Vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền ở VN

Ngày cập nhật: 25/07/2011
1 vài suy nghĩ về hiện tượng được gọi là “những vướng mắc trong luật pháp VN” dưới con mắt của những người sống ở hải ngoại

Tại 1 bài viết trên diễn đàn bantoi về chủ đề “Có tồn tại hạnh phúc ảo trong cuộc sống thực tế hay không”, Hồng Vân (khoa Toán MGU)-1 người bạn cùng trường đại học, 1 người hàng xóm ở phố Hàng Chuối cùng với mình đã viết như sau: “ Đọc bài của Thủy thì mình lạc quan hơn 1 chút về luật pháp ở VN, trái hẳn với kinh nghiệm của mình mỗi lần về thăm VN. Mình có nên bàn với Thủy về những vấn đề vướng mắc trong luật pháp VN ở trên diễn đàn này không, đó có là vấn đề nhạy cảm nên tránh hay không?”
Mình hiểu đó cũng là băn khoăn của 1 số người thuộc lứa LHS77-78 nhưng hiện nay đang sống và định cư ở nước ngoài (mà thường được gọi là Việt kiều hay các bạn sống ở hải ngoại). Câu trả lời thẳng thắn của mình là: Mình sẵn sàng chia sẻ với Hồng Vân (và cả các bạn khác) về những vấn đề liên quan đến luật pháp VN (đương nhiên là những vấn đề mà mình hiểu biết) trên diễn đàn bantoi. Tuy thuộc lĩnh vực nhạy cảm, nhưng nếu sự chia sẻ quan điểm với ý thức xây dựng với mong muốn làm cho tốt hơn hiện tại, mình cho rằng đều là cần thiết và không nên né tránh.
Trước hết mình có 1 vài suy nghĩ về hiện tượng được gọi là “những vướng mắc trong luật pháp VN” dưới con mắt của những người sống ở hải ngoại như sau:


Thứ nhất: Nhà nước và pháp luật là sản phẩm của xã hội có giai cấp, có chung nguồn gốc hình thành, phát triển và tiêu vong. Khi chế độ tư hữư về tư liệu sản xuất ra đời, xã hội phân chia thành những giai cấp đối kháng, nhà nước xuất hiện cùng với nó là pháp luật cũng hình thành để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh trong quá trình quản lý nhà nước. Từ xa xưa đến ngày nay nhân loại vẫn phải dùng pháp luật để điều chỉnh và ổn định các quan hệ xã hội vì chưa tìm ra cách gì tốt hơn là dùng pháp luật.Pháp luật chỉ mất đi khi Nhà nước mất đi. Như vậy pháp luật là hệ thống các quy tắc hành vi, quy tắc xử sự do nhà nước ban hành hoặc thừa nhận được nhà nước đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp cưỡng chế nhà nước nhằm điểu chỉnh các quan hệ xã hội phát triển phù hợp với lợi ích của giai cấp mình. Do đó các vấn đề liên quan đến pháp luật đều thuộc lĩnh vực “nhạy cảm” vì đó là công cụ điều hành xã hội của bất cứ nhà nước nào.
Nhà nước nào cũng muốn xã hội được phát triển văn minh, mọi người sống trong xã hội được công bằng, hạnh phúc. Vì vậy những ý kiến của nhân dân đóng góp cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật làm cho công cụ điều hành xã hội của nhà nước được tốt hơn, hiệu quả hơn bao giờ cũng được khuyến khích với thiện chí xây dựng vì lợi ích chung.


