Những bất cập của Luật đất đai cần nhanh chóng sửa đổi căn bản qua phiên tòa xét xử vụ án hành chính của Hợp tác xã Trồng rau Chiến Thắng, thành phố Hạ Long.
Hợp tác xã là mô hình kinh tế tập thể đã tồn tại từ rất lâu ở nước ta là nơi tập hợp những người nông dân xã viên tự nguyện “cùng nhau góp gạo thổi cơm chung” với tinh thần tương trợ, tương thân, tương ái, thấm đượm tình làng, nghĩa xóm. VN là một nước nông nghiệp nên mô hình kinh tế hợp tác xã là thể chế không thể thiếu được trong sự phát triển đất nước vì nó rất gần gũi với người nông dân.
Tuy ra đời sớm nhất nhưng kinh tế hợp tác xã phát triển rất chật vật, qua bao nấc thăng trầm, khó khăn với một nền pháp lý về hợp tác xã cho đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Còn nhiều bất cập, vướng mắc chủ yếu trong vấn đề pháp lý và cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, nên hiệu quả kinh tế không được cao. Nhất là trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế thị trường hiện nay mô hình này đang ở trong tình trạng bị “bỏ rơi” tự bươn chải tồn tại không có điều kiện để phát huy hết tiềm năng của mình.
Tuy điều 20 Hiến pháp năm 1992 long trong tuyên bố đảm bảo về mặt Nhà nước cho kinh tế tập thể hợp tác xã được phát triển. Luật Hợp tác xã đã được ban hành 3 lần (1996, 2003, 2012) quy định giá trị quyền sử dụng đất được nhà nước giao sử dụng lâu dài ổn định là tài sản hợp pháp của hợp tác xã được nhà nước công nhận và bảo hộ. Trường hợp Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc lợi ích quốc gia thì được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản.
Đất đai là cội nguồn và điều kiện cơ bản để phát triển nông nghiệp, là tư liệu sản xuất không thể thay thế của người lao động nông dân xã viên. Nhưng thực tế hiện nay đất canh tác của các hợp tác xã càng ngày càng bị thu hẹp bởi quá trình đô thị hóa, thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế, xã hội ở hầu hết các địa phương trên khắp đất nước. Đời sống người nông dân xã viên –hạt nhân của các hợp tác xã nông nghiệp đều rất khó khăn và họ cũng là người chịu thiệt thòi nhất trước tình trạng hành chính hóa thu hồi đất đai thông qua cơ chế Nhà nước thu hồi đất hiện hành một cách tùy tiện ở một số nơi. Vì điều 38 Luật đất đai hiện hành quy định các căn cứ nhà nước thu hồi đất rất chung chung nên đã bị nhiều địa phương lạm dụng để phục vụ cho lợi ích riêng, đẩy người nông dân vào tình trạng “người cày mất ruộng”, hợp tác xã cũng không còn cơ sở để tồn tại phải giải thể vì tài sản chủ yếu của các hợp tác xã nông nghiệp là đất đai. Quy định bất cập về giá bồi thường đất nông nghiệp và chính sách bồi thường khi thu hồi đất nông nghiệp do hợp tác xã quản lý trong Luật đất đai hiện hành góp phần làm cho người nông dân bị bần cùng hóa vì không còn tư liệu sản xuất, với số tiền bồi thường không thể giúp họ chuyển đổi nghề nghiệp việc làm.
Với trình độ và nhận thức pháp luật hạn chế, những người nông dân xã viên thường phải chịu thiệt thòi vì dễ bị lợi dụng để thực hiện các hành vi tham nhũng đất đai khi đất nông nghiệp của họ bị chính quyền thu hồi bồi thường với giá thấp để giao cho nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển kinh tế nhưng sau đó chuyển nhượng với giá cao hơn gấp nhiều lần …Hệ quả tất yếu là hình thành những đại gia đất đai giàu có bên cạnh những nông dân đã bị bần cùng hóa do chỉ được nhận giá bồi thường thấp, không còn tư liệu sản xuất, lại không điều kiện và năng lực để chuyển đổi nghề nghiệp…có thể lấy ví dụ là vụ án hành chính của Hợp tác xã Trồng rau chiến Thắng cùng 118 xã viên tại Tòa án Hạ Long mới được Tòa án Hạ Long đưa ra xét xử vào ngày 15 tháng Giêng vừa qua.
