Ngày cập nhật: 24/07/2011
Điều 50 Hiến pháp năm 1992: "Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật".
BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM PHÁP LÝ VỀ QUYỀN XÃ HỘI CỦA CÔNG DÂN
Luật sư, Tiến sĩ. Phan Thị Hương Thủy
Trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Long
Đoàn Luật sư Hà Nội
Điều 50 Hiến pháp năm 1992: "Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật".
Trong số các quyền hiến định của công dân quy định trong Hiến pháp có nhóm quyền về xã hội của công dân bao gồm các quyền sau: quyền được sống; quyền được bảo vệ chăm sóc sức khỏe; quyền được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội; quyền được Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình; quyền được gia đình, Nhà nước, xã hội bảo vệ, chăm sóc, giáo dục của trẻ em; quyền được gia đình và Nhà nước chăm sóc, giáo dục của thanh niên; quyền được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ; quyền được Nhà nước khen thưởng, chăm sóc của người và gia đình có công với nước; quyền được Nhà nước, xã hội giúp đỡ của người già, người tàn tật, trẻ mồ côi, không nơi nương tự.
Điều 51 Hiến pháp năm 1992 quy định: "Nhà nước bảo đảm các quyền của công dân". Để đảm bảo các quyền hiến định của công dân, Nhà nước ta đã có những biện pháp bảo đảm pháp lý như: ban hành pháp luật thực định (các bộ luật, luật, pháp lệnh, Nghị định để quy định chi tiết việc thực hiện các quyền của công dân quy định trong Hiến pháp); tham gia các công ước quốc tế về quyền con người; đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động của các Cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm các quyền xã hội của công dân; thực hiện các chính sách xã hội để đảm bảo quyền lợi cho các nhóm công dân được Nhà nước quan tâm, bảo vệ; nâng cao ý thức pháp luật của công dân bằng các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, giải thích và giáo dục pháp luật.
Bản chất của chế độ ta là nhân đạo thể hiện trong các quy định cụ thể trong Hiến pháp đối với nhóm công dân đặc biệt cần được xã hội và Nhà nước quan tâm hơn như: người có hoàn cảnh khó khăn, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, những người và gia đình có công với nước, trẻ em nói chung, thanh niên, phụ nữ, người già, người tàn tật, trẻ mồ côi, không nơi nưng tựa. Đối với người thuộc đối tượng này bị truy tố ra xét xử tại tòa án, cũng được Nhà nước bảo đảm quyền bào chữa. Trong lĩnh vực ban hành pháp luật thực định, đã có nhiều luật về từng nhóm đối tượng đã được Nhà nước ban hành cụ thể:
-Để bảo đảm quyền của trẻ em: Nhà nước ban hành Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 1991.
-Để bảo đảm quyền của phụ nữ: Nhà nước ban hành Luật hôn nhân và gia đình (lần đầu vào năm 1959, sửa đổi các lần 1959, 1986 và năm 2000); Pháp lệnh vì sự tiến bộ của phụ nữ ban hành năm 1996.
- Để bảo đảm quyền lợi cho những người thuộc đối tượng chính sách và gia đình họ: Nhà nước ban hành Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng ban hành năm 1994 (sửa đổi năm 2000):
- Để bảo đảm quyền lợi cho những người tàn tật: Nhà nước ban hành Pháp lệnh về người tàn tật ban hành năm 1998.
- Để bảo đảm quyền lợi cho người già, về hưu: Nhà nước ban hành Pháp lệnh người cao tuổi ban hành năm 2000.
+Ngoài ra, các nhóm đối tượng trên cũng được bảo vệ bằng việc quy định các điều khoản cụ thể trong các bộ luật như:
- Bộ luật lao động ban hành năm 1995, sửa đổi vào năm 2001: Có quy định về bảo đảm quyền lợi cho người lao động là nữ và người lao động chưa thành niên.
- Bộ luật hình sự được ban hành năm 1987, sửa đổi năm 1999, 2001: Có quy định về người phạm tội là vị thành niên, phụ nữ có thai, đang nuôi con.
- Bộ luật tố tụng hình sự: ban hành năm 1989, sửa đổi năm 2002: Có quy định về thủ tục điều tra, truy tố, xét xử đối với các bị can, bị cáo là vị thành niên, phụ nữ đang nuôi con nhỏ.
- Bộ luật dân sự ban hành năm 1995: Có quy định riêng về bảo vệ người phụ nữ, trẻ em.