Thứ hai: Hiện nay VN cũng theo xu hướng chung của thế giới đang xây dựng nhà nước pháp quyền. Tư tưởng về nhà nước pháp quyền đã có từ xa xưa và đang phát triển không ngừng, đó là thành quả của nhân loại, nó hình thành và phát triển cùng với sự tiến bộ xã hội và cho đến nay đã được thế giới thừa nhận về mặt lý luận như một học thuyết về nhà nước pháp quyền. . Vấn đề nhà nước pháp quyền là 1 vấn đề lớn được VN cũng như nhiều nước quan tâm, cũng có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này mà VN cũng đang nghiên cứu tìm ra mô hình cách thức phù hợp nhất cho mình (như khái niệm nhà nước pháp quyền, tiêu chí để phân biệt giữa nhà nước pháp quyền tư sản với nhà nước pháp quyền XHCN, mức độ và biểu hiện sự tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của con người trong các chế độ xã hội khác nhauv.v.).
Nói đến nhà nước pháp quyền là nhà nước được xem xét dưới góc độ pháp luật, trong đó tính tối cao của pháp luật được tôn trọng, các tư tưởng và hành vi chính trị, tôn giáo... của bất cứ tổ chức hoặc cá nhân nào cũng được giới hạn bởi khuôn khổ pháp luật và chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Ở VN trong mấy năm gần đây đã có nhiều cố gắng trong việc ban hành pháp luật để làm công cụ cho Nhà nước điều hành xã hội. Nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận 1 thực tế đó là nhiều văn bản luật chưa đi vào cuộc sống. Mà rào cản chủ yếu hiện nay làm cho pháp luật chưa đi vào cuộc sống là thiếu cơ chế thực hiện pháp luật. Đó là lý do nhiều người nước ngoài cho rằng có nhiều vướng mắc về luật pháp ở VN.


Thứ ba: Luật pháp thông thường được thực thi thông qua một hệ thống tòa án trong đó quan tòa sẽ nghe tranh tụng từ các bên và áp dụng các quy định để đưa ra phán quyết công bằng và hợp lý. Để đảm bảo cho người dân được tiếp cận đến công lý, nhà nước thừa nhận sự tồn tại của những người hành nghề pháp lý goi là giới luật sư- là những người được đào tạo chuyên nghiệp về các kiến thức pháp lý, được Nhà nước thừa nhận và cấp chứng chỉ hành nghề luật sư để bào chữa biện hộ cho đương sự tại tòa án, hoặc cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý.
Trong bất cứ xã hội nào sự phát triển của giới luật sư cũng là thước đo của nền dân chủ. Ở VN nghề luật sư được coi là 1 trong những nghề non trẻ nhất và sự phát triển của loại nghề được liệt vào nghề “nguy hiểm” này cũng có nhiều “thăng trầm” nhưng không phải là không có yếu tố lạc quan.
Với tư cách là luật sư hành nghề chuyên nghiệp trong lĩnh vực tranh tụng mình thấy được tương lai phát triển của nghề luật sư cũng như xu hướng phát triển nền dân chủ của VN. Đó là VN đã có nhiều tiến bộ trong việc ban hành kịp thời, đồng bộ các văn bản hướng dẫn thi hành luật để luật thực sự đi vào cuộc sống. Không những thế VN còn cố gắng đổi mới thể chế, tổ chức bộ máy Nhà nước cho phù hợp, và cũng rất kiên quyết trong cuộc chiến chống lại chính mình (cụ thể chống nạn quan liêu, tham nhũng) và ngày càng phát huy dân chủ, hướng tới mục tiêu xây dựng Nhà nước VN trong sạch, vững mạnh, thực sự là Nhà nước của dân, do dân, vì dân.