Ngày 15/01/2013 phiên tòa xét xử vụ án hành chính của Hợp tác xã Rau Chiến Thắng đã diễn ra sau nhiều tháng trì hoãn để hai bên tìm hướng đối thoại nhưng đã không đạt kết quả vì không giải được bài toán chia sẻ quyền lợi giữa người nông dân bị thu hồi đất –Nhà nước-Nhà đầu tư…
Tuy đã ủy quyền cho luật sư nhưng 118 người liên quan là các xã viên thuộc 3 trong 4 đội sản xuất của HTX bị thu hồi toàn bộ đất nông nghiệp được giao theo cơ chế khoán 10 từ năm 1998 để thực hiện dự án Khu đô thị Bãi Muối tại phường Cao Thắng vẫn đến dự phiên tòa để chứng kiến luật pháp của Nhà nước đã bị “bẻ cong” và quyền lực công đã bị sử dụng cho lợi ích tư qua việc áp dụng cơ chế nhà nước thu hồi đất một cách tùy tiện của chính quyền địa phương nhất là những dấu hiệu không “minh bạch”, thiếu công bằng trong ban hành quyết định hành chính trái thẩm quyền, trái pháp luật về phê duyệt giá đất ở để tính hỗ trợ đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư cho những người nông dân bị thu hồi đất.
Điều mà những người nông dân của thành phố có Vịnh Hạ Long nổi tiếng thế giới rất bất bình về việc họ chỉ được thành phố áp giá bồi thường cho mỗi mét vuông đất bị thu hồi là 397.600 đồng gồm: Bồi thường về đất nông nghiệp: 52.000đ/1m2, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp: 9.000đ/1m2, bồi thường rau các loại: 11.000đ/m2; hỗ trợ 20% đất ở liền kề với giá 275.600đ/m2- ( riêng khoản tiền hỗ trợ phải qua 5 lần chi trả nhỏ giọt từ 2007 đến 2009 mới là 275.600 đồng mà vẫn thiếu nên mới dẫn đến vụ án hành chính này) trong khi nhà đầu tư (là Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5-Chi nhánh Quảng Ninh nay là Công ty TNHH Một thành viên 507) sau khi thu hồi đất bán lại với giá 3.700.000đ/m2 chênh nhau rất lớn (theo đơn yêu cầu Tòa án xác minh thu thập chứng cứ mới do phía người khởi kiện nộp tại Tòa vào sáng ngày xét xử là chủ đầu tư chỉ cần chuyển nhượng 4.300m2 đất trong tổng số đất được giao thực hiện dự án đã hơn 16 tỷ chỉ chiếm hơn một nửa số tiền mà họ bỏ ra chi trả bồi thường cho những người nông dân nghèo ).
