Ngày cập nhật: 25/07/2011
Tôi là luật sư Phan Thị Hương Thuỷ thuộc Văn phòng luật sư Hoàng Long (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), tôi tham gia phiên toà hôm nay với tư cách là luật sư bào chữa cho các Bị cáo Trần Văn Xuân, Trần Văn Đạo, Hoàng Văn Thi bị Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về tội "Giết người" theo tiết n khỏan 1 điều 93 Bộ luật hình sự.
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc
--------------*---------------
QUAN ĐIỂM CỦA LUẬT SƯ
bào chữa cho các Bị cáo Trần Văn Đạo, Hoàng Văn Thi và Trần Văn Xuân can tội "Giết người"
Kính thưa Hội đồng xét xử,
Tôi là luật sư Phan Thị Hương Thuỷ thuộc Văn phòng luật sư Hoàng Long (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội), tôi tham gia phiên toà hôm nay với tư cách là luật sư bào chữa cho các Bị cáo Trần Văn Xuân, Trần Văn Đạo, Hoàng Văn Thi bị Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội truy tố về tội "Giết người" theo tiết n khỏan 1 điều 93 Bộ luật hình sự.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ và qua phần thẩm vấn công khai tại phiên toà tôi xin trình bày quan điểm của luật sư để bào chữa cho các bị cáo như sau:
1. Thứ nhất tôi không đồng ý về tội danh:
Theo Cáo trạng số 252/CT/VKS - P1A ngày 14/9/2006 của Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội xác định Trần Văn Đạo và Hoàng Văn Thi, Trần Văn Xuân là đồng phạm trong vụ giết ông Nguyễn Văn Chắt và truy tố về Tội giết người theo điều 93 khoản 1 tiết n Bộ luật hình sự ( giết người có tính chất côn đồ).
Tôi không đồng ý với quan điểm này vì hành vi của các bị cáo không cấu thành dấu hiệu của tội giết người.
Trước hết tôi tóm tắt về nguyên nhân xảy ra vụ án, nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Nguyễn Văn Chắt như sau:
Vụ án xảy ra khoảng 23h30 ngày 2/12/2005 khi ông Nguyễn Văn Chắt người ở thôn Yên Tàng, đi lạc sang thôn khác (Phú Tàng)xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, cách xa 1 cây số và đi vào nhà ông Nguyễn Văn Lê và vì ông Chắt dẵm vào tấm nắp bể ( hố ga) gây ra tiếng động nên bị chủ nhà tưởng trộm, hô hoán, rồi mở cửa chạy ra, tiếp theo là người hàng xóm là bà Hoàng Thị Tạo ở trước nhà cũng chạy ra và kêu hỏi ông Chắc trộm à, nhưng lúc này ông Chắt đã bỏ chạy. Nên một số thanh niên ở làng đã chạy đến và có hành vi đánh ông Chắt : Kết qủa thẩm vấn tại phiên tòa phù hợp với hồ sơ là: Hoàng Văn Dậu( tức Dưỡng) là người đầu tiên dùng chân đạp vào lưng ông Chắt, ông Chắt bị đánh liền bỏ chạy xuống ruộng rau. Trần Ngọc Văn đuổi theo ông Chắt xuống ruộng dùng chân đạp vào lưng ông Chắt và dùng dép xốp của mình đánh vào mặt ông Chắt. Sau đó là Đạo chạy đến dùng chân phải đạp vào ngực bên phải ông Chắt, rồi Hoàng Văn Thi dùng chân phải đạp vào ngực trái của ông Chắt, Trần Văn Xuân dùng chân phải đạp vào bụng ông Chắt, Hoàng Văn Lợi dùng chân đạp vào sườn ông Chắt và Hoàng Văn Giao dùng chân đạp vào lưng ông Chắt. Ông Chắt bị ngã nằm ở dưới ruộng. Sau đó anh Tình cùng gia đình nhà ông Chắt đã đưa ông đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế Sóc Sơn, sau đó ông Chắt được chuyển về Bệnh viện Xanh Pôn cấp cứu đến ngày 4/12/2005 ông Chắt bị tử vong. Như vậy có căn cứ xác định các bị cáo nhầm ông Chắt là trộm nên đánh cảnh cáo việc đánh không nhằm để ông Chắt chết mà chỉ cảnh cáo cho sợ. Chứ không có mục đích chủ động đánh chết và nếu chủ động đánh chết thì không thể chỉ đánh 1 cái, đạp 1 cái như kết quả điều tra.