Thứ tư: Hoàn toàn những ý kiến nêu trên không phải là hô khẩu hiệu mà đã được chứng minh trong thực tiễn hành nghề luật sư của mình cụ thể bằng chính vụ án mà mình vừa thực hiện hôm nay. Ngày hôm nay là ngày mình cảm thấy hạnh phúc-hạnh phúc thật sự vì mình vừa cứu được 1 thân chủ trong 1 vụ án hình sự khỏi bị án tù giam. Thực ra thì mình thấy hành vi phạm tội của họ không đáng bị cách ly khỏi xã hội thế thôi. Tại phiên tòa “vị thân chủ” của mình đã suýt khụy chân vì không tin vào tai khi nghe vị chủ tọa công bố lệnh tha tại phiên tòa. Tuy theo quy định sau phiên tòa vẫn bị công an dẫn giải tra còng số 8 vào tay để đưa về trại làm thủ tục trả tự do. Thật không tả xiết nỗi mừng rỡ của người mẹ đau khổ đã giành lại đứa con từ chốn ngục tù. Phiên tòa này mình đã vất vả suốt từ trước Tết vì lên đến giai đoạn phúc thẩm người mẹ khốn khổ mới tìm đến Văn phòng luật sư của mình để thuê luật sư bào chữa cho con chị ta đang bị tạm giam, mà đã bị tam giam thì luật sư rất khó tư vấn hướng dẫn cách khai sao cho đúng ý luật sư để đạt mục đích, nhất là bị cáo đã bị bắt giam (thông thường ở VN hay nói đã vào tù rồi thì ra khó lắm). Chỉ còn cách là luật sư viết bản kiến nghị gửi cho Tòa án nghiên cứu trước về hướng bào chữa (đương nhiên là phải xin hoãn đi hoãn lại mấy lần để các vị lãnh đạo có thời gian đọc bản kiến nghị của luật sư). Thế mà tại phiên tòa việc tranh luận giữa công tố viên (vẫn ngoan cố buộc tội) và luật sư (đưa ra các tình tiết gỡ tội) diễn ra khá căng thẳng. Cuối cùng quan điểm của luật sư đã được Hội đồng xét xử chấp nhận. Đó chính là dấu hiệu chứng minh ở VN cũng đã có dân chủ chứ không phải không có dân chủ. Thực ra đối với sự việc tòa án hình sự chấp nhận quan điểm bào chữa của luật sư trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa là 1 vấn đề cũng không phải xảy ra thường xuyên ở VN (vì như vậy chẳng khác gì bảo là có dấu hiệu oan sai trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án này).
Đến cuối năm 2009 Luật bồi thường nhà nước được thông qua và cơ quan tiến hành tố tụng sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai. Sự kiện này có 2 mặt đối lập: đó là một mặt là biện pháp để phòng ngừa những hành vi lạm dụng quyền hạn để xử lý hình sự oan sai từ phía những cán bộ công chức nhân danh quyền lực nhà nước, nhưng một mặt sẽ gây ra tâm lý bảo thủ cố chấp không chịu sửa sai của chính những vị “công bộc” của nhân dân này (vì nếu nhận sai thì phải bồi thường thiệt hại cho người bị oan sai). Do đó cuộc chiến vì công lý giữa một bên là các cơ quan tiến hành tố tụng với 1 bên là giới luật sư vẫn tiếp diễn. Nhưng có điều càng ngày càng nhiều luật sư từ bỏ lĩnh vực tranh tụng để chuyển sang lĩnh vực tư vấn pháp lý –mà họ coi là nhẹ nhàng hơn và ít chịu áp lực hơn. Đây là 1 thực trạng buồn chưa có cách nào giải quyết.
Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự VN để xử lý hình sự đối với người có hành vi phạm tội phải trải qua các giai đoạn tố tụng có sự tham gia của các cơ quan tư pháp như: cơ quan công an điều ra kết luận, chuyển qua Viện kiểm sát cùng cấp để truy tố ra Cáo trạng, rồi chuyển qua tòa án xét xử ra bản án, nếu có kháng cáo thì tòa án cấp phúc thẩm xét xử, bản án phúc thẩm là bản án có hiệu lực pháp luật thi hành. Trường hợp này là tòa án sơ thẩm đã xử và tuyên phạt bị cáo 42 tháng tù giam. Do đó tại phiên tòa tòa phúc thẩm bị cáo được tuyên bố trả tự do là 1 sự “dũng cảm” của ngành tư pháp, đương nhiên là hạnh phúc lớn đối với người luật sư rồi.