Dấu hiệu “bẻ cong” luật pháp thể hiện ở chỗ: Tuy quy định về hỗ trợ đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư theo phương pháp bình quân các mức giá đất ở liền kề với khu vực đất bị thu hồi để thực hiện dự án, đã được quy định rất rõ tại các Nghị định của Chính phủ (khoản 2 điều 10 Nghị định 197 ngày 3/12/2004, khoản 1 điều 43 Nghị định 84 ngày 25/5/2007) và được hướng dẫn chi tiết bằng văn bản dưới luật (điều 3 mục VII Thông tư liên tịch số 14 ngày 31/1/2008 Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường) và được chính UBND tỉnh Quảng Ninh đưa vào văn bản luật của tỉnh (điểm 1.1, khoản 1, điều 13 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 1122/QĐ-UBNĐ ngày 20/4/2005) nhưng khi xây dựng giá đất ở liền kề, UBND thành phố Hạ Long đã không thực hiện đúng quy định việc hỗ trợ đất nông nghiệp cho người bị thu hồi đất mà áp dụng phương pháp bình quân gia quyền bằng vận dụng một văn bản có tính chất trao đổi nghiệp vụ có nội dung trái với Thông tư liên tịch của Tổng cục quản lý ruộng đất-Bộ Tài nguyên và Môi trường gây thiệt hại cho 126 xã viên của Hợp tác xã Rau Chiến Thắng vì họ bị thiệt mỗi mét vuông là 239.400đ. Chênh lệch giữa 2 cách tính “bình quân và bình quân gia quyền” theo như lời của vị Trưởng ban đền bù giải phóng mặt bằng dự án này là “hơn 30 tỷ đồng”.
Ngoài ra doanh nghiệp kinh doanh bất động sản này còn được sử dụng hơn 9000m2 đất giao thông mương máng nội đồng trong khu vực đất do Hợp tác xã Rau Chiến Thắng quản lý bị thu hồi mà không phải bồi thường vì UBND thành phố Hạ Long xác định là đất công ích nên nhà đầu tư không phải bồi thường cho Hợp tác xã 1 đồng nào và UBND tỉnh Quảng Ninh cũng không ra quyết định thu hồi đất đối với số đất này. Trong khu vực này còn hơn 10 nghìn m2 đất tuy không thuộc dự án khu đô thị Bãi Muối của Hợp tác xã nhưng cũng nghiễm nhiên thuộc quyền sử dụng của nhà đầu tư vì nằm trong khu vực dự án mà chính quyền thành phố giao bằng biện pháp cưỡng chế hành chính đối với những người nông dân xã viên xẩy ra vào cuối năm 2009. Đó là lý do trong vụ án hành chính này ngoài yêu cầu được tính mức hỗ trợ đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư đúng quy định những người khởi kiện còn yêu cầu thành phố phải bồi thường thiệt hại để bù đắp về tinh thần do ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất của họ để giao cho nhà đầu tư trái pháp luật.
Tình trạng doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư ít nhưng bán giá rất cao “mỗi tấc đất” là “một tấc vàng”, còn người nông dân đầu tư lớn để cải tạo đất đai thì rất thiệt thòi vì thu được chẳng bao nhiêu: đất mà họ được Nhà nước giao sử dụng lâu dài, nhưng khi thu hồi chỉ được bồi thường theo giá đất nông nghiệp theo giá đất do Nhà nước quy định; thời gian sử dụng đất còn lại không được xem xét…tương tự như vụ HTX Rau Chiến Thắng, Hạ Long hầu như xẩy ra ở khắp nơi. Ở đâu có dự án nhà nước thu hồi đất đai là ở đó hình thành tầng lớp đại gia giầu lên nhanh chóng từ đầu cơ, kinh doanh bất động sản do trục lợi từ cơ chế chính sách, bên cạnh với những nông dân đã bị bần cùng hóa vì không còn tư liệu sản xuất không biết làm nghề gì khác ngoài nghề nông, càng góp phần làm rộng hơn khoảng cách giàu nghèo, cách biệt lớn giữa nông thôn và thành thị... Do đó nhiều ý kiến cho rằng cần phải xóa bỏ cơ chế nhà nước thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế bởi nếu vẫn thực hiện cơ chế này, lợi ích của việc chuyển đổi đất sẽ chuyển qua nhà đầu tư; gia tăng nguy cơ tham nhũng và thông đồng giữa các nhà đầu tư và quan chức nhà nước. Ngoài ra, nó còn gây bất mãn trong những người bị thu hồi đất, dẫn đến bất ổn xã hội, làm tăng tình trạng khiếu kiện.