Tại phiên tòa hầu hết các bị cáo đã khẳng định là nếu không nghe thấy bà Tạo hô trộm và ở trong 1 không gian là nửa đêm khuya khoắt và có việc ông Chắt đi lạc hai lần vào nhà người khác thì sẽ không có việc đánh ông Chắt và việc đánh ông Chắt không nhằm mục đích tước đoạt mạng sống của ông Chắt và việc ông Chắt bị tử vong là ngòai mong muốn của các bị cáo.
Nhận định này đã thể hiện qua hồ sơ cụ thể là lời khai của Hoàng Văn Thi (tại các bút lục 197, 198, 199, 200, 201, 202, 203, 204, 205), Trânf Văn Đạo (BL 213, 214, 217, 218), Trần Văn Xuân, phù hợp với lời khai của các nhân chứng như: Hoàng thị Tạo (BL 244-245) Hoàng Văn Tứ (BL 315, 316, 317), Nguyễn Văn Lan (BL 276, 277).
Như vậyý thức chủ quan của các bị cáo phù hợp với hành vi của các bị cáo không thoả mãn dấu hiệu cấu thành tội giết người quy định tại điều 93 BLHS. Luật sư xin chứng minh vấn đề này qua xem xét mặt khách quan và chủ quan của tội phạm như sau:
* Về mặt khách quan của tội phạm : Mặt khách quan của tội giết người thể hiện ở hành vi tước bỏ quyền sống của người khác một cách trái pháp luật bằng những thủ đoạn và phương tiện khác nhau gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội.
Hành vi tước bỏ quyền sống của người khác được thể hiện bằng phương thức : Bắn, chém , đâm …đấm đá.
Phương tiện như: súng, dao, gậy, chân, tay…
Qua nghiên cứu hồ sơ cho thấy các bị cáo không hề có ý định tước bỏ tính mạng của ông Chắt mà chỉ cho là trộm nên đánh để dọa. Nếu chỉ dọa thì không thể dẫn đến chết được. Còn vì sao ông Chắt chết thì luật sư sẽ phân tích ở sau. Đó cũng là do nhận thức hạn chế nên mới có việc đánh trộm. Vì hành vi của các bị cáo này chỉ được thực hiện bằng phương thức đấm và đạp (cũng chỉ đơn chiếc chứ không thể hiện tính điên cuồng hung hẵn cố tình tước đoạt mạng sống của người bị nghi là trộm. Điều này giải thích là vì chưa ai kêu mất trộm đồ vật gì nên cũng không phải là đòn thù do tức giận. Những hành vi của các bị cáo đã được cơ quan điều tra làm rõ. Hành vi này không thể hiện tính chất nguy hiểm và trực tiếp dẫn đến cái chết của ông Chắt. Tại phiên tòa các bị cáo cũng xác định là hành vi đánh của các bị cáo không thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong của nạn nhân mà còn do nhiều nguyên nhân khác sẽ phân tích dưới đây. Tuy hành vi của các bị cáo (đánh trộm mà không bắt để giải đến chính quyền giải quyết xử lý theo pháp luật) cũng là trái pháp luật nhưng là do hạn chế về nhận thức.
Về mặt lý luận: Như vậy dấu hiệu bắt buộc của tội giết người phải là nhằm tước bỏ quyền sống của người khác thì mới phạm tội này. Nếu chỉ ý thức làm cho nạn nhân bị thương nhưng vì vết thương nặng mà dẫn đến chết người thì người phạm tội có thể chỉ bị kết tội về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Và trong Bộ luật hình sự đã quy định những dấu hiệu của tội này theo quy định tại điều 104, mức hình phạt của tội này thấp hơn nhiều so với tội giết người.
*Về mặt chủ quan của tội phạm: tội giết người được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp, cũng có trường hợp do lỗi cố ý gián tiếp. Nhưng dù là lỗi cố ý trực tiếp hay gián tiếp thì cũng phải thỏa mãn điều kiện nhằm mục đích phải là tước bỏ tính mạng của người khác.