Người con đã lên chiếc xe cảnh sát bít bùng để về trại giam làm thủ tục trả tự do. Sau song sắt mình vẫn nhìn thấy nét mặt thất thần không tin vào sự thật của người mấy tiếng đồng hồ trước vẫn là bị giam mà nay đã được tự do. Người ta bảo có ở tù thì mới quý sự tự do. Mình tin là bị cáo này sẽ làm lại cuộc đời và trở thành người công dân có ích cho xã hội. Người mẹ cứ mời mình ở lại ăn cơm trưa nhưng mình phải nói lời tạm biệt vì còn phải về gặp khách hàng khác. Ngày kia lại có 1 phiên tòa kinh tế (đã hoãn lần trước) với tính chất phức tạp và khốc liệt không kém vụ án hình sự hôm nay, mà thắng hay thua vẫn còn là ẩn số. Xe ô tô của mình đi khuất mà người mẹ vẫn đứng nhìn theo với ánh mắt cảm kích biết ơn. Cuộc sống phía bên ngoài cánh cửa kính xe ô tô vẫn hối hả trôi cũng như công việc của người luật sư vẫn bận rộn ngày từng ngày không hề có chỗ cho sự nhàm chán.


Thay lời kết: Vì bài viết của Hồng Vân tại chủ đề “Có tồn tại hạnh phúc ảo trong cuộc sống thực tế hay không”, nên nhân đây mình cũng thể hiện rõ quan điểm của mình với tư cách luật sư về vấn đề có nhiều quan điểm trái chiều nêu trên là:
- Quyền mưu cầu hạnh phúc được pháp luật thừa nhận là quyền cơ bản của con người, nhưng quan niệm hạnh phúc là gì, các tiêu chí cụ thể về hạnh phúc phụ thuộc vào nhận thức của từng người. Đó là quyền nhân thân của từng cá nhân và được xã hội tôn trọng nếu như không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người khác.
- Đối với nghề luật sư thì không thể có hạnh phúc ảo trong cuộc sống thực tế đời thường được. Không thể khuyên thân chủ bị thua kiện là cứ tưởng tượng là thắng kiện. Mà mọi việc rất rõ ràng thắng là thắng mà thua là thua. Tính chất đặc thù của nghề nghiệp cũng không thể gây ra sự nhàm chán được bởi vì mỗi một vụ án là một thách thức mới cho người luật sư. Quá trình đi đến đích cuối cùng -công lý, luôn tạo ra những cái mới cho người luật sư. Kết quả cuối cùng của từng vụ án thường tạo ra cho người luật sư những niềm vui, nỗi buồn không bao giờ giống nhau. Đó là lý do mình luôn đứng về phía những người theo chủ nghĩa hiện thực, bất cứ cái gì mang lại hoặc có khả năng mang lại hạnh phúc cho mình phải là tồn tại thực tế, hiện hữu trong cuộc sống đời thường. Đó chính là hạnh phúc đích thực mà mình suốt đời phấn đấu.
Phan Hương Thủy
PS. Vì chuyên mục Tư vấn pháp lý đã lâu lắm không có người lai vãng nên mình đưa bài viết này (tuy có dính 1 tỵ pháp luật) vào đây để diễn đàn “khô khan” này đỡ hiu hắt. Mong Hồng Vân và các bạn thông cảm.


Vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền ở VN (tiep theo)
Ngày hôm nay 1 ngày mưa phùn, bầu trời sũng nước, đường phố bẩn thỉu lầy lội bùn đất, nhưng đối với mình cũng là 1 ngày hạnh phúc vì kết quả vụ án kinh tế -tranh chấp trong nội bộ Công ty cổ phần giày Đông Anh, do Tòa phúc thấm Tòa án Nhân dân tối cao tại HN (ở 262 phố Đội Cấn) xử đúng như dự kiến. Vì “lý thuyết chỉ là mầu xám còn cây đời mới mãi mãi xanh tươi” nên đây cũng là câu trả lời rất thực tiễn về những cố gắng của VN trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền.