- Bộ luật tố tụng dân sự chuẩn bị thông qua năm 2004:
+Việt Nam cũng tham gia các công ước quốc tế như:
- Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ mà Việt Nam phê chuẩn năm 1993.
- Công ước quốc tế về quyền trẻ em, Việt Nam phê chuẩn năm 1990.
Năm 1997 đánh dấu một giai đoạn đổi mới trong công tác tư pháp của nước ta đó là: Ngày 6/9/1997 Chính phủ ban hành quyết định số 734/TTg về việc thành lập tổ chức trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách nhằm mục đích bảo đảm cho họ thực hiện các quyền về xã hội một cách có hiệu quả hơn. Các tổ chức này có nhiệm vụ chủ yếu là: Xây dựng, tham gia các văn bản pháp luật về trợ giúp pháp lý miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách, thực hiện công tác trợ giúp pháp lý miễn phí, tham gia phổ biến và giáo dục pháp luật cho nhóm người này....Để thực hiện quyết định số 734 của Chính phủ, một loạt các văn bản của Bộ tư pháp, thông tư liên tịch giữa các bộ, ngành chức năng đã được ban hành như: Quyết định số 752/QĐ/TCCB ngày 24/10/1997 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thông tư liên tịch số 52/TTLT/TP-TC-TCCP-LĐTBXH ngày 14/1/1998 của Bộ Tư pháp, Ban tổ chức cán bộ chính phủ, Bộ tài chính, Bộ lao động thương binh xã hội; Thông tư liên tịch số 187/1998/TTLT-TCCP-TC-TP ngày 30/3/1998 của Ban tổ chức cán bộ chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp; quyết định số 758/1998/QĐ-BTP ngày 3/6/1998 của Bộ trưởng Bộ tư pháp; Quyết định số 459/1998/QĐ-BTP ngày 3/6/1998 của Bộ trưởng Bộ tư pháp về ban hành quy chế cộng tác viên của tổ chức trợ giúp pháp lý; Thông tư số 07/1998/TT-BTP ngày 5/12/1998 hướng dẫn về công tác quản lý và thực hiện trợ giúp pháp lý. Ngày 1/3/2000 Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 05/2000/CT-TTg về tăng cường công tác trợ giúp pháp lý. Và ngày 10/7/2002 Bộ trưởng Bộ tư pháp đã ban hành quyết định số 257/QĐ-BTP về việc thành lập Qũy trợ giúp pháp lý Việt Nam để thực hiện hoạt động hỗ trợ tài chính thêm cho công tác trợ giúp pháp lý.
Kể từ sau khi quyết định này được ban hành ở Việt Nam đã xuất hiện một loại hình hoạt động pháp luật giúp đỡ những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và không am hiểu về quy định của pháp luật do vậy không được pháp luật bảo vệ một cách đầy đủ. Chính sách nhân đạo và đúng đắn của nhà nước ta về hoạt động trợ giúp pháp lý với ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động này là tạo điều kiện cho mọi người dân được sống và làm việc theo pháp luật, đã được nhân dân hoan nghênh và ủng hộ trong đó có đội ngũ các luật gia của Hội luật gia, nhất là đông đo các luật sư thuộc các văn phòng luật sư. Hoạt động trợ giúp pháp lý do luật sư thực hiện được quy định trong Pháp lệnh luật sư năm 2001. Điều 6 Pháp lệnh luật sư quy định: " Khuyến khích luật sư tham gia các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo và các đối tượng chính sách miễn phí".
Hiện nay ở nước ta chưa có luật sư công trợ giúp về pháp lý cho đối tượng chính sách, do đó công việc thực hiện trợ giúp pháp lý chủ yếu do các luật sư luật gia thực hiện trên cơ sở hợp đồng ký với các trung tâm trợ giúp pháp lý.
Với sự quy định nêu trên đã coi hoạt động trợ giúp pháp lý cho các đối tượng chính sách là nghĩa vụ của luật sư. Sự tham gia của luật sư vào hoạt động nhân đạo này này đã biến hoạt động trợ giúp pháp lý trở thành hoạt động chuyên môn của các luật sư, luật gia thực hiện các công việc trợ giúp pháp lý dưới nhiều hình thức phong phú như:
- Tư vấn pháp luật về các quy định pháp luật về quyền và lợi ích hợp pháp của những người thuộc đối tượng chính sách.
- Giải đáp pháp luật về những vướng mắc mà họ hay gặp trong cuộc sống.
- Đại diện cho họ giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện tại tòa án, cơ quan nhà nước.