Theo hồ sơ cho thấy các bị cáo không hề có ý định giết ông Chắt, thể hiện ở các mặt sau đây:
- Đạo và Thi không hề có sự chuẩn bị về phương tiện: Dao, súng, gậy… Hơn nữa giữa nạn nhân và các bị cáo không có hiềm khích hay mâu thuẫn gì. Chỉ 1 lẽ đơn giản là các bị cáo nhầm tưởng ông Chắt là trộm, và nếu không có sự việc ông Chắt đi nhầm vào nhà dân (trước là vào nhà Dưỡng sau là vào nhà ông Lê) và khi bị tra hỏi đuổi trộm thì nạn nhân lại không xưng danh. Nếu không có tổng hợp các điều kiện khách quan này thì sẽ không xảy sự việc chết người trên.
Như vậy rõ ràng rằng cái chết của ông Chắt xảy ra là ngoài ý muốn của các bị cáo.
Một dấu hiệu nữa của mặt khách quan của tội giết người: là để truy cứu trách nhiệm hình sự của điều 93 thì phải xác định được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và hậu quả xảy ra.
Xét trong mối quan hệ nhân quả thì hành vi của các bị cáo không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả chết người nêu trên. Tại phiên tòa khi được hỏi thì các bị cáo cũng cho rằng hành vi đánh của các bị cáo không thể dẫn đến việc ông Chắt bị chết. Điều này phù hợp với kết quả điều tra là mỗi bị cáo chỉ đánh 1 cái, đạp 1 cái: Bị cáo Thi đạp 1 cái vào ngực trái, bị cáo Đạo đạp 1 cái vào ngực phải, bị cáo Xuân đạp 1 cái vào bụng. Nhưng để giập nội tạng thì không chỉ 1 cái đạp mà gây ra. Đó là chưa nói đến tư thế đạp phải đạp đúng tư thế thì mới gây ra giập gan tụy.
Vì theo hồ sơ và theo kết luận giám định pháp y thì ông Chắt chết do bị vật tày tác động vào bụng làm giập tụy và làm mất máu không hồi phục được. Theo hồ sơ thể hiện khi được nhân dân đưa về nhà thì ông Chắt tình trạng bình thường, sau đó mới được gia đình đưa đi cấp cứu tại Sóc sơn và sau đưa lên Hà Nội và đến ngày 4/12/2005 mới tử vong.
Qua kết luận giám định thì xác định như sau: khám ngoài thấy các vết thâm và chày sước ở vùng đầu, mặt,cổ; ngực, bụng , lưng, mông; hai tay. Khám trong thì thấy giập, rách, đứt mạc treo đại tràng và động mạch treo, dập vỡ tuỵ gây chảy máu ra ổ bụng. Chứng tỏ rằng phải tổng hợp rất nhiều hành vi của rất nhiều người thì mới dẫn đến hậu quả chết người. Mặt khác hồ sơ thể hiện bị cáo Thi đạp vào bụng nạn nhân khi nạn nhân trong tư thế ngồi bó gối thì không thể tác động mạnh vào bụng được. Nhưng vấn đề này chưa được cơ quan điều tra làm rõ. Như vậy nếu chỉ những hành vi của các bị cáo thể hiện tại hồ sơ thì không thể là nguyên nhân trực tiếp làm ông Chắt chết.
Nguyên nhân chết của nạn nhân nói chung là chưa làm rõ mà có thể suy đoán: nạn nhân có tuổi, lại là thương binh, nửa đêm mùa đông ở ngoài đường, bụng đói, không có đủ năng lượng để chịu được đói rét và bị đánh tuy là không đau và có bị ngã do trời tối nên đã giảm sức khoẻ và dẫn đến tử vong. Có nghĩa là nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân theo hồ sơ thể hiện thì không phải là do bị đánh gây nên mà tổng hợp nhiều lý do chứ nếu khẳng định nguyên nhân chết là do bị các bị cáo đánh thì tôi cho là chưa đủ cơ sở và gượng ép.
Từ những căn cứ nêu trên cho thấy hành vi của các bị cáo không đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm giết người mà . Đạo và Thi chỉ cố ý với hậu quả gây thương tích vô ý với hậu quả chết người
Tuy nhiên nếu HĐXX vẫn xác định là tội giết người thì quan điểm của luật sư cũng không đồng ý với cáo trạng luận tội của VKS.