Vụ án này tóm tắt như sau: Công ty cổ phần giày Đông Anh được cổ phần hóa từ Xí nghiệp gia công giày Đông Anh và Nhà nước nắm 45% vốn do Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước làm đại diện (viết tắt là SCIC). Đây là cổ đông lớn nhất của Công ty cùng với 3.500 cổ đông khác là những người lao động trong Công ty. Sau 2 năm hoạt động SCIC đã bán toàn bộ cổ phần cho 1 Công ty Đài Loan chuyên buôn bán về giày thể thao (Jim Brother’s) mà không bán cho người lao động mặc dù họ rất muốn mua. Việc bán phần vốn của nhà nước theo quy định của luật là phải thông qua đấu giá nhưng thực tế thì bán theo giá thỏa thuận rất thấp (cũng có nhiều dư luận về những sự khuất tất không minh bạch trong thương vụ bán chui cổ phần của nhà nước này có liên quan đến 1 số quan chức cao cấp cùa Bộ Tài chính). Hội đồng quản trị Công ty đã có đơn khiếu nại lên Bộ tài chính và Thủ tướng Chính phủ tố cáo việc bán cổ phần của SCIC không qua đấu giá và không chấp nhận đăng ký cho Công ty J.B vào Sổ cổ đông. Nên đã dẫn đến việc SCIC khởi kiện Công ty Cổ phần giày Đông Anh ra tòa buộc phải đăng ký tên cho cổ đông mới. Lúc đầu Văn phòng thủ tướng đã có văn bản cảnh cáo SCIC làm như vậy là trái luật và yêu cầu phải làm lại cho đúng luật (cụ thể là phải đấu giá). Thế nhưng không hiểu SCIC chạy chọt thế nào mà 1 năm sau lại có được ý kiến của Thủ tướng ..cho phép bán theo giá thỏa thuận, còn việc bán cổ phần của nhà nước không qua đấu giá thì cần…rút kinh nghiệm. Căn cứ vào văn bản này Tòa án sơ thẩm Hà Nội đã xử cho Nguyên đơn thắng kiện. Tại giai đoạn phúc thẩm Công ty cổ phần giày Đông Anh đã thuê mình giúp bảo vệ với mục đích phải hủy được hợp đồng chuyển nhượng vốn giữa SCIC với J.B để bảo vệ quyền lợi cho các cổ đông (vì nếu bán đấu giá thì sẽ nhiều cổ đông của Công ty sẽ tham gia mua và như vậy Nhà nước cũng bán được giá cao).


Nói tóm lại thì sự việc diễn giải dài dòng như vậy muốn thể hiện 1 vấn đề là:
- Vụ án này là vụ án đặc biệt về chủ thể của các bên: Giữa 1 bên là Nhà nước (thì SCIC là pháp nhân quản lý vốn của Nhà nước) và 1 bên là những người lao động (tuy đều là cổ đông trong 1 công ty cổ phần).
- Bên Nhà nước đã có phần lợi thế là được Thủ tướng, Bộ Tài chính (thực ra cũng là…Nhà nước) bật đèn xanh châm chước cho việc bán cổ phần của nhà nước cho J.B với giá rẻ như bèo bất chấp thực tế là các cổ đông khác cũng muốn mua và họ sẵn sàng tham gia đấu giá….(Do đó khi nhận yêu cầu mình bị sức ép vi khả năng Nguyên đơn thắng là rất lớn).
Vụ án đã bị hoãn đi hoãn lại mấy lần, đáng ra trước Tết đã xử xong nhưng cả hai bên đều trì hoãn để tìm thời cơ. Mình được phía thân chủ cho biết bên Nguyên đơn đã lệnh cho các luật sư của họ phải thắng bằng mọi giá, bây giờ mà hủy hợp đồng chuyền nhượng thì ...chết cả nút, giá cổ phiếu đang xuống thê thảm, tiền thì đã nhận rồi và…nhiều vấn đề nhạy cảm khác. Còn phía bên mình chỉ cần trì hoãn việc đăng ký tên J.B vào sổ cổ đông càng lâu càng tốt, nếu hủy bỏ được hợp đồng chuyển nhượng thì là đại thắng. Chính vì thế mà vụ án kinh tế này đã trở thành cuộc chiến vô cùng khốc liệt và căng thẳng, (hậu quả là xong phiên tòa thì mình cũng ốm rồi).
