Ngày cập nhật: 25/07/2011
Hội thảo mang cái tên rất thu hút sự chú ý của giới luật sư: "Việt Nam-Nền kinh tế đang phát triển và những hỗ trợ từ dịch vụ pháp lý của Anh quốc"
Hội thảo này do Liên đoàn luật sư toàn quốc cùng Hiệp hội luật sư Anh quốc đồng tổ chức tại Câu lạc bộ Báo chí (Press Club) -59A Lý Thái Tổ nên cũng tiện đường. Đến nơi mới thấy tầm quan trọng của cuộc hội thảo vì có rất nhiều luật sư Anh quốc tham dự, ngồi kín cả gian phòng rộng. Nhìn lên bàn chủ tịch 1 vị Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư toàn quốc VN cùng bà đại biện lâm thời của Đại sứ quán Anh và ngài Thị trưởng khu tài chính Luân đôn. Cũng có 1 số luật sư VN nhưng chủ yếu là luật sư tư vấn. Nhìn quanh chỉ vài ba luật sư trong lĩnh vực tranh tụng như mình. Cứ như phát biểu của vị đại diện Đại sứ quán Anh thì Chính phủ Anh quốc đang có chủ trương toàn cầu hóa dịch vụ luật pháp (trong đó có VN) và giao cho Hiệp hội luật sư Anh quốc thực hiện trọng trách này. Thảo nào mà từ tuần trước rất nhiều cú điện thoại của Ban tổ chức gọi đến văn phòng mời bằng được mình tham dự Hội thảo (lại có quà tặng cho đại biểu nữa).
Khác với các hội thảo nhiều năm trước, điểm đặc biệt của hội thảo lần này là đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ VN trong việc ban hành pháp luật phù hợp với nhu cầu của quốc tế. (Trước kia hay chê VN bảo thủ không chịu ban hành luật pháp theo thông lệ thế giới, 1 mình 1 kiểu). Đơn cử như trong lĩnh vực pháp luật cạnh tranh của VN hoàn toàn phù hợp với Luật cạnh tranh của Ủy ban Châu Âu. Mà còn mạnh hơn là VN đã thẳng tay trừng phạt Công ty xăng dầu hàng không VN trong vụ lợi dụng vị thế thống lĩnh tự tiện cắt cung cấp nhiên liêu cho Hãng hàng không thấp cổ bé họng Jett Pacific, bằng cách khai trừ ra khỏi Vietnam Airline-hãng hàng không quốc gia VN-(Đây được coi là hãng hàng không có uy tín và vị thế nhất quả đất hiện nay ở VN). Đấy, có phải VN không chịu hòa mình vào môi trường pháp luật quốc tế đâu...Nếu là nước Anh ở trong hoàn cảnh chiến tranh vất vả như VN thì với cái tính bảo thủ thì ...còn lâu mới nhanh được như VN. Cái gì cũng phải từ từ thì khoai mới nhừ chứ.... :)
Mình được biết hiện nay giới luật sư Anh quốc hoạt động dưới 3 mô hình: 1) Các hãng luật quốc gia chỉ chuyên áp dụng luật của Anh quốc cho các khách hàng nội địa (National law firm). 2) Các công ty trách nhiệm hữu hạn (Limited law company) có đặt chi nhánh tại 1 nước ngoài để cung cấp dịch vụ cho khách hàng của Anh và của nước đó (đương nhiên sẽ áp dụng luật của chính quốc và luật bản xứ) và 3) Các hãng luật quốc tế cung cấp các dịch đầy đủ ( Ful service internaional law firm) vừa cung cấp dịch vụ về luật pháp của chính quốc vừa luật pháp của tất cả các nước mà hãng luật này đặt trụ sở. Đây cũng chính là mô hình mà Chính phủ Anh quốc đang có chủ trương phát triển toàn cầu hóa vì rất có lợi.
Ví dụ theo 1 tham luận cho biết hãng luật này có tới 31 văn phòng đặt tại 22 nước, 478 thành viên và số lượng người tham gia tới 6.402. Thực ra theo mô hình thứ ba là rất khôn vì 1 hãng luật của Anh sẽ cung cấp dịch vụ cho 1 số lượng khách hàng tương ứng với số nước mà nó đặt trụ sở (ví dụ như hãng luật trên sẽ cung cấp cho 22 loại khách hàng) . Đương nhiên tùy theo yêu cầu của khách sẽ có luật sư bản xứ tương ứng cung cấp dịch vụ pháp lý. Phí luật sư sau khi trừ đi thù lao của luật sư bản xứ, phần còn lại là của hãng. Mình thừa biết trên thực tế các hãng luật quốc tế thu phí luật sư của khách rất cao nhưng chỉ phải trả cho luật sư bản xứ rất nhỏ. Đó là lý do vì sao các hãng luật quốc tế rất hay áp dụng chính sách chiêu mộ hiền tài thu nạp các luật sư giỏi của VN về đầu quân cho họ. Tuy phải trả mức lương cao nhưng không thấm vào đâu so với lợi nhận kếch xù mà họ thu từ khách hàng.
Theo chương trình thì sau khi các báo cáo viên trình bày tham luận xong đến phần những người tham dự ra câu hỏi xoay quanh nội dung tham luận. Cái khác với các hội thảo của VN đó là những người tổ chức rất quan tâm đến ý kiến phát biểu của khách, họ nghe rất chăm chú và ghi chép rất cẩn thận. Rất tiếc lại rất ít người phát biểu vì phải có kinh nghiệm thực tiễn qua các vụ tranh chấp. Mình ngồi cạnh 1 vị là Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư, thấy không ai phát biểu nên tham gia phát biểu 1 vài ý kiến về 2 vấn đề mà mình thấy quan tâm đó là: Pháp luật VN về các vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và về đầu tư nước ngoài. Đương nhiên đó cũng là vấn đề giới luật sư Anh quốc cũng quan tâm vì các khách hàng của họ đang rất vướng về vấn đề này. Để bảo đảm cho việc tăng thu lợi nhuận, an toàn kinh doanh cần có luật sư bảo vệ trong các vụ tranh chấp chứ không phải chỉ ở giai đoạn xin giấy phép đầu tư, triển khai dự án. Do hiện nay càng ngày vai trò luật sư càng vắng bóng trong lĩnh vực tranh tụng, nên những luật sư tranh tụng tự nhiên trở thành điểm trung tâm của hội thảo.
Những ý kiến của mình về 1 số kinh nghiệm trong lĩnh vực tranh tụng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các tranh chấp trong nội bộ các doanh nghiệp liên doanh quả là được giới luật sư Anh quốc quan tâm, ghi lấy ghi để và giải lao còn trao danh thiếp hẹn giao lưu offline nữa. Đây cũng là 1 kiểu chuyển giao know-how của tư bản để moi chất xám, kinh nghiệm nghiệp vụ từ luật sư bản xứ, rất đáng học tập.