Thứ hai: Tôi không đồng ý về xác định hành vi có tính chất côn đồ
Theo như bản cáo trạng của VKS thì các bị cáo bị truy tố về tội giét người có tính chất côn đồ và tình tiết này là để định khung cụ thể tại khoản 1 điều 93. Tôi thấy việc VKS truy tố các bị cáo này theo tiết n là quá nghiêm khắc vì:
Về mặt lý thuyết khoa học hình sự xác định: Giết người có tính chất côn đồ là trường hợp giết người có tính hung hãn cao độ, coi thường tính mạng của người khác; giết người không có nguyên cớ hoặc giết người với lý do nhỏ nhen; giết người một cách hung hăng, tàn bạo, cấu kết chặt chẽ từ trước.
Căn cứ vào kết quả điều tra thì thì hành vi của các bị cáo không thoả mãn vì không thể hiện sự hung hãn cao độ ( chỉ đạp và đá), hành vi là xuất phát do nhầm tưởng ông Chắt là trộm sau khi đã nghe thấy tiếng tri hô của nhân dân trong 1 không gian thời gian là nửa đêm đông thanh vắng.
Nếu chỉ căn cứ vào các tình tiết là nhiều người đến đánh ông Chắt mà kết luận là côn đồ là không thoả đáng.
Theo quan điểm của luật sư thì hành vi của các bị cáo không thể coi là tính chất côn đồ vì cả về mặt thực tiễn thì hành vi côn đồ chỉ có khi người phạm tội đã coi thường những quy tắc trong cuộc sống có hành vi ngang ngược, bất chấp sự can ngăn của người khác chỉ vì những nguyên cớ nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống nhưng cố tình gây sự để phạm tội. Căn cứ các tình tiết của vụ án thì không hề có những biểu hiện này. Sự việc đấm đạp của các bị cáo chỉ vì nghĩ nạn nhân là kẻ trộm và cũng chỉ có đợn lẻ 1 hành vi chứ không hề có việc đấm đạp liên tục và cũng không hề có sự việc đã có người can ngăn mà vẫn thực hiện.
Vì vậy tôi để nghị HĐXX không xác định hành vi này có tính chất côn đồ để chuyển khung cho các bị cáo xuống ở khung 2 của điều 93 có mức hình phạt nhẹ hơn là từ 7 năm đến 15 năm.
Sự việc xảy ra ngoài ý muốn của các bị cáo và ngay chính nạn nhân cũng là người có lỗi, lỗi ở đây như sau: đang đêm đI vào nhà người khác, không uống rượu mà lại nói là say, khi người trong nhà nghe thấy tiếng động hỏi thì lại bỏ chạy, khi người đuổi theo thì lại không thanh minh. Nếu ông Chắt kêu lên và cho mọi người biết mình là ai thì chắc sẽ không có án mạng xảy ra. ở đây tôi chỉ muốn phân tích để bào chữa cho các bị cáo ở chỗ nếu các bị cáo biết nạn nhân là người cùng thôn thì chắc chắn không hề có chuyện đấm đạp xảy ra. Nếu các bị cáo biết người quen mà vẫn thực hiện hành vi phạm tội thì mới cấu thành tội phạm.
Tôi thấy rằng hành vi của các bị cáo trên đã là 1 trong những nguyên nhân gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội nhưng từ nghiên cứu hồ sơ và qua bản cáo trạng tôi thấy răng việc VKS truy tố 3 bị cáo trên về tội giết người theo điểm n khoản 1 là quá nghiêm khắc. Vì vậy đề nghị HĐXX xem xét và quyết định hình phạt tương xứng đừng để các bị cáo phảI chịu mức án nặng hơn hành vi của họ.
Thứ ba: Về các tình tiết giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo:
Có hai vấn đề mà luật sư đặt ra: Đề nghị HĐXX khi lượng hình không xác định tính chất của hành vi của các bị cáo là có tính tiết tăng nặng và đề nghị xác định các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Tuy các bị cáo bị truy tố ở tiết n khoản 1 điều 93 nhưng không coi đây là tình tiết tăng nặng.
Về mặt lý luận khi tình tiết phạm tội có tính chất côn đồ là tình tiết định khung hình phạt của tội giết người thì khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội thì không coi tình tiết này là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Khoản 2 điều 48 BLHS năm 1999 đã quy định như sau; Những tình tiết đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng”. Như vậy nếu HĐXX vẫn áp dụng tiết n đối với các bị cáo thì không được coi đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như vậy có thể áp dụng cho các bị cáo mức hình phạt nhẹ nhất ở trong khung hình phạt quy định tại khoản 1 tức là từ 12 năm tù. Trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điều 46 thì có thể áp dụng dưới khung hình phạt.
Đối với từng bị cáo mà tôi bào chữa như sau:
- Bị cáo Trần Văn Xuân có nhiều tình tiết giảm nhẹ: bản thân không tiền án tiền sự , con gia đình có công với cách mạng( bố là liệt sỹ), gia đình khó khăn bản thân là trụ cột chính trong gia đình, hoàn cảnh cực kỳ khó khăn vợ bị lừa đi Trung quốc, phải nuôi 4 con nhỏ. Bị cáo Xuân đã vay mượn tự nguyện bồi thường thiệt hại là 2.500.000đ. Căn cứ các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điều 46 BLHS thì bị cáo được 2 tình tiết: điểm p khoản 1 điều 93 (là thành khẩn được đại diện VKS ghi nhận) và điểm b khỏan 1 điều 46 (tự nguyện khắc phục thiệt hại). Ngoài ra bị cáo còn có những tình tiết khác cần được xem xét là con liệt sĩ, hoàn cảnh khó khăn, bản thân là lao động chính trong gia đình.
Căn cứ điều 47 BLHS quy định khi có 2 tình tiết giảm nhẹ theo điều 46 thì được áp dụng mức hình phạt dưới khung. Gỉa sử HĐXX vẫn truy tố theo khoản 1 điều 93 thì đề nghị cho bị cáo ở mức dưới khung là dưới 12 năm tù.
- Bị cáo Hoàng Văn Thi: bản thân không tiền án tiền sự, mù chữ là trụ cột chính trong gia đình, có 3 con còn rất nhỏ ( 3tuổi). Căn cứ điều 46 thì có thể áp dụng 2 tình tiết là điểm p khoản 1 điều 46 là thành khẩn khai báo và điểm k khoản 1 điều 46 là phạm tội do lạc hậu (mù chữ). Căn cứ điều 47 BLHS bị cáo Thi cũng có 2 tình tiết giảm nhẹ như bị cáo Xuân nên đề nghị cho hưởng mức án dưới khung là dưới 12 năm.
- Bị cáo Trần Văn Đạo: bản thân không tiền án tiền sự, trình độ 4/12. Đạo đã bồi thường thiệt hại cho gia đình ông Chăt số tiền là 5.000.000đ. Như vậy Đạo đã có ý thức khắc phục hậu quả. Bị cáo cũng có hai tình tiết giảm nhẹ như bị cáo Xuân (thành khẩn khai báo và tự nguyện khắc phục) nên đề nghị áp dụng điều 47 để được mức dưới khung hình phạt.
Ngoài ra gia đình nạn nhân cũng có đơn xin miễn hình phạt cho các bị cáo thể hiện tại BL 341, 342 tuy không phải là tình tiết giảm nhẹ nhưng tôi đề nghị HĐXX vận dụng khoản 2 điều 46 BLHS để giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
Tóm lại về áp dụng pháp luật để xét xử vụ án này theo quan điểm của luật sư như sau:
1. Đề nghị thay đổi tội danh không phải là tội giết người theo quy định điều 196 BLTTHS về Giới hạn của việc xét xử như sau: " Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khỏan khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng 1 điều luật hoặc về 1 tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố" ví dụ như là tội phạm theo quy định tại điều 104 BLHS.
2. Nếu vẫn giữ nguyên tội danh như VKS truy tố thì đề nghị chuyển khung áp dụng 1 hình phạt nhẹ hơn theo quy định tại điều 196 BLTTHS.
3. Trong khi lượng hình phạt (dù là tội gì) tôi đề nghi HĐXX áp dụng cho 3 bị cáo trên những điều luật quy định về tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản1 điều 46 Bộ luật hình sự về các tình tiết giảm nhẹ bao gồm: b." người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại , khắc phục hậu quả"; p " Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải." k" phạm tội do lạc hậu".
- Điều 47 BLHS quy định khi có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 46 của Bộ luật này, tòa án có thể quyết định 1 hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định.
Theo quan điểm của luật sư HĐXX tuyên phạt cho các bị cáo 1 mức án dưới khung hình phạt của khoản 1 điều 93 Bộ luật hình sự cũng đủ để răn đe, giáo dục và mở lượng khoan hồng để các bị cáo sớm được trở về tái hoà nhập cộng đồng và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Xin trân trọng cảm ơn
Hà Nội, ngày 8 tháng 12 năm 2006
Luật sư
Phan Thị Hương Thuỷ