Ngày cập nhật: 28/08/2011
Các vụ ly hôn đang ngày một gia tăng và nguyên nhân theo đó cũng đa dạng hơn. Tuy vậy, vẫn có những vụ li hôn, những cặp vợ chồng cận kề với cảnh tan đàn xẻ nghé, để lại trong tâm trí những luật sư tham gia giải quyết vụ kiện, những nhà tư vấn tâm lý cảm xúc khó quên.
Cay đắng vì tình người hiếm hoi, cười buồn vì những thói quen "nhỏ" ảnh hưởng lớn tới hôn nhân hay những định kiến lâu nay khiến nhiều mái ấm đứng trên bờ vực thẳm...
VTC News xin giới thiệu loạt bài về những tình huống bi hài của những cuộc li hôn thời hiện đại.
76 tuổi nhất quyết ly hôn
Xã hội dân chủ, mọi người nhìn nhận việc ly hôn cởi mở hơn. Bất kì lý do, hay độ tuổi nào cũng có thể đưa nhau ra tòa ly hôn. Ngay cả khi đã “gần đất xa trời” như ông Nguyễn Văn V. 76 tuổi, ở Quận Tây Hồ mà Giám đốc Công ty TNHH Luật Hoàng Long của Luật sư Phan Thị Hương Thủy tham gia giải quyết. Luật sư cho biết đây là một vụ ly hôn khá đặc biệt khi đương sự tuổi cao, sức yếu.
Đùng một cái ông tuyên bố muốn lấy vợ bé và đâm đơn ly hôn bà vợ già. Cả nhà được một phen choáng váng, ai cũng không tin thì ông đưa ngay cô bồ nhí về “ra mắt”. Con cháu ông lại thêm một cú sốc khi người ông đòi lấy còn ít tuổi hơn cậu con trai út. Lí do ông đưa ra rất… đơn giản: “Bà vợ suốt ngày ốm đau, đằng nào cũng chết trước tôi. Tôi ly dị tìm người khác trẻ hơn để họ chăm sóc khi tôi ốm đau thì có gì là sai đâu?”. Bà vợ ông khi nghe những lời ấy ngất xỉu tại trận.
|
Ông cụ gần 80 tuổi quyết đòi ly hôn để sống cùng cô vợ bé (Ảnh: Bích Thảo) |
Vì thể diện của gia đình và không chấp nhận một người mẹ kế còn ít tuổi hơn cả con, gia đình ông phản đối kịch liệt. Nhưng có lẽ ông cụ bị “tình yêu” làm mù quáng nên nhất quyết đòi ra tòa và đòi tài sản là ngôi nhà để rước vợ bé về sống.
Luật sư Hương Thủy chia sẻ: “Ly hôn ở người già không phải là hiếm gặp trong thời buổi này. Dù già hay trẻ, chỉ cần chứng minh rằng không thể sống với nhau thì pháp luật vẫn cho phép ly hôn. Nhưng ông cụ chắc chắn sẽ khó tìm được sự thông cảm từ con cháu và nhiều người xung quanh.”
Nhìn cảnh ông già gần 80 tuổi đứng một mình phía bên nguyên đơn với một bên là bà vợ và đàn con cháu nhiều người trong phiên tòa không khỏi ái ngại thay cho ông.
Không thể sống chung với đống rác
Khi tán tỉnh, yêu đương anh luôn quần là áo lượt, chải chuốt bảnh bao, ai dè về ở với nhau Hương mới ngớ người bởi tính luộm thuộm của chồng. Ngày nào, Hương cũng phải lặp đi lặp lại “bài ca đau khổ” về tội anh để quần áo linh tinh, không cạo râu, chải đầu, ấm chén đọng nước, để tàn thuốc vương vãi khắp nhà…
Cô còn soạn thảo riêng cho anh bảng quy tắc về vệ sinh cá nhân cũng như trong sinh hoạt gia đình treo ngay cửa nhà bếp. Nhưng “bệnh ở bẩn” của anh dường như đã trở thành mãn tính, không chút tiến triển nào. Nhiều khi mẹ chồng Hương sống nhà bên phải sang dọn dẹp nhà cửa trước khi Hương đi làm về để tránh vợ chồng cô cãi vãi suốt ngày.