Sáng nay mình vẫn nhớ khi bước vào phòng xử án, mấy luật sư đồng nghiệp bên Nguyên (vì cùng Đoàn luật sư Hà Nội) vồn vã chào hỏi mình không giấu được niềm vui ánh lên trong mắt “thế nào mà tòa chẳng y án sơ thẩm”….Thế mà đến trưa kết quả tại phiên tòa phúc thẩm thật sự đảo ngược tình thế khi mình (luật sư của phía Bị đơn) xuất trình đơn kiện của 1 số cổ đông kiện xin hủy toàn bộ Nghị quyết của Đại hội cổ đông cho phép SCIC bán cổ phần vì vi phạm Luật Doanh nghiệp và có sự nhập nhèm gian dối. Tòa án cấp phúc thẩm đã quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án để chờ kết quả giải quyết của Tòa án đối với yêu cầu kiện mới, mặc dù đại diện bên Nguyên cố giơ văn bản của Thủ tướng cho phép bán theo giá thỏa thuận. Mình còn nhớ vẻ mặt của vị chủ tọa tỉnh bơ:”nhưng luật quy định bán cổ phần của nhà nước vẫn phải tuân theo Luật doanh nghiệp”. Thật khó diễn tả nét mặt tưng hửng của những người bên Nguyên đơn khi nghe phán quyết của tòa án, mọi người cứ nháo nhác cả lên, mình thấy có luật sư còn rút điện thoại gọi với thái độ ngạc nhiên “sao tình hình lại thế này?”

Nhân tiện mình giới thiệu quang cảnh 1 phiên tòa kinh tế, khác với phiên tòa dân sự và hình sự là xử không công khai để khỏi ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp. Trong phòng xử vụ án chỉ có Hội đồng xét xử (3 thẩm phán của Tòa tối cao), không có đại diện Viện kiểm sát tham dự, bên Bị có 2 người trong Hội đồng quản trị của Công ty và mình là luật sư, còn bên Nguyên đơn thì có 3 luật sư trong đó 1 luật sư là bảo vệ, 2 luật sư là đại diện, phía SCIC có cử 1 người đến dự để nắm tình hình…Tố tụng kinh tế cũng khác với tố tụng hình sự là mềm dẻo linh hoạt hơn không cứng nhắc và khuôn mẫu, phiên tòa có thể được chủ tọa cho phép ngừng 1 khoảng thời gian để hội đồng xét xử hội ý hay để các bên trao đổi tham vấn với luật sư của mình
Nhìn diễn biến phiên tòa mọi người chăc cũng hình dung được tâm lý hoang mang của phía bên Nguyên, ngay cả phía thân chủ của mình cũng không dám tin là tòa ra quyết định 1 cách “dũng cảm” như vậy. Đúng là khó mà tin là nhà nước lại thua kiện….

Về phía mình tuy rất vui nhưng phải kìm hãm sự sung sướng, không dám thể hiện quá lộ liễu trước sự “đau khổ” của các luật sư đồng nghiệp, vì mình cũng có những lúc bị thua kiện và tâm trạng cũng không khác gì họ nhất là mình biết phải khó khăn vất vả lắm bên Nguyên đơn mới lấy được văn bản của Thủ tướng có nội dung quay ngược 180 độ so với văn bản ban đầu.


