Thị My lập ngày 28/2/1993 có người làm chứng trước mặt công chứng viên để lại ngôi nhà 26 phố Hàng Hòm, quận Hoàn Kiếm cho 3 người con trai: Ngô Tiến Thành, Ngô Tiến Uy, Ngô Mậu Tuất.

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc Lập – Tự do – Hạnh Phúc

---------------***----------------

Hà Nội, ngày 21 tháng 5 năm 2011

 

BẢN TƯ VẤN PHÁP LUẬT

VỀ DI CHÚC HỢP PHÁP

 

Kính gửi: Bà Ngô Thị Nguyệt 

Địa chỉ: Số 5, Ngõ 454,  đường Bưởi, phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình, Hà Nội 

-         Căn cứ  vào Đơn yêu cầu tư vấn liên quan đến tính hợp pháp của bản di chúc của cụ Nguyền Thị My lập ngày 28/2/1993 tại công chứng.

-         Căn cứ bản tường trình của bà Nguyễn Thị Nguyệt

-         Trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu kèm theo đơn yêu cầu tư vấn pháp lý (bản án

-         Đối chiếu vào các quy định của Bộ luật dân sự năm 2005

Công ty luật TNHH Hoàng Long tư vấn như sau:

Theo yêu cầu của bà đề nghị luật sư xác định tính hợp pháp của bản di chúc của cụ Nguyễn Thị Mỵ lập ngày 28/2/1993 có người làm chứng trước mặt công chứng viên để lại ngôi nhà 26 phố Hàng Hòm, quận Hoàn Kiếm cho 3 người con trai gồm: Ngô Tiến Thành, Ngô Tiến Uy, Ngô Mậu Tuất.

Việc xác định một di chúc hợp pháp (hay không hợp pháp) cần phải căn cứ vào các quy định của Bộ luật dân sự về di chúc .

Tại điều 646 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định: Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”. Một di chúc được coi là hợp pháp phải tuân thủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 652 Bộ luật dân sự năm 2005 bao gồm:

« a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;

b) Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật ».

Như vậy một di chúc được coi là hợp pháp phải đảm bảo các điều kiện: 1) thể hiện ý chí của người để lại di chúc (tức là phải minh mẫn, sáng suốt) và 2) tài sản để lại di chúc phải thuộc sở hữu của người chết.

Để xác định bản di chúc của cụ Nguyễn Thị Mỵ lập ngày 28/2/1993 có người làm chứng trước mặt Công chứng viên để lại ngôi nhà 26 phố Hàng Hòm, quận Hoàn Kiếm sau khi cụ Mỵ chết cho 3 người con trai gồm: Ngô Tiến Thành, Ngô Tiến Uy, Ngô Mậu Tuất là di chúc hợp pháp cần căn cứ vào các quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về di chúc.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu do bà cung cấp chúng tôi nhận thấy chưa đủ căn cứ để xác định tính hợp pháp của bản di chúc nêu trên biểu hiện ở các dấu hiệu sau:

Thứ nhất: Theo quy định tại điều 649 Bộ luật dân sự quy định hình thức của di chúc như sau: “Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng”.

Điều 650 Bộ luật dân sự quy định các loại di chúc bằng văn bản bao gồm 4 loại:

“1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;

2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;

3. Di chúc bằng văn bản có công chứng;

4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực”.

Theo bản tường trình của bà thì mẹ của bà không biết chữ nên đã đến Phòng công chứng Nhà nước số 1 để lập di chúc trước sự chứng kiến của ông Nguyễn Ngọc Giáp là phù hợp với khoản 3 điều 652 Bộ luật dân sự: “Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực » và thuộc loại di chúc bằng văn bản có công chứng quy định tại khoản 3 điều 650 trên đây.. 