Cuộc sống vợ chồng Hương từ ngày cưới chưa hôm nào được yên ổn vì tính bẩn của chồng và sự kĩ tính của vợ. Theo như lời Hương thì “Sạch sẽ là cho cả nhà, cho con cái nói học theo. Cái nhà chứ phải đống rác đâu mà cứ bừa bãi ra thế. Rồi bệnh tật ra thì làm sao?”.
Chồng cô quát lại: “Không ở được thì giải tán”. Tự ái nổi lên, Hương quyết định ly hôn dù gia đình, bạn bè có khuyên can thế nào, cô thẳng thừng tuyên bố không thể “sống chung với đống rác.”
|
Tình trạng ly hôn xảy ra ở mọi độ tuổi. (Ảnh: Bích Thảo) |
Nhưng vẫn còn yêu chồng, Hương gọi điện đến Trung tâm tư vấn Người bạn tri kỉ (1900 6877) tìm lời khuyên. Chuyên gia tâm lý Lê Thu Hiền chia sẻ: “Mỗi người có một tính cách khác nhau. Nếu đã chấp nhận lấy nhau thì cần phải thông cảm cho nhau khi có thể. Đừng để những thứ nhỏ nhặt phá hoại hạnh phúc của mình. Chồng ở bẩn thì vợ chăm chỉ hơn 1 chút nhà cửa vẫn sạch sẽ thôi. Rồi khi hai vợ chồng vui vẻ hãy nhẹ nhàng nói chuyện. Chứ cãi vã, chửi bới, cay cú với nhau sẽ càng làm mọi chuyện rối tung cả lên.”
Nghe lời khuyên của chuyên gia, Hương tạm thời sống ly thân với chồng một thời gian, tạo khoảng cách cho nhau để mong cứu vãn lại cuộc hôn nhân khi cô vẫn còn yêu chồng.
Đứa con trai ngoài dã thú và quan niệm "có nếp có tẻ"
Hình ảnh người chồng hết mực thương yêu vợ con, luôn vì gia đình đã tan vỡ trongThu Trang (Hà Nội). Cô chia sẻ với chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm – Giám đốc Trung tâm sáng kiến Sức khỏe và Dân số để tìm một lối thoát cho mình.
Thực tình còn rất yêu chồng và không nghĩ gia đình lại tan vỡ nhanh chóng như vậy được, Trang muốn tha thứ cho anh nhưng lại nghĩ anh coi thường cô vì không sinh quý tử cho anh càng làm cô đau đớn.
Cách đây nửa tháng, cuộc sống của gia đình Trang hạnh phúc với hai cô công chúa xinh xắn. Bỗng môt buổi tối khi cả nhà đang quây quần bên mâm cơm, có người phụ nữ bế theo một đứa bé còn đỏ hỏn bước vào nhà. Trang chết đứng khi cô gái đó bảo đứa bé là “sản phẩm” của chồng cô. Anh nhìn đứa con trai bé bỏng và nói với Trang: “Em hãy chăm sóc và coi nó như con của mình. Dù sao nhà cũng cần có nếp, có tẻ mà.”
Trời đất như sụp đổ trước mặt Trang. Thì ra anh lừa dối vợ con, anh coi thường cô không sinh con trai cho anh được nên anh đã đi tìm người đàn bà khác sinh con cho anh. Bây giờ anh lại giao đứa bé bảo cô chăm sóc và coi nó như con. Trang đau đớn, gào thét và bế hai cô con gái về nhà mẹ đẻ, để lại tờ đơn xin ly hôn.
Trước những dằn vặt tâm lý của một người vợ bị chồng phản bội của Trang, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm chia sẻ: Đó thực sự là cú sốc quá lớn đối với Trang. Nhưng tôi biết cô ấy vẫn thương yêu chồng con nên đã khuyên cô ấy hãy cứ thương lấy đứa trẻ vô tội đó.
Mỗi cuộc ly hôn đều để lại cho người phụ nữ những đau khổ và khó khăn chất chồng ở phía trước. Thế nên, hầu hết các nhà tâm lý đều cố gắng níu kéo những cuộc hôn nhân, nhưng như bát nước đầy đổ đi, khó có thể lấy lại cho đầy, những người trong cuộc đều gánh chịu những nỗi đau, sự thất vọng mà người bạn đời mang lại, khó có thể quên.
VTC News