Về tái định cư: Trong trường hợp các xã viên HTX rau chiến thắng tiếng là được 1 suất đất tái định cư nhưng chưa thấy đâu vì chủ đầu tư còn hẹn bao giờ có mới giao…Do đó Luật sửa đổi lần này phải quy định nghiêm về việc tái định cư cho người bị thu hồi đất là nếu chưa có đất tái định cư thì không được thu hồi đất, tránh tình trạng gây bức xúc trong nhân dân.
Đến cuối giờ chiều cùng ngày một bản án đã được vội vã tuyên trong sự thất vọng của hơn một trăm con người tham dự phiên tòa trong đó có nhiều phóng viên của nhiều tòa báo lớn ở Hà nội bởi với phán quyết của Tòa án bác yêu cầu của 118 xã viên yêu cầu UBND thành phố Hạ Long phải tính giá đất ở để làm căn cứ tính giá hỗ trợ đất nông nghiệp bị thu hồi của họ thêm 239.400 đồng cho mỗi mét vuông đồng nghĩa với việc làm lợi cho chủ đầu tư do không phải trả cho mỗi mét vuông khoản tiền này. Tương tự với việc bác yêu cầu của Hợp tác xã về bồi thường cho gần 20.000m2 đất mương máng nội đồng và đất chưa thu hồi do Hợp tác xã quản lý chưa có quyết định thu hồi của tỉnh đồng nghĩa với việc chủ đầu tư được hưởng toàn bộ số đất này mà không phải chi trả một đồng nào. Bản án “bỏ túi” đã làm cho những người nông dân đi kiện hành chính hoàn toàn mất hết niềm tin vào chính quyền và nay là tòa án thành phố Hạ Long bởi cả thành phố và tòa án đều làm lợi cho chủ đầu tư. Tính đến nay toàn bộ số tiền mà chủ đầu tư bồi thường cho các xã viên chỉ là hơn 32 tỷ đồng trong khi được thành phố giao gần 214.000m2 trong đó có gần 113.000m2 đất của hợp tác xã để thực hiện dự án (lấy số tròn) mà chỉ phải chi trả cho diện tích hơn 90.000m2 đất thu hồi của 126 xã viên và cá nhân nhận thầu đất của Hợp tác xã Rau Chiến Thắng.
Với những người đi kiện hành chính, bản án của Tòa án Hạ Long chỉ có ý nghĩa chấm dứt một giai đoạn tố tụng,chứ chưa làm tròn được sứ mệnh của cơ quan tài phán hành chính độc lập xét xử một cách công bằng như kỳ vọng của nhân dân khi đề án tài phán hành chính lần đầu được đưa ra. Thêm một minh chứng nữa về nguyên tắc hiến định “tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” chỉ tồn tại trên giấy chứ chưa bao giờ đi vào cuộc sống.
Từ những vụ án hành chính đông đương sự chủ yếu là những người nông dân xã viên –hạt nhân của các hợp tác xã bị thu hồi đất canh tác cho thấy: vấn đề đất đai luôn là vấn đề nhạy cảm, tranh chấp khiếu kiện hành chính về đất đai bao giờ cũng khốc liệt và nóng bỏng và những bất cập trong hệ thống pháp luật về đất đai chính là nguồn gốc của tham nhũng về đất đai. Do vậy vấn đề toàn xã hội quan tâm nhất hiện nay cần phải sửa đổi Luật đất đai theo hướng đảm bảo cho kinh tế tập thể hợp tác xã được củng cố và phát triển ổn định có hiệu quả, không để người nông dân bị mất tư liệu sản xuất chịu thiệt thòi, đảm bảo quyền cơ bản của các nông dân xã viên được hoạt động trong ngôi nhà chung hợp tác xã mà có lịch sử hình thành và phát triển cùng với chiều dài lịch sử đấu tranh vì mục đích giải phóng đất nước làm cho người cày có ruộng của Đảng và nhà nước ta.