Vì di chúc được lập trước mặt người làm chứng và được Công chứng viên nên có thể xác định di chúc đảm bảo điều kiện « không bị  lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép ». Tuy nhiên vì thời điểm cụ Mỵ lập di chúc là lúc cụ 77 tuổi nên cần có thêm tài liệu (xác nhận của bác sĩ ) để chứng minh trạng thái sức khỏe của cụ Mỵ là « minh mẫn, sáng suốt » vì luật quy định chỉ khi minh mẫn sáng suốt thì mới có năng lực thể hiện ý chí của mình về định đoạt tài sản. Bản thân người làm chứng là ông Nguyễn Ngọc Giáp cũng chỉ làm chứng cụ Mỵ « tự nguyện » chứ không xác định cụ Mỵ « minh mẫn, sáng suốt ». Còn lời chứng của Công chứng viên cũng chỉ chứng nhận cụ Mỵ có trạng thái « bình thường ».

Do đó chưa đảm bảo điều kiện cụ Mỵ « minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc » như quy định tại điểm a khoản 1 điều 652 Bộ luật dân sự năm 2005.

Thứ hai : Sau khi nghiên cứu các thời điểm ghi trong bản di chúc chúng tôi phát hiện sự thiếu lô gic về thời điểm lập di chúc tại công chứng (ngày 8/2/1993) nhưng lại ghi thời điểm cụ Mỵ được sang tên sở hữu nhà (ngày 11/7/1993)-tức là 5 tháng sau khi lập công chứng. Đây có thể là sự sai sót trong đánh máy nhưng cũng làm giảm tính hợp pháp của di chúc.

Thứ ba: Trong bản di chúc của cụ Mỵ có nội dung: “ Tôi là chủ sở hữu ngôi nhà 26 Hàng Hòm, Hà Nội theo Hợp đồng mua bán nhà được lập và chứng nhận tại Phòng công chứng Nhà nước số 1 , Thành phố Hà Nội ngày 7/2/1992 , đăng ký sang tên tại Hà Nội ngày 11/7/1993 quyển 12 tờ 8 số 2220. Nhưng đoạn tiếp theo của di chúc thể hiện cụ Mỵ không phải chủ sở hữu ngôi nhà:  “ Do khi mua ngôi nhà này, mặc dù hợp đồng mua bán đứng tên một mình tôi nhưng thực chất số tiền mua ngôi nhà do tôi và 3 người con trai tôi là Ngô Tiến Thành, Ngô Tiến Uy, Ngô Mậu Tuất bỏ ra” .

Căn cứ sự thừa nhận của cụ Mỵ có người làm chứng trước mặt Công chứng viên thì ngôi nhà 26 Hàng Hòm không phải là tài sản của một mình cụ Mỵ mà là tài sản thuộc sở hữu chung của 4 người gồm: cụ Nguyễn Thị Mỵ và 3 người con trai là các ông Ngô Tiến Thành, Ngô Tiến Uy, Ngô Mậu Tuất.

Mặt khác do trong di chúc không nói rõ việc đóng góp tiền của từng người nên ngôi nhà này được coi là tài sản chung của các đồng sở hữu chung.

Căn cứ điều 164 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định chủ sở hữu đối với tài sản (ví dụ ngôi nhà 26 Hàng Hòm) phải có đầy đủ ba quyền đó là: “quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luậ”t.

Do ngôi nhà 26 Hàng Hòm không phải là tài sản thuộc sở hữu riêng của cụ Mỵ nên cụ Mỵ không thể định đoạt toàn bộ đối với tài sản này (cụ thể là để lại thừa kế cho 3 người con trai như thể hiện trong di chúc). Cụ Mỵ chỉ có quyền định đoạt phần tài sản (phần nhà) thuộc sở hữu của cụ nhưng vì không có căn cứ để xác định phần nào trong ngôi nhà là của cụ Mỵ.

