Ngày cập nhật: 25/07/2011
Tôi là Phan Thị Hương Thuỷ. Văn phòng luật sư Hoàng Long (Đoàn luật sư Hà Nội) xin trình bày bản bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Công cụ thể như sau:
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập-Tự do-Hạnh phúc
-------------*---------------
QUAN ĐIỂM BÀO CHỮA CỦA LUẬT SƯ
Đối với bị cáo Nguyễn Văn Công
Kính thưa HĐXX
Tôi là Phan Thị Hương Thuỷ. Văn phòng luật sư Hoàng Long (Đoàn luật sư Hà Nội) xin trình bày bản bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Công cụ thể như sau:
Theo quyết định khởi tố số 37 ngày 20/6/2003 của Công an huyện Thạch Thất thì Nguyễn Văn Công bị khởi tố về tội huỷ hoại hoặc làm hư hỏng tài sản và Cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại điều 143, 135 Bộ luật hình sự.
Ngày 24/5/2004 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tây đã ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can số 05 từ tội huỷ hoại tài sản, Cưỡng đoạt tài sản sang tội Cướp tài sản theo điều 133 BLHS.
Tại Cáo trạng số 223 ngày 7/10/2004 VKSND tỉnh Hà Tây quyết định truy tố bị cáo Nguyễn Văn Công trước Toà án ND tỉnh Hà Tây về tội Cướp tài sản theo quy định tại khoản 1 điều 133 BLHS.
Về vụ án này tôi có nhận xét giữa các cơ quan tiến hành tố tụng cụ thể là Công an, VKS huyện Thạch Thất và VKS tỉnh Hà Tây có sự không thống nhất về mặt tội danh cụ thể trong trường hợp của bị cáo Nguyễn Văn Công thì: Bản kết luận điều tra số 79 ngày 7/3/2004 của Công an huyện Thạch Thất quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ đến VKS ND huyện Thạch Thất đề nghị truy tố bị can Nguyễn Văn Công về tội Cưỡng đoạt tài sản theo điều 135 BLHS và Huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo điều 143 BLHS.
Tại bản Cáo trạng số 94 ngày 30/3/2004 của VKSND huyện Thạch Thất đã đồng ý với quan điểm của Công an Thạch Thất quyết định truy tố các bị can trước toà án huyện Thạch Thất để xét xử về 2 tội danh nêu trên.
Nhưng quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng tại tỉnh Hà Tây thì có khác cụ thể tại công văn số 19 ngày 26/4/2004 của Toà án tỉnh Hà Tây và Cáo trạng của VKSND tỉnh Hà Tây thì xác định hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Công có đầy đủ 4 yếu tố của tội Cướp tài sản do đó đã thay đổi tội danh từ Cưỡng đoạt tài sản sang Cướp tài sản. Ngoài bị can Công các bị can khác trong vụ án cũng bị Toà án và VKSND tỉnh Hà Tây thay đổi tội danh dẫn đến hành vi phạm tội xảy ra từ tháng 6/2003 đến bây giờ (1/2005) mới được đưa ra xét xử.
Sau khi được Công an huyện Thạch Thất nghiên cứu hồ sơ và tham gia thẩm vấn bị can Nguyễn Văn Công tại nhà giam, tôi đã gửi VKSND tỉnh Hà Tây bản Quan điểm luật sư về việc thay đổi tội danh đối với bị can Nguyễn Văn Công vào ngày 25/8/2004, nhưng tài liệu này không thấy lưu trong hồ sơ vụ án khi chuyển lên toà án.
Trong bản Quan điểm luật sư này tôi đã chứng minh quyết định thay đổi tội danh của bị can Nguyễn Văn Công của VKSND tỉnh Hà Tây từ tội Cường đoạt tài sản thành tội Cướp tài sản là không có căn cứ. Điều quan trọng là khung hình phạt của tội Cướp tài sản nặng hơn nhiều so với tội Cưỡng đoạt tài sản. Do đó đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bị can.
Hôm nay tại phiên toà xét xử công khai vụ án này, sau khi được nghiên cứu hồ sơ và tham gia thẩm vấn trực tiếp, tôi vẫn giữ quan điểm là Nguyễn Văn Công không phạm tội Cướp tài sản. Tôi xin chứng minh như sau:
Về mặt lý thuyết, tội Cướp tài sản theo quy định tại khoản 1 điều 133 BLHS là: " Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản...".
Như vậy dấu hiệu bắt buộc về mặt khách quan của tội Cướp tài sản thể hiện ở hành vi dùng vũ lực (cụm từ dùng vũ lực được hiểu là kẻ tấn công dùng sức mạnh vật chất để chủ động tấn công đối với người bị tấn công . Hành vi có tính vật chất này phải đảm bảo các yếu tố: có khả năng làm phương hại đến tính mạng sức khoẻ của người bị tấn công và làm tê liệt ý chí phản kháng của họ, làm cho họ mất khả năng chống cự lại kẻ tấn công, cuối cùng làm cho kẻ tấn công đạt được mục đích là chiếm đoạt tài sản ngay trước mắt người bị tấn công.
Đối chiếu vào các chứng cứ có trong hồ sơ và đã được làm rõ tại phiên toà thì thấy không thoả mãn các dấu hiệu này.
Tôi xin phân tích diễn biến của hành vi cuả Nguyễn Văn Công vào chiều tối ngày 5/6/2003 như sau:
- Theo kết quả điều tra của Công an huyện Thạch Thất cho thấy chiều ngày 5/6/2003 tại nhà Công đang ngồi uống rượu ở nhà (95-96) rồi cả bọn đến nhà Công cùng uống rượu là do nhà Công đang có việc là xây nhà (BL 88). Khi Tuấn đến và nói là khi chiều vào quán karaoke của Hà (tức quán Hà Tuyên) thì bị lấy đắt nên đến xin lại và thế là cả bọn đồng ý đi (BL 86, 176, 177). Như vậy việc cả bọn vào quán đầu tiên chỉ là mục đích xin lại tiền vì cho là bị lấy đắt chứ không hề có sự bàn bạc cướp tài sản, theo lời khai của Tuấn thì có xin mấy chục để uốngrượu thì bị anh Tú giơ điếu cày định đánh (BL 88) .
Tại quán đầu tiên này theo lời khai của người bị hại thì không có việc Công đập phá đồ đạc. Chỉ có Hải và Tuấn đập phá nhưng không lấy tài sản gì.
Tại quán này có sự việc Công lấy cái gương xe máy, nhưng việc lấy là không có sự báo trước với chủ nhà, không bàn bạc hay thoả thuận gì với đồng bọn, chẳng ai nhìn thấy. Chính Mừng tại BL 215 cũng khai thấy Tuấn bảo là Cồng lấy để cho Mừng lắp vào xe. Tôi cho là nếu Công có lấy thì hành vi này chỉ là hành vi lén lút, vì chủ tài sản không biết là bị lấy và lấy từ lúc nào, hành vi này mang tính trộm cắp vặt vì cái xe lúc đó dựng ở ngoài sân ngoài tầm kiểm soát và quản lý của chủ sở hữu, do đó không thể cho đây là hành vi cướp tài sản. Mặt khác khi cả bọn đi ra khỏi quán thì trong tay Công không có chiếc gương. Sau này chính Mừng đã giao nộp lại cho cơ quan công an.Vả lại cái gương chỉ trị giá 25.000 đồng do đó không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Công vì theo quy định tại điều 138 BLHS thì yêu cầu tài sản phải có giá trị từ 500.000 đồng trở lên. Do đó tại quán đầu tiên này chưa có dấu hiệu của tội cướp tài sản hay cưỡng đoạt tài sản đối với Công, thậm chí cũng không có dấu hiệu của tội Huỷ hoại tài sản.
Chúng tôi đặc biệt lưu ý HĐXX về tình tiết khi cả bọn rời quán này. Đó là việc người trong nhà đã khoá cổng và cả bọn trong đó có Công phải leo tường để thoát ra ngoài (BL 97). Chi tiết này thể hiện người bị tấn công không hề có sự tê liệt ý chí .Còn có tình tiết chủ nhà là anh Hà đã gọi công an, báo chính quyền thôn (BL 17, 86) do đó cả bọn đã phải bỏ chạy. Sự bỏ chạy của cả bọn thể hiện sự sợ hãi, do đó việc chạy đến quán thứ 2 là sự bột phát chứ cũng không hề có sự tổ chức như bàn bạc, thoảt thuận gì trước. Do đó tôi cho rằng việc vào quán thứ 2 chỉ là hành động bình thường.
Qúan thứ hai mà cả bọn ghé vào khi tiện đường là quán Karaoke, vì là quán có chức năng kinh doanh chứ không phải là tư gia riêng. Mà đã là quán kinh doanh thì tất yếu phải cần có khách đến hát. Do đó tôi coi cả bọn đến quán này chỉ với tư cách là khách đến chơi giải trí và hát. Diễn biến xảy ra tại quán thứ 2 này như sau:
Công và Tuấn vào 1 phòng khác để xem ti vi. Trong khi đó thì Hải và Hiền vào 1 phòng khác ở đây có bia và có chủ nhà là anh Hải ngoài ra còn có người phục vụ (bảo kê) là anh Tú. Như vậy là có sự ngăn cách giữa Công và Hải, Hiễn. Nhưng hồ sơ cho thấy Hải và Hiền chỉ tiếp xúc với anh Tú còn anh Hải chủ nhà thì ngồi ở bàn. Lúc đầu là bọn Hải yêu cầu anh Tú cử tiếp viên phục vụ nhưng anh Tú không đáp ứng (vì có 1 cô bị ốm) nên dẫn đến to tiếng và xô xát (177, 264). Như vậy là giữa hai bên đã có 1 1 quá trình nói chuyện liên quan đến chức năng kinh doanh của quán và mục đích cả bọn vào. Chứ không có dấu hiệu của tội cướp (là dùng vũ lực, hoặc đe doạ dùng vũ lực tức khắc).
Tiếp theo là sự việc xô xát đánh nhau giữa bọn Hải và anh Tú (lúc này vẫn chưa có Công tham gia), nguyên nhân xô xát là vì không có tiếp viên. Việc xô xát chỉ riêng Hải và Tú chứ không có cả bọn tham gia. Khi Hải bỏ chạy thì Hiền mới tham gia cùng Hải.
Sau đó thì Hải chủ quán mới mang khoá ra khóa cổng thì lúc đó Công đi từ phòng xem ti vi thấy ồn ào mới đi ra, thì thấy Hải định khoá cổng thì mới cầm lấy chìa khoá đưa cho chị Tân là hàng xóm nghe ồn ào thì cũng chạy ra xem (BL 96). Như vậy là bọn Công cũng thể hiện sự sợ hãi nếu bị khoá cửa nhốt ở trong do đó hành vi chủ nhà cầm khoá đi khoá cổng không phải là dấu hiệu của sự tê liệt ý chí. Qua hồ sơ cũng cho thấy Hải chỉ đánh nhau với Tú chứ không đánh nhau với anh Hải chủ nhà và anh Hải cũng không có cản trở gì.
Như vậy việc cả bọn đến quán thứ 2 phải trải qua một thời gian dài (từ khi tiếp xúc để yêu cầu tiếp viên, đến khi cãi nhau và xô xát do không được đáp ứng) mà phía chủ nhà (anh Hải) không hề có sự cản trở việc lấy bia. Do đó cũng không thấy có dấu hiệu của tội Cướp như dùng vũ lực ngay tức khắc để lấy chai bia.Việc lấy bia chỉ xảy ra vào giai đoạn cuối khi cả bọn tiện lấy chai bia để ngay cạnh đó mở uống. Và cầm đi ra sân. Tôi cho rằng căn cứ vào tình tiết của giai đoạn này nên Công an huyện Thạch Thất mới kết luận bọn Công có tội Cưỡng đoạt tài sản. Nhưng theo quan điểm của luật sư thì dấu hiệu của tội này cũng rất mờ nhạt vì không có dấu hiệu của mặt khách quan của tôi này như được thực hiện bằng hành vi đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần ngươì có trách nhiệm về tài sản nhằm chiếm đọat tài sản. Ngoài ra dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan của tội Cưỡng đoạt cũng không thấy cụ thể là không có tài liệu nào thể hiện mục đích của cả bọn là vào quán để chiếm đoạt mấy chai bia, boỉ vì nếu không nhằm mục đích này thì hành vi đã thực hiện (cụ thể là mở chai bia uống) không phải là hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Còn về tội danh huỷ hoại tài sản thì tôi không có ý kiến gì. Tuy nhiên tôi có ý kiến về trị giá tài sản bị thiệt hại là chưa có cơ sở.
Trên đây là quan điểm của tôi đề nghị HĐXX xem xét để xác định đúng tội danh và hình phạt cho Công. Về nhân thân của Công đề nghị HĐXX cũng xem xét chiếu cố đến hoàn cảnh gia đình và việc Công là lao động chính trong nhà, có con còn nhỏ. Đề nghị áp dụng điều 46 khoản 1 điểm g,h,p, khoản 2. Tại phiên toà người bị hại (anh Cấn Tất Hà) cũng xin HĐXX giảm nhẹ cho bị cáo và không đề nghị bồi thường.
Xin trân trọng cảm ơn.
Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 2005.
Luật sư
Phan Thị Hương Thủy