Qua vụ án hành chính của HTX Rau Chiến Thắng mới thấy rõ chính khái niệm mơ hồ của mệnh đề “sở hữu toàn dân” (mà thực chất là “sở hữu nhà nước”) trong Luật đất đai nhiều trường hợp đã bị suy diễn theo hướng hiểu đất đai thuộc sở hữu của chính quyền các cấp, vì thế “cơ chế nhà nước thu hồi đất” đã được nhiều UBND cấp tỉnh sử dụng để thực hiện quyền hạn “vô biên” qua việc thu hồi đất, giao đất, định giá bồi thường, quyết định đất nào đủ điều kiện, đất nào không đủ điều kiện bồi thường…. và quy định chung chung về “trường hợp Nhà nước thu hồi đất” theo điều 38 Luật đất đai đã bị lạm dụng tạo điều kiện cho chính quyền thành phố Hạ Long dùng quyền lực công buộc các nông dân xã viên phải nhận đơn giá bồi thường, hỗ trợ thấp hơn nhiều lần đơn giá mà nhà đầu tư đã bán đi để trục lợi. Chính vì vậy Luật đất đai đang được sửa đổi theo hướng áp dụng “cơ chế thỏa thuận” để người dân và nhà đầu tư đều được hưởng lợi từ dự án nhằm mục tiêu cân đối hài hòa giữa ba bên gồm Nhà nước- nhà đầu tư -và người nông dân xã viên có đất bị thu hồi. Đương nhiên đòi hỏi từ phía những công chức trong bộ máy quản lý nhà nước cũng phải trong sạch thì mới không có hiện tượng “bẻ cong” luật pháp vì lợi ích nhóm, không vì lợi ích của những người nông dân nghèo.
Cho đến nay Chính phủ đã phải thừa nhận: “Tham nhũng trong quản lý đất đai, tiêu cực của chính quyền là vấn đề rất đau lòng ở các địa phương” (theo báo Dân trí điện tử dẫn lời của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi đối thoại lần thứ 11 với các nhà tài trợ nước ngoài tại Hà nội ngày 6/12/2012 về phòng chống tham nhũng ở VN). Nguyên nhân chính là do những bất cập của Luật đất đai hiện hành qua 8 năm thực hiện đã bộc lộ quá nhiều bất cập trong đó có vấn đề nhà nước thu hồi đất.
Trong nền kinh tế thị trường với tốc độ đô thị hóa phát triển chóng mặt ở khắp cá địa phương đã biến đất đai thành “tấc đất tấc vàng”. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong đất đai cũng sẽ lâu dài, quyết liệt và cũng đầy khó khăn hơn bởi một bộ phận lớn người bị thu hồi đất là nông dân nghèo, hạn chế bởi nhận thức, không có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ pháp lý đầy đủ. Đó là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng “bẻ cong” luật pháp để trục lợi chủ yếu xẩy ra trong các trường hợp nhà nước thu hồi đất nông nghiệp giao cho nhà đầu tư vì mục đích kinh tế.
Vụ án trên chỉ là 1 ví dụ cho thấy hậu quả nặng nề của những bất cập của hệ thống pháp luật về đất đai nếu không nhanh chóng xóa bỏ thì sẽ càng làm cho kinh tế tập thể hợp tác xã càng khó khăn và góp phần làm cho những người nông dân nghèo càng bị bần cùng hóa.
Thời điểm diễn ra vụ án hành chính này cũng là thời gian diễn ra các thảo luận về sửa đổi Luật đất đai tại nghị trường của Quốc hội, Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN và nhiều nơi khác về các vấn đề : lựa chọn cơ chế thu hồi đất, vấn đề giá bồi thường cho người bị thu hồi đất, cách tính giá đất, đặc biệt là Luật đất đai hiện hành đang giao cho UBND cấp tỉnh thẩm quyền vừa quyết định thu hồi đất lại vừa có quyền quyết định về giá đất….đều là các vấn đề gắn với nguy cơ tham nhũng và là nguồn gốc dẫn đến khiếu kiện của người dân..