Thứ tư:

Sau khi nghiên cứu hai bản án kèm theo bản tường trình mà bà cung cấp có liên quan đến nguồn gốc ngôi nhà 26 Hàng Hòm, chúng tôi nhận xét chưa đủ cơ sở để xác định ngôi nhà này là tài sản thuộc sở hữu của cụ Mỵ và các ông Ngô Tiến Thành, Ngô Tiến Uy, Ngô Mậu Tuất vì :

Ngôi nhà 26 Hàng Hòm có nguồn gốc là nhà cụ Ngô Văn Chức (chồng cụ Nguyễn Thị Mỵ) thuê một mảnh đất của chủ sở hữu trước đây là ông Quách Văn Hương, Quách Hữu Tế từ năm 1950 để làm nhà ở. Sau khi xây nhà xong, gia đình cụ Chức cụ Mỵ ở tại đây và chuyển sang ở thuê của nhà chủ.Gia đình vợ chồng cụ Chức và cụ Mỵ đã sinh sống tại ngôi nhà này trên 40 năm.  Trong thời gian ở vợ chồng cụ Chức đã nhiều lần sửa chữa, tu tạo ngôi nhà. Căn cứ bản án phúc thẩm số 72 ngày 1/12/1990 của Tòa án thành phố Hà Nội xác định giá trị sửa chữa nhà của vợ chồng cụ Chức là 16.611.000 đồng (trong tổng số giá trị của toàn ngôi nhà là 28.000.000 đồng vào thời điểm tòa án xét xử). Sau đó chủ nhà đã bán lại ngôi nhà cho gia đình cụ Chức với giá 17 cây vàng (trong khi toàn bộ giá trị nhà là 60 cây vàng) vì được chủ nhà trừ cho phần giá trị sửa chữa nhà của gia đình cụ Chức quy ra vàng). Do lúc mua lại nhà thì cụ Chức đã mất (cụ Chức mất năm 1965) đến năm 1993 mới sang tên sở hữu nhà nên chỉ có một mình cụ Nguyễn Thị Mỵ đứng tên (và trong bản án cũng chỉ có tên cụ Nguyễn Thị Mỵ). Nên phải xác định ngôi nhà 26 Hàng Hòm là di sản của cụ Chức và cụ Mỵ chứ không phải là do tiền của cụ Mỵ cùng 3 người con trai đóng góp như thể hiện trong di chúc.

Vì cụ Chức mất không có di chúc nên phẩn di sản của cụ Chức để lại cho các thừa kế của cụ Chức là cụ Mỵ cùng 5 người con (bao gồm cả 2 người con gái là bà Ngô Thị Nguyệt và Ngô Thị Nga). Theo bản tường trình của bà thì ông Ngô Tiến Thành (mất năm 2004) trước thời điểm cụ Mỵ chết (cụ Mỵ mất vào tháng 1 năm 2011) nên thuộc trường hợp “người thừa kế theo di chúc đều chết trước thời điểm với người lập di chúc”quy định tại điểm c khoản 1điều 675 Bộ luật dân sự năm 2005.;

Quan điểm của luật sư:

- Căn cứ các phân tích nêu trên thì bản di chúc do cụ Nguyễn Thị Mỵ lập ngày 28 tháng 2 năm 1993 là không phù hợp với quy định của pháp luật nên không thể căn cứ vào di chúc để chia thừa kế được (vì toàn bộ nội dung không hợp pháp).

- Trong trường hợp này thì ngôi nhà 26 Hàng Hòm sẽ được chia thừa kế theo pháp luật theo quy định tại khoản 1 điều 675 Bộ luật Dân sự năm 2005. (Điều này quy định về những trường hợp thừa kế theo pháp luật bao gồm:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Những người thừa kế theo di chúc đều chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn vào thời điểm mở thừa kế”).

- Những ý kiến tư vấn của Công ty luật TNHH Hoàng Long chỉ có giá trị trong khuôn khổ những tài liệu do khách hàng cung cấp, khi được cung cấp thêm tài liệu chúng tôi sẽ điều chỉnh bản tư vấn cho phù hợp với tài liệu mới.

 

CÔNG TY LUẬT TNHH HOÀNG LONG

Giám đốc

(đã ký)

Phan Thị Hương Thủy