Từ kết quả phiên tòa này cho thấy học thuyết về nhà nước pháp quyền thể hiện trong thực tiễn ở VN như sau:
- Đây là 1 vụ án kinh tế thông thường và Nhà nước là 1 bên đương sự-cũng được xem như một pháp nhân, theo luật thì mọi đương sự đều bình đẳng trước tòa. (Trước đây thì làm gì có chuyện Nhà nước ra tòa)
- Tuy bên Nguyên có được văn bản của Thủ tướng cho phép làm …trái luật. Nhưng khác với tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không căn cứ vào văn bản này để ra phán quyết. Điều này nói lên vấn đề là quyết định của cơ quan hành pháp cũng phải tuân thủ nguyên tắc hợp pháp như bao chủ thế pháp lý khác. Nguyên tắc này cho phép đóng khung hoạt động của quyền lực công và đặt hoạt động đó vào khuôn khổ của nguyên tắc pháp chế, vốn trước tiên dựa trên các nguyên tắc hiến định. Trong khuôn khổ đó các quy định mà Nhà nước đưa ra và các quyết định mà Nhà nước ban hành phải tuân thủ toàn thể các quy phạm pháp luật cao hơn đang có hiệu lực. Trong trường hợp này đó là luật (quy định việc bán cổ phần của nhà nước trong công ty cổ phần phải tuân theo Luật doanh nghiệp và phải thông qua đấu giá).
- Một ý nữa qua vụ án này thể hiện vai trò của các cơ quan tài phán (tòa án) là vô cùng cần thiết và sự độc lập của tư pháp là bắt buộc. Cụ thể tòa án –cơ quan tư pháp độc lập với các văn bản của cơ quan hành pháp. Đây là ý nghĩa hết sức quan trọng của nhà nước pháp quyền. Theo học thuyết về nhà nước pháp quyền thì để có được tầm ảnh hưởng trên thực tế, nguyên tắc của nhà nước pháp quyền được đảm bảo bởi sự hiện diện của các cơ quan tố tụng độc lập, có thẩm quyền tài phán đối với các tranh chấp giữa các chủ thể pháp lý khác nhau bằng cách áp dụng đồng thời nguyên tắc hợp pháp vốn có được từ sự tồn tại của một trật tự các quy phạm, và nguyên tắc bình đẳng vốn đối lập với sự xét xử phân biệt giữa các chủ thế pháp lý. Một mô hình như thể dẫn tới sự hiện diện của sự phân chia quyền lực và một hệ thống tư pháp độc lập. Thực tế thì tư pháp là một phần của Nhà nước, tuy nhiên nó độc lập với quyền lập pháp và tư pháp và được đảm bảo bằng tính công minh của tư pháp trong việc áp dụng các quy phạm pháp luật. Các cơ quan tư pháp phải đối chiếu các quy phạm khác nhau khi xét xử.
Cũng cần nói thêm rằng: Trong diễn đàn bantoi đã có 1 số bài viết về tình trạng án “bỏ túi” của VN, và tính không độc lập của các cơ quan tòa án. Phải thừa nhận tình trạng đó cũng có tồn tại nhưng không phải tất cả các vụ án, tất cả các tòa án đều có tình trạng này. Đấy các bạn thấy vụ án cụ thể mà mình tham gia hôm nay thì thấy các vị thẩm phán của Tòa phúc thẩm đã “oai” chưa, nếu họ lấy văn bản của Thủ tướng là cơ sở pháp lý thì kết quả của vụ án là “y án sơ thẩm” là cái chắc….điều này đồng nghĩa với việc thân chủ của mình bị thua kiện. Thế nhưng kết quả đã cho thấy …như đã trình bày ở trên.
Đây chỉ là 1 ví dụ tức thời để các bạn hãy tin rằng ở VN đã có những dấu hiệu những chuyển biến tích cực trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Từ đó có thể đưa ra 1 kết luận khách quan rằng: Mô hình Nhà nước pháp quyền ở VN hay ở các nước khác đều có điểm chung chủ yếu đó là: Nhà nước pháp quyền là vị thế pháp lý hay một hệ thống thể chế, nơi mỗi người đều phải phục tùng và tôn trọng luật pháp, từ cá nhân đơn lẻ cho tới cơ quan công quyền.