Chừng nào còn cơ chế nhà nước tự thu hồi đất của nông dân để giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhưng chỉ bồi thường cho họ với giá thấp do nhà nước định giá với cách tính giá tùy tiện, còn chủ đầu tư sau khi nhận đất thì đã chuyển nhượng và thu lời từ chính mảnh đất của người nông dân….thì vẫn còn cảnh khiếu kiện chống đối quyết liệt của những người nông dân nghèo đã không còn gì để mất. Như trường hợp HTX Rau chiến thắng, Hạ Long- do không giải được bài toán chia sẻ lợi nhuận: người bị thu hồi đất-Nhà nước-nhà đầu tư nên từ năm 2009 đến nay việc khiếu kiện của những xã viên HTX Rau Chiến Thắng để đòi được hưởng tiền hỗ trợ đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư đúng theo quy định của pháp luật dẫu đã có 1 bản án của Tòa án …vẫn là điểm nhức nhối tại địa phương mà chắc chắn sẽ kéo dài cho đến khi họ đạt được mục đích.
Rất tiếc không có vị đại biểu quốc hội nào dành thời gian dự một phiên tòa xét xử hành chính về trường hợp nhà nước thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng như ở Tòa án Mỹ Đức và Tòa án Hạ Long thì mới thấu hiểu sự cực khổ và thiệt thòi của người nông dân…và để lý giải vì sao hiện nay tình hình khiếu kiện hành chính về thu hồi đất lại diễn biến phức tạp gây bất ổn định cho xã hội, làm giảm lòng tin của người nông dân vào chính quyền địa phương.
Dù ở đất Phật Chùa Hương hay ở thành phố có Vịnh Hạ Long nổi tiếng thế giới thì người nông dân cũng đều khổ và thiệt thòi như nhau nhất là những nông dân nghèo, ít học, không có trình độ, hiểu biết pháp luật… rất nhiều người dân đi kiện không hiểu nổi vì sao chính quyền địa phương có quá nhiều quyền lực từ quyết định thu hồi đất (thực chất là lấy đất của họ giao cho người khác không quan tấm đến thời hạn giao đất để sử dụng ổn định); tới cưỡng chế để giao đất cho nhà đầu tư nếu họ không tự nguyện giao, thậm chí khi chưa được đền bù thỏa đáng; từ định giá đất để bồi thường và mức hỗ trợ cho người bị thu hồi đất (thường là có lợi cho nhà đầu tư, không quan tâm đến đời sống của họ và gia đình họ sau khi bị thu hồi đất); thậm chí quyền lực này còn chi phối cả quá trình xét xử của tòa án hành chính (vì hầu hết các vụ án hành chính người khởi kiện đều bị tòa án địa phương bác đơn kiện)…Họ không biết phải làm gì để đi đòi quyền lợi ngoài việc bột phát chống đối để rồi bị trở thành người vi phạm pháp luật về chống người thi hành công vụ hoặc cố ý gây thương tích…dù là vì mục đích bảo vệ thành quả lao động trên mảnh ruộng-tư liệu sản xuất duy nhất mà đã không còn là của họ nữa …
Để bảo đảm cho nền kinh tế hợp tác xã phát triển bền vững cùng với các thành phần kinh tế khác trong cơ chế thị trường hiện nay, ngoài việc sửa đổi căn bản Luật đất đai, Nhà nước cần phải thành lập cơ quan tài phán hành chính đất đai với nhiệm vụ xét xử các vụ án hành chính theo hướng bảo vệ quyền lợi cho người nông dân xã viên khi bị thu hồi đất khỏi bị thiệt thòi (cũng như Bộ luật lao động được ban hành theo hướng nghiêng về bảo vệ người lao động).
Tòa án hành chính đất đai phải độc lập và có tính chuyên sâu như một công cụ chống lại sự lạm quyền vi phạm hiến pháp và Luật đất đai để làm lợi cho nhà đầu tư-tầng lớp tư sản đất đai mới cấu kết với 1 bộ phận người có chức vụ trong chính quyền tham nhũng và làm thiệt thòi cho người nông dân.
Bởi theo lẽ công bằng, trước hết luật pháp cần phải bảo vệ những người nghèo-là những người nông dân xã viên; thứ hai: họ thuộc giai cấp chủ chốt của cách mạng Việt Nam tham gia giải quyết vấn đề ruộng đất do Đảng cộng sản khởi xướng; thứ ba: Cha ông dòng họ của họ nhiều đời là giai cấp nông dân đã một lòng theo Đảng làm nên Cách mạng Tháng Tám, góp phần công sức xương máu vào 2 cuộc kháng chiến thần thánh và công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh. Các thế hệ của gia đình họ đã không quản hy sinh xương máu chống phong kiến, đế quốc vì mục đích “để người cày có ruộng”. Nên nay họ xứng đáng được nhà nước bảo vệ bằng pháp luật liên quan đến vấn đề ruộng đất và với niềm tin được nhen nhóm trở lại họ chính là những hạt nhân góp phần thực hiện chính sách đất đai phát triển “tam nông” mà Đảng và Nhà nước đề ra . Bởi đất đai là cội nguồn và điều kiện cơ bản cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trước thực trạng khiếu kiện hành chính đất đai nóng bỏng trong những năm gần đây đã cho thấy: không thể phát triển nông nghiệp, nông thôn nếu không được sự đồng thuận ủng hộ của chính người nông dân.
Vụ án tuy đã khép lại nhưng điều làm các chuyên gia pháp luật quan ngại là chỉ qua một vụ thu hồi đất của HTX Rau Chiến Thắng cho thấy ngay cả “tính tối cao” và “tính bất khả xâm phạm của Hiến pháp” cũng bị lạm dụng bởi chính quyền địa phương. Ở VN quyền con người được bảo đảm bởi Hiến pháp trong khi Hiến pháp lại chưa có cơ quan nào bảo vệ và chưa có cơ chế nào bảo đảm thực thi Hiến pháp. Khi các nguyên tắc hiến định không được cơ quan hành pháp thi hành thì quyền con người dễ bị tổn thương mà bị tổn thương nhất là những người nông dân nghèo bị hạn chế về trình độ, nhận thức, không có điều kiện sử dụng các dịch vụ pháp lý tối thiểu.
Cụ thể Hiến pháp năm 1992 không quy định về nhà nước thu hồi đất được giao cho người sử dụng đất sử dụng ổn định lâu dài. Đối với tài sản hợp pháp của cá nhân tổ chức, điều 23 Hiến pháp quy định không bị quốc hữu hóa mà “trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường”. Trong khi Luật đất đai lại quy định quyền của nhà nước thu hồi đất nhưng lại thiếu cụm từ “trong trường hợp thật cần thiết” (điều 38). Tuy Hiến pháp cũng quy định bảo đảm về mặt nhà nước cho kinh tế tập thể hợp tác xã phát triển (điều 20) nhưng tình trạng chính quyền tùy tiện thu hồi đất nông nghiệp đang canh tác của các nông dân xã viên-là vốn, tài sản hợp pháp do các xã viên đóng góp vào HTX để giao cho nhà đầu tư thực hiện các dự án kinh doanh và chỉ bồi thường cho các xã viên giá thấp không đảm bảo cho cuộc sống của họ và hoạt động tiếp tục của hợp tác xã thể hiện chính nguyên tắc hiến định này đã có không cơ chế bảo đảm thực thi trong thực tế.
Trước thực trạng các nguyên tắc hiến định bị vi phạm đã đặt ra yêu cầu cấp thiết hiện nay phải thành lập Tòa án Hiến pháp (hoặc một cơ quan có chức năng bảo vệ Hiến pháp phù hợp) có nhiệm vụ giám sát việc thực thi Hiến pháp,bảo vệ Hiến pháp khỏi những lạm dụng từ phía chính quyền.