- Tham gia bào chữa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, lao động.
- Tham gia phiên tòa hình sự bào chữa cho các bị cáo thuộc nhóm đối tượng.
- Tham gia từ giai đoạn khởi tố để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bị can, bị cáo.
Xã hội càng phát triển, sự phân hóa giàu nghèo, chênh lệch mức sống, khác nhau về vị trí trong xã hội càng phát triển thì nhu cầu trợ giúp pháp lý cho những người nghèo và đối tượng chính sách lại càng tăng bởi vì hoạt động trợ giúp pháp lý có tác động trực tiếp tới từng đối tượng cá biệt, nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc, thiết thân đến từng đối tượng mà họ không có khả năng về kinh tế, nhận thức để tự giải quyết.
Việc Nhà nước quy định những người chuyên môn như luật sư, luật gia mới có quyền đảm nhận việc trợ giúp pháp lý miễn phí là sự thể hiện thái độ của Nhà nước đối với hoạt động nhân đạo này, có nghĩa là phải đảm bảo chất lượng và có hiệu quả cho những đối tượng khó khăn này.
Do đó hoạt động trợ giúp pháp lý phải là dựa trên nền tảng đạo đức nghề nghiệp của luật sư, phải có tâm đức, có trách nhiệm cao để thực hiện công việc trợ giúp pháp lý mà không thu phí.
Để hoạt động trợ giúp pháp lý có hiệu quả cần phải tiến hành đồng bộ các biện pháp như:
1. Tiếp tục ban hành các quy định pháp luật về trợ giúp pháp lý về các vấn đề: cơ cấu tổ chức biên chế của các tổ chức trợ giúp pháp lý của Nhà nước; mối quan hệ giữa tổ chức trợ giúp pháp lý với các cộng tác viên thực hiện các công việc trợ giúp pháp lý; quy định về tiêu chuẩn và yêu cầu đối với cộng tác viên hoạt động trợ giúp pháp lý; các quy định đảm bảo cho luật sư hoạt động trợ giúp pháp lý.
2. Hoàn thiện hệ thống pháp luật thực định (bao gồm pháp luật nội dung và pháp luật hình thức) để đảm bảo thực hiện quyền của công dân về xã hội, trong đó cần quy định cụ thể về nhóm các công dân đặc biệt mà Nhà nước quan tâm hơn.
3. Cần quy định cụ thể những đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý để từ đó có chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện cho họ đảm bảo quyền lợi của họ. Cụ thể có thể phân loại các đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý thành các nhóm sau:
Nhóm 1:
- Người nghèo
Nhóm 2: Người cao tuổi
- Người già
- Người ốm đau
- Người về hưu
Nhóm 3: Trẻ em
- Trẻ em nói chung
- Trẻ mồ côi, lang thang không nơi nương tựa
Nhóm 4:
-Người tàn tật
Nhóm 5:
-Thanh niên
Nhóm 6: Phụ nữ
- Phụ nữ nói chung
- Phụ nữ là nạn nhân của nạn bạo lực gia đình, hủ tục xã hội
Nhóm 7:
-Thương binh
-Bệnh binh
-Người có công với nước
Nhóm 7:
- Gia đình liệt sỹ
- Gia đình thương binh, bệnh binh
- Gia đình người có công với nước
Nhóm 8:
- Người dân tộc
Một số các biện pháp cụ thể nâng cao hiệu quả bảo đảm thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý đối với từng đối tượng.
1. Đối với trẻ em nói chung, trẻ em mồ côi, trẻ em lang thang, trẻ em có hòan cảnh đặc biệt: Nhà nước cần sửa đổi bổ sung Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em theo hướng bổ sung các quy định về quyền của trẻ em.
2. Đối với người về hưu, người cao tuổi, người già cô đơn: Cần bổ sung sửa đổi Pháp lệnh người cao tuổi; bổ sung Nghị định về bảo hiểm xã hội.
3. Đối với phụ nữ là nạn nhân của nạn bạo lực gia đình, hủ tục xã hội, nạn buôn bán phụ nữ ra nước ngoài: Cần tuyên truyền phổ biến pháp luật về quyền phụ nữ,
4. Đối với thương binh, bệnh binh: Có chính sách đãi ngộ, tạo công ăn việc làm.
5. Đối với gia đình chính sách: Tạo điều kiện hỗ trợ cho họ.
6. Đối với người dân tộc: Cần ban hành Luật